Trình Quốc hội phê chuẩn EVFTA

(BĐT) - Sáng nay (20/5), tại ngày làm việc đầu tiên của Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trình bày Tờ trình của Chủ tịch nước về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA).
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trình bày Tờ trình của Chủ tịch nước đề nghị phê chuẩn Hiệp định EVFTA tại Kỳ họp
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trình bày Tờ trình của Chủ tịch nước đề nghị phê chuẩn Hiệp định EVFTA tại Kỳ họp

Đa dạng hóa thị trường, phục hồi sản xuất sau dịch Covid-19 

Hiệp định gồm 17 chương, 8 phụ lục, 2 nghị định thư, 2 biên bản ghi nhớ và 4 tuyên bố chung điều chỉnh nhiều vấn đề như: thương mại hàng hóa (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), quy tắc xuất xứ, hải quan và thuận lợi hóa thương mại, các biện pháp kiểm dịch và vệ sinh an  toàn thực phẩm, các rào cản kỹ thuật thương mại, thương mại dịch vụ, đầu tư, mua sắm Chính phủ, sở hữu trí tuệ…

Phó Chủ tịch nước cho rằng, với mức độ cam kết cao như vậy, EVFTA được coi là một hiệp định toàn  diện, chất lượng cao và bảo đảm cân bằng lợi ích với cả Việt Nam và EU, đồng thời phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cũng như đã lưu ý đến chênh lệch về trình độ phát triển giữa hai bên.

Theo Phó Chủ tịch nước, Hiệp định thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của hai bên trong việc thúc đẩy quan hệ song phương, góp phần đưa quan hệ giữa Việt Nam và EU phát triển sâu rộng hơn. Việc ký kết và phê chuẩn Hiệp định là phù hợp với chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa và chủ trương của Việt Nam trong việc đưa quan hệ với các đối tác lớn, trong đó có EU, đi vào chiều sâu, tăng cường đan xen lợi ích chiến lược.

Ở góc độ đa phương, với việc Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020, Hiệp định sẽ gia tăng vai trò, vị thế của Việt Nam trong quan hệ EU - ASEAN, cũng như tạo hình mẫu cho môt hiệp định thương mại tự do giữa ASEAN với EU trong tương lai…

Đánh giá tác động của EVFTA tới kinh tế Việt Nam, theo Báo cáo thuyết minh EVFTA của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày trước Quốc hội, thương mại hai chiều và đầu tư từ EU vào Việt Nam sau khi Hiệp định có hiệu lực được dự báo tăng trưởng ở mức khá, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, giải quyết công việc làm cho người lao động.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, nếu các cam kết về cắt giảm thuế quan và phi thuế quan được thực thi triệt để, kết hợp với một số yếu tố từ chiến tranh thương mại, khả năng Anh rời khỏi EU (Brexit), sự thay đổi chính sách của các nước…, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ được cải thiện trong cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.

“Kết quả tính toán chỉ ra, EVFTA dự kiến sẽ góp phần làm GDP tăng thêm ở mức bình quân từ 2,18 - 3,25% (cho giai đoạn 5 năm đầu thực hiện), 4,57 - 5,30% (cho giai đoạn 5 năm tiếp theo) và 7,07 - 7,72% (cho giai đoạn 5 năm sau đó)”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Đặc biệt, Báo cáo thuyết minh của Chính phủ nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay, dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng mạnh đến tình hình sản xuất và xuất nhập khẩu của không chỉ Việt Nam mà trên toàn thế giới. Trong bối cảnh đó, việc Hiệp định EVFTA được đưa vào thực thi có ý nghĩa quan trọng, giúp bù đắp sự suy giảm của nền kinh tế trong và sau giai đoạn dịch bệnh. Đối với doanh nghiệp (DN), EVFTA còn mang đến cơ hội đa dạng thị trường, giúp DN lấy lại đà phục hồi trong giai đoạn khó khăn này. 

“DN Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận các chuỗi cung ứng mới vốn đang bị đứt đoạn hoặc đình trệ tại các thị trường truyền thống do dịch Covid-19 thời gian vừa qua. Đây là tiền đề quan trọng để DN khôi phục và thúc đẩy việc sản xuất kinh doanh sau giai đoạn dịch bệnh. Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu của DN Việt Nam cũng có cơ hội được mở rộng và đa dạng hóa hơn, giảm sự lệ thuộc vào một nhóm thị trường nhất định”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết.

Bên cạnh đó, các cam kết rộng và sâu về đầu tư của Hiệp định sẽ giúp Việt Nam tiếp tục đổi mới cơ cấu kinh tế, hoàn thiện thể chế và môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư EU kinh doanh tại Việt Nam.

Đồng tình với đánh giá nêu trên, trình bày Báo cáo thẩm tra về việc phê chuẩn Hiệp định, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cũng nhấn mạnh, thông qua Hiệp định, Việt Nam có thể tiếp cận một thị trường tiềm năng với dân số hơn 500 triệu người, GDP khoảng 15.000 tỷ USD (chiếm 22% GDP toàn cầu). Với những cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ, EVFTA dự kiến sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030, tập trung vào một số ngành như nhóm hàng nông sản, nhóm ngành chế biến, chế tạo...

Kiến nghị phê chuẩn trong Kỳ họp 

Tuy nhiên, các báo cáo trên đều nhìn nhận, bên cạnh những thuận lợi thì Hiệp định có thể mang lại một số thách thức. Đó là sức ép cạnh tranh, sức ép cải cách thể chế… Báo cáo Thẩm tra của Ủy ban Đối ngoại Quốc hội khóa XIV cho rằng, báo cáo đánh giá tác động của Hiệp định được Chính phủ tiến hành vào cuối năm 2019 và đề nghị Chính phủ đánh giá thêm tác động của Hiệp định sau đại dịch Covid-19, đặc biệt là những khó khăn thách thức do đại dịch ảnh hưởng mạnh mẽ đến chính trị, kinh tế, thương mại, văn hóa xã hội, nhất là tăng trưởng GDP, thu ngân sách, cơ cấu ngành, thu hẹp thị trường, giảm việc làm. Chính phủ cần dự báo xu hướng phát triển kinh tế quốc tế.

Căn cứ Tờ trình của Chủ tịch nước, Báo cáo thuyết minh của Chính phủ và các ý kiến thẩm tra, Ủy ban Đối ngoại xin kiến nghị Quốc hội xem xét, phê chuẩn Hiệp định EVFTA tại một kỳ họp và tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV; cho phép áp dụng Hiệp định với Anh cho đến hết giai đoạn chuyển tiếp ngày 31/12/2020 và có thể gia hạn đến 24 tháng theo thỏa thuận giữa Anh và Liên minh châu Âu về việc Anh rời khỏi EU.

Đồng thời, giao Chính phủ thúc đẩy đàm phán, ký kết Hiệp định thương mại tự do song phương với Anh trên cơ sở Hiệp định EVFTA với những điều chỉnh phù hợp, bảo đảm lợi ích cho cả hai bên để áp dụng thay thế cho Hiệp định EVFTA khi giai đoạn chuyển tiếp kết thúc, theo quy định của Luật Điều ước quốc tế năm 2016.

Chuyên đề