Ủy ban Kinh tế: Cần thiết ban hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư

(BĐT) - Sáng 11/11/2019, Dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) đã được Chính phủ báo cáo Quốc hội cho ý kiến. Việc ban hành một đạo luật riêng để điều chỉnh hoạt động đầu tư PPP, tránh tình trạng “vay mượn” quy định của các pháp luật khác trong quá trình áp dụng được Chính phủ và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - cơ quan thẩm tra Dự Luật, đánh giá là cần thiết với mục tiêu hình thành khung pháp lý ổn định, bền vững.
 
Việc ban hành Luật PPP sẽ góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện, tính khả thi của các dự án PPP dài hạn, nhiều rủi ro, đầu tư quy mô lớn
Việc ban hành Luật PPP sẽ góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện, tính khả thi của các dự án PPP dài hạn, nhiều rủi ro, đầu tư quy mô lớn

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trình bày Tờ trình về dự án Luật PPP. Theo Bộ trưởng, việc ban hành Luật PPP là cần thiết vì nhiều lý do. Đó là, quy định chi tiết cho hoạt động PPP hiện nay mới chỉ dừng ở cấp nghị định, chịu sự điều chỉnh của nhiều luật (ngân sách nhà nước, đầu tư, đầu tư công, bảo vệ môi trường, doanh nghiệp, đất đai, xây dựng, đấu thầu...). Để tiếp tục thúc đẩy đầu tư PPP thì cần có khung pháp lý ổn định cho hợp đồng PPP dài hạn, nhiều rủi ro, đầu tư quy mô lớn. Nhà đầu tư cũng như các bên cho vay thường yêu cầu tính ổn định của các pháp luật điều chỉnh hợp đồng. Bên cạnh đó, hiện nay khung pháp lý còn thiếu các cơ chế tổng thể bao gồm các hình thức hỗ trợ, ưu đãi và bảo đảm đầu tư từ phía Nhà nước cho nhà đầu tư PPP để tăng tính hấp dẫn của dự án cũng như bảo đảm việc thực hiện dự án thành công.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, nhiệm vụ hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nói chung và cơ chế huy động các nguồn lực cho phát triển kết cấu hạ tầng nói riêng là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Nhằm thể chế hoá các quan điểm, chủ trương lớn này, với sự cần thiết của việc ban hành Luật như nêu trên, Dự thảo Luật đã được nghiên cứu và hoàn thiện để có thể đạt nhiều mục đích.

Thứ nhất, xây dựng Luật với giá trị pháp lý cao điều chỉnh hoạt động đầu tư PPP, kế thừa các quy định về PPP đã triển khai hiệu quả; xử lý các khác biệt, thiếu đồng bộ giữa quy định hiện hành về PPP với các luật khác; khắc phục các tồn tại, bất cập trên tinh thần tránh xáo trộn, ảnh hưởng các dự án đã và đang triển khai.

Thứ hai là bảo đảm quy định của Luật phù hợp với các cam kết quốc tế về đầu tư, thương mại; tuân thủ nguyên tắc kinh tế thị trường, lấy lợi ích cho người dân, Nhà nước và nhà đầu tư là trọng tâm khi xây dựng chính sách.

Thứ ba, tạo lập cơ chế thực hiện dự án, lựa chọn nhà đầu tư cạnh tranh, công khai, minh bạch, hiệu quả, đơn giản.

Thứ tư, thu hút tối đa và sử dụng hiệu quả nguồn lực của khu vực tư nhân cũng như các nguồn lực của Nhà nước trong dự án PPP, tạo động lực mới thúc đẩy kinh tế, xã hội của đất nước cũng như làm tiền đề để triển khai các dự án PPP, bao gồm cả dự án dành cho các nhóm đối tượng yếu thế.

Trình bày báo cáo thẩm tra Dự thảo Luật PPP, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật PPP nhằm góp phần hoàn thiện, thống nhất khung pháp lý điều chỉnh hoạt động đầu tư mang tính đặc thù, phản ảnh bản chất của mối quan hệ đối tác công và tư; khắc phục những khó khăn, bất cập đang tồn tại hiện nay và bảo đảm tính pháp lý ổn định, nâng cao hiệu quả thực hiện, tính khả thi của các dự án PPP, cũng như tính pháp lý đồng bộ với các luật có liên quan.

Việc ban hành Luật PPP nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp về việc phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng quốc gia nói chung và huy động nguồn lực tư nhân thông qua đầu tư PPP nói riêng, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Chuyên đề