Viện Bạch Mai có 2 “ổ dịch”, khoa Thần kinh lây từ nguồn bên ngoài

Theo Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Đức Hùng, bệnh viện này hiện có 2 “ổ dịch” khác nhau. Bệnh nhân 162 nhiễm Covid-19 từ bên ngoài, sau đó lây cho các bệnh nhân điều trị ở khoa Thần kinh.
Hình ảnh các nhân viên y tế túc trực tại cổng Bệnh viện Bạch Mai để thực hiện kiểm tra y tế đối với người ra, vào
Hình ảnh các nhân viên y tế túc trực tại cổng Bệnh viện Bạch Mai để thực hiện kiểm tra y tế đối với người ra, vào

Chiều ngày 27/3, Tiến sĩ Nguyễn Đức Hùng - Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai được mời tham dự buổi họp Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 TP Hà Nội để thông tin cụ thể các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong bệnh viện.

Phát biểu tại cuộc họp, Tiến sĩ Nguyễn Đức Hùng cho biết, hiện bệnh viện này có 2 “ổ dịch” khác nhau. Trong đó một “ổ dịch” liên quan đến 2 y tá của bệnh viện, còn “ổ dịch” thứ 2 liên quan đến 2 bệnh nhân (133, 161) và một người nhà vào Khoa Thần kinh (bệnh nhân 162).

Cụ thể, sau khi xác định bệnh nhân 133 (người Lai Châu) dương tính với Covid-19, Bệnh viên Bạch Mai đã xác định Khoa Thần kinh là “ổ dịch”. Bệnh viện đã phong tỏa khử trùng và tiến hành cách ly toàn bộ nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Đặc biệt, bệnh viện này đã lấy mẫu xét nghiệm tất cả những người liên quan tại đây.

Với bệnh nhân 162 (con dâu bệnh nhân 161, 88 tuổi), bác sĩ Nguyễn Đức Hùng cho biết, kết quả dương tính với Covid-19 yếu ớt. Do lượng virus trong cơ thể thấp nên thời gian lên dương tính chậm.

Do vậy, bệnh viện nghi ngờ bệnh nhân 162 có thể mới nhiễm hoặc đã nhiễm virus từ lâu, bắt đầu giai đoạn khỏi bệnh. “Từ đó chúng tôi cho làm định lượng kháng thể, và cho thấy thời gian nhiễm đã lâu”, ông Hùng nói.

Căn cứ vào kết quả đáp ứng miễn dịch với Covid-19 của bệnh nhân 162, bác sĩ Hùng cho biết, bệnh nhân này nhiễm bệnh trước khi vào Khoa Thần kinh Bệnh viện Bạch Mai chăm sóc bệnh nhân 161.

“Như vậy, cô này đã nhiễm bệnh trong cộng đồng. Thời điểm lấy mẫu xét nghiệm bệnh nhân này cũng không có triệu chứng lâm sàng. Vì là có liên quan đến bệnh nhân trong bệnh viện mới cho xét nghiệm để sàng lọc”, ông Hùng cho hay.

Từ phân tích trên, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Đức Hùng cho rằng, cô con dâu (bệnh nhân 162) nhiễm trước và lây nhiễm cho mẹ chồng (bệnh nhân 161). Sau đó bệnh nhân 161 vào viện (ngày 17/3), tiếp xúc và lây nhiễm cho bênh nhân 133 (bệnh nhân người Lai Châu, ra viện ngày 22/3).

Với việc xác định Bệnh viện Bạch Mai có 2 “ổ dịch” khác nhau kể trên, Tiến sĩ Nguyễn Đức Hùng cho rằng chưa thể khẳng định có lây nhiễm chéo trong bệnh viện. Chỉ khi nào có kết quả xét nghiệm khoảng 5.000 người lao động, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân trong bệnh viện mới khẳng định được có ai nhiễm bệnh nữa hay không.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội, bệnh nhân 86 (điều dưỡng của Bệnh viện Bạch Mai) đi du lịch từ phía Nam về và lây cho bệnh nhân 87, như vậy là lây chéo. Còn bệnh nhân 133 cũng lây bệnh trong Khoa Thần kinh của Bệnh viện Bạch Mai, như vậy cũng là lây chéo.

“Các anh bảo người con dâu (bệnh nhân 162) đem bệnh từ xã hội vào bệnh viện. Tôi thấy trong quá trình vận hành, viện Bạch Mai có nhiều khu chung như Khoa Xét nghiệm, Chụp chiếu hình ảnh và chung cả số sinh viên thực tập tại đây… Đây có phải điểm kết nối không?”, ông Chung đặt vấn đề.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, ông đã trực tiếp gọi điện cho 2 điều dưỡng của bệnh viện nhiễm Covid-19 và được biết 2 bệnh nhân này có tiếp xúc gần với nhau. Ngoài ra, ca bệnh số 86 còn về nhà vào buổi tối và lây nhiễm sang cho con.

Chuyên đề