Tư tưởng Hồ Chí Minh về đổi mới sáng tạo

(BĐT) - 88 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, cách mạng Việt Nam đã đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác và có được cơ đồ như ngày hôm nay. Trên chặng đường ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những cống hiến nổi bật về tư tưởng đổi mới sáng tạo. 
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc

Nhân dịp đầu Xuân mới Mậu Tuất, Báo Đấu thầu đã có cuộc phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng về những đổi mới sáng tạo trong cuộc đời và quá trình hoạt động cách mạng của Bác. 

Thưa ông, trong suốt cuộc đời và quá trình hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh có những tư duy đổi mới sáng tạo nào nổi bật?

Có thể nói, tư duy đổi mới sáng tạo trong suốt cuộc đời và quá trình hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện nổi bật nhất ở 3 điểm.

Thứ nhất, đầu những năm 30, sau khi thành lập Đảng, Bác nêu cao nhiệm vụ giải phóng dân tộc. Trong lúc đó, các nước lại đang nhấn mạnh đến đấu tranh giai cấp. Mặc dù vẫn đấu tranh giai cấp, nhưng Bác đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, do hoàn cảnh nước ta lúc ấy là một nước thuộc địa, cần phải giải quyết mâu thuẫn dân tộc, giải phóng dân tộc khỏi ách áp bức, bóc lột, giành lại độc lập, tự do. Chính vì lẽ đó, quan điểm của Bác không được hiểu đúng, bị phê phán là một người dân tộc chủ nghĩa, một số đồng chí trong Đảng cũng không đồng tình, thậm chí Quốc tế Cộng sản còn không giao việc cho Bác.

Tuy nhiên, Bác vẫn kiên trì thuyết phục. Suốt 10 năm trời chờ đợi và được thực tiễn chứng minh, cuối cùng Quốc tế Cộng sản đã thừa nhận tư tưởng của Bác là đúng đắn. Năm 1939, tại Hội nghị Trung ương lần thứ VI, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã nêu cao ngọn cờ giải phóng dân tộc theo tư tưởng của Bác và thống nhất trong toàn Đảng.

Thứ hai, Bác đã lựa chọn hình thức nhà nước thích hợp - Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đây là nhà nước của toàn dân chứ không chỉ riêng một giai cấp nào, thực thi dân chủ và thực hiện hàng loạt chính sách mang lại lợi ích cho người dân. Mô hình này phù hợp với đặc điểm nước ta vốn là một nước phong kiến quân chủ, thuộc địa, không có dân chủ. Nhà nước mới theo quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà nước để phục vụ nhân dân, chứ không phải là để cai trị dân. Các cơ quan từ Chính phủ đến các làng xã là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân. Việc gì có lợi cho dân, phải hết sức làm, việc gì hại đến dân, phải hết sức tránh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ ra rằng: Khi đã giành được độc lập thì gắng sức làm cho ai nấy đều có phần hạnh phúc. Bởi lẽ, nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì.

Trong Phiên họp đầu tiên của Chính phủ ngày 3/9/1945, với cương vị là người đứng đầu Chính phủ lâm thời, Bác đã đề ra 6 nhiệm vụ cấp bách, trong đó nhấn mạnh đến việc phải tập trung diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm... Nhiệm vụ diệt giặc đói cần phải ưu tiên hàng đầu vì nước ta vừa trải qua nạn đói năm 1945 và có tới hơn 2 triệu đồng bào bị chết đói ở miền Bắc. Theo Bác, chỉ khi xóa được đói nghèo thì mới mong xây dựng được đất nước hưng thịnh.

Thứ ba, năm 1954, sau khi miền Bắc được giải phóng, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH), Bác Hồ có tư tưởng rất cởi mở: Phát triển kinh tế nhiều thành phần nhằm giải phóng sức sản xuất, khơi dậy tiềm năng của đất nước; xây dựng và cải tạo xã hội chủ nghĩa.

Trước đó, trong tác phẩm “Thường thức chính trị” năm 1953, Người cho rằng, trong chế độ dân chủ mới, có 5 loại kinh tế khác nhau là: Kinh tế quốc doanh; các hợp tác xã; kinh tế của cá nhân, nông dân và thủ công nghệ; tư bản của tư nhân và cuối cùng là tư bản của nhà nước. Bên cạnh việc nhấn mạnh vai trò chủ đạo của kinh tế quốc doanh, Bác còn đề cao kinh tế tư bản của tư nhân, thành phần kinh tế của giai cấp tư sản dân tộc, vốn là thành phần kinh tế có nhiều kinh nghiệm sản xuất, sử dụng vốn, khoa học kỹ thuật, “là lực lượng cần thiết cho xây dựng kinh tế nước nhà”. Muốn xây dựng xã hội chủ nghĩa thì phải phát huy toàn bộ lực lượng của dân tộc, trong đó phát triển kinh tế nhiều thành phần, và lấy kinh tế tư nhân làm động lực phát triển đất nước.

Khi đi vào cải tạo CNXH, Bác chủ trương là đi dần từng bước, phải sáng tạo và không thể làm giống như Liên Xô. Lúc đó, tư tưởng đổi mới sáng tạo này chưa dễ dàng nhận được sự đồng thuận của nhiều người, bởi khi đó Đảng lại muốn tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên CNXH.

Trong chính sách kinh tế của Đảng và Chính phủ đối với các thành phần kinh tế, khi đi vào cải tạo CNXH, Bác lưu ý, cần phải xuất phát từ đặc điểm của nước ta để tìm ra những quy luật riêng. Khác với Liên Xô đi lên CNXH từ chủ nghĩa tư bản, Việt Nam lại đi lên từ một nước nông nghiệp lạc hậu, thuộc địa, chiến tranh kéo dài. Do đó, Bác luôn nhắc nhở tránh rập khuôn, giáo điều, học tập mô hình của các nước nhưng phải có chọn lọc, sáng tạo.

Trong diễn văn khai mạc Lớp học lý luận khóa I, Trường Nguyễn Ái Quốc ngày 7/9/1957, Bác căn dặn: Thực tiễn không có lý luận hướng dẫn thì thành thực tiễn mù quáng. Lý luận mà không liên hệ với thực tiễn là lý luận suông. Phải tìm ra quy luật riêng cho cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Tuy nhiên, phải đợi đến 30 năm sau, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (năm 1986) mới vận dụng những tư tưởng đổi mới sáng tạo này của Bác để điều hành đất nước theo đường lối đổi mới. 

Kể từ năm 1986 trở lại đây, tư tưởng đổi mới sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được vận dụng như thế nào?

Tôi cho rằng, tư duy đổi mới sáng tạo về kinh tế, chính trị, chính sách đối nội, đối ngoại... của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự, có ý nghĩa vượt thời gian. Kế thừa tư tưởng “không có gì quý hơn độc lập tự do” của Bác, Cương lĩnh Đại hội XI tiếp tục xác định độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để thực hiện CNXH và CNXH là cơ sở bảo đảm vững chắc cho độc lập dân tộc. Đảng ta luôn đề cao lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, biển đảo của Tổ quốc.

Nhận thức về CNXH, Cương lĩnh Đại hội XI đã kế thừa tư tưởng của Bác từ những năm 50 để xác định 8 đặc trưng cơ bản: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới.

Phát huy tư tưởng phát triển kinh tế nhiều thành phần của Bác, Đảng hiện chủ trương phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, hình thức tổ chức kinh doanh và hình thức phân phối. Trong đó, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tập thể không ngừng được củng cố và phát triển. Kinh tế tư nhân là một trong những động lực của nền kinh tế. Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài cũng được khuyến khích phát triển.

Năm 2018 và những năm tiếp theo, kinh tế đất nước được kỳ vọng sẽ có chuyển biến mạnh mẽ bởi sự quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong việc cải cách, đổi mới, sáng tạo. Tôi cho rằng đó là con đường đúng đắn để đất nước ta phát triển bền vững.

Chuyên đề