Triển vọng lạc quan cho kinh tế Việt Nam 2017

(BĐT) - Kinh tế Việt Nam năm 2017 được kỳ vọng sẽ có nhiều khởi sắc hơn khi các điều kiện cho tăng trưởng kinh tế về cơ bản vẫn thuận lợi...
Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp sẽ khởi sắc hơn trong năm 2017. Ảnh: Lê Tiên
Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp sẽ khởi sắc hơn trong năm 2017. Ảnh: Lê Tiên

Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia vừa đưa ra hai kịch bản dự báo lạc quan về triển vọng nền kinh tế nhờ tác động từ những chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ thời gian qua. 

Tăng trưởng tốt lên

Theo Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2017 được dự báo sẽ phục hồi tốt hơn năm 2016 nhờ sự cải thiện của một số nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, các nền kinh tế đang nổi và các nước có nhập khẩu dầu (do giá dầu hồi phục). Tác động của Brexit dự báo vẫn hạn chế, do sự kiện này chưa thực sự diễn ra.

Ông Đặng Đức Anh, Trưởng ban Phân tích và Dự báo thuộc NCIF dự báo, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2017 sẽ khởi sắc hơn. Theo ông Đặng Đức Anh, các dư địa từ tái cơ cấu nền kinh tế, cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh được Chính phủ quyết liệt chỉ đạo thực hiện trong năm 2016 sẽ phát huy hiệu quả nhiều hơn trong năm 2017.

NCIF đã đưa ra 2 kịch bản cho tăng trưởng kinh tế năm 2017. Kịch bản 1, tăng trưởng kinh tế duy trì ổn định ở mức 6,44%, lạm phát khoảng 5%, trên cơ sở hiệu quả đầu tư trong nước tiếp tục được cải thiện; vốn đầu tư khu vực nhà nước tiếp tục duy trì, tăng 7%... Còn kịch bản thứ hai là tăng trưởng kinh tế dự báo ở mức 6,72%, lạm phát ở mức 6%, nhờ tận dụng hiệu quả các động lực tăng trưởng kinh tế thông qua hội nhập, cơ cấu và quy mô nền kinh tế có cải thiện tích cực hơn.

Nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng như trên, NCIF đã kiến nghị một số giải pháp cần tăng cường thực hiện như: tiếp tục củng cố và duy trì ổn định kinh tế vĩ mô; nâng cao chất lượng công tác dự báo; nâng cao hiệu quả vốn đầu tư, nhất là vốn đầu tư công; hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp… 

Doanh nghiệp hoạt động ổn định

 Giai đoạn 2016 - 2017 sẽ là thời điểm hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) doanh nghiệp có khả năng phát triển mạnh khi các nhà đầu tư, các tập đoàn bán lẻ ở từ Thái Lan, Singapore đang có xu hướng tăng mạnh hoạt động ở việt Nam.
Dự báo về sức khỏe của khối doanh nghiệp trong năm tới, NCIF cho rằng, sẽ có nhiều yếu tố có thể khuyến khích, thúc đẩy hoạt động sản xuất và xuất khẩu cho các doanh nghiệp. Có thể kể đến các yếu tố như: sự cải thiện về môi trường kinh doanh; nhiều chính sách cải cách quan trọng được thực thi khi Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư đi vào cuộc sống; lạm phát thấp góp phần ổn định chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Dưới tác động của các hiệp định thương mại tự do (FTA) mới và sự phục hồi của thị trường bất động sản, NCIF nhận định, giai đoạn 2016 - 2017 sẽ là thời điểm hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) doanh nghiệp có khả năng phát triển mạnh khi các nhà đầu tư, các tập đoàn bán lẻ ở từ Thái Lan, Singapore đang có xu hướng tăng mạnh hoạt động ở việt Nam. Tính đến hết tháng 7/2016, tổng giá trị thương vụ M&A đạt trên 3 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ 2015. Dự báo giai đoạn 2016 - 2017, giá trị này đạt khoảng 6 tỷ USD.

Đề cập về tình hình giải ngân vốn đầu tư cho phát triển trong năm tới, ông Đặng Đức Anh nhận định, giải ngân vốn đầu tư phát triển sẽ được thúc đẩy hơn, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) dự báo ổn định. Bởi lẽ năm 2017, Chính phủ sẽ tiếp tục thúc đẩy tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, nhất là vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu chính phủ, vốn ODA, vốn đầu tư phát triển toàn xã hội. Mặt khác, việc Chính phủ tăng cường xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản, cơ cấu lại vốn đầu tư công theo hướng bố trí vốn tập trung, triển khai đúng các quy định của Luật Đầu tư công sẽ giúp hoạt động giải ngân trở nên hiệu quả hơn.

Về thu hút FDI, thời gian gần đây, nhiều chuyên gia kinh tế, định chế tài chính nhận định, Việt Nam tiếp tục trở thành địa điểm hấp dẫn các nhà đầu tư trên thế giới. Chung quan điểm này, trong một nghiên cứu mới đây, NCIF nhìn nhận, thu hút FDI của Việt Nam tiếp tục khả quan nhờ hưởng lợi khi có nhiều yếu tố hỗ trợ tích cực về triển vọng cũng như cơ hội trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Các hiệp định thương mại đàm phán thành công sẽ đem lại cơ hội thu hút FDI vào Việt Nam, không chỉ là đầu tư mới, mà cả mở rộng các dự án đầu tư sẵn có.

Chuyên đề