Tránh tụt hậu, phải trọng dụng nhân tài

(BĐT) - Sau 30 năm đổi mới, Việt Nam đã thu được không ít thành tựu trên nhiều phương diện. Trong bối cảnh thế giới biến động và phát triển không ngừng, Việt Nam cần làm gì để bắt kịp các nước trong khu vực và trên thế giới? GS.TSKH Võ Đại Lược, Tổng giám đốc Trung tâm Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương đã dành cho Báo Đấu thầu cuộc phỏng vấn trước thềm năm mới.
Để Việt Nam thu hẹp khoảng cách với các nước thì cần giải quyết bài toán về nhân lực
Để Việt Nam thu hẹp khoảng cách với các nước thì cần giải quyết bài toán về nhân lực

Ông đánh giá như thế nào về hiện trạng nền kinh tế Việt Nam năm vừa qua? Việt Nam đang ở đâu so với các nước trong khu vực?

Việt Nam được xem là một trong những nước có mức tăng trưởng rất cao. Năm 2015, tăng trưởng GDP nước ta đạt 6,68%. Năm 2016, Việt Nam lọt vào nhóm 10 nền kinh tế tăng trưởng nhanh hàng đầu thế giới.

Không phủ nhận là rất cao, song sự tăng trưởng này còn tồn tại nhiều vấn đề. Chúng ta vẫn tăng trưởng chủ yếu theo chiều rộng, dựa vào tài nguyên, thâm dụng lao động, chỉ số sáng tạo không cao. Đặc biệt, yếu tố nước ngoài đóng vai trò quá lớn trong nền kinh tế. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hiện chiếm tới 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, còn lại 30% là khu vực nội địa với chủ yếu là các mặt hàng nông nghiệp, tài nguyên...

Trong khi nội lực nền kinh tế còn yếu thì các chương trình tái cơ cấu vẫn chưa có những thay đổi căn bản về chất. Chẳng hạn như đầu tư công, hiệu quả còn thấp, đầu tư còn dàn trải lãng phí. Chương trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) còn chậm trễ, thoái vốn nhà nước tại DN và cổ phần hóa (CPH) còn thấp. Nếu CPH dưới 51% thì theo tôi lợi bất cập hại. Bởi vì CPH cốt để thay đổi quản trị, để đội ngũ lãnh đạo tốt hơn nhưng nếu CPH dưới 51% thì bộ máy quản lý không thay đổi, vẫn là Nhà nước chi phối, vẫn trì trệ và kém hiệu quả.

Trong khi đó, khối DNNN chiếm 28% GDP, nếu tính cả hệ thống ngân hàng thương mại thì tới 34% và nếu gộp cả các DN quốc phòng thì con số còn lớn hơn. Lớn như vậy mà làm ăn ít hiệu quả thì rõ ràng sẽ ảnh hưởng rất lớn tới sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Cũng phải kể tới một nút thắt rất lớn nữa của nền kinh tế đó là nợ xấu. Khối lượng nợ xấu rất lớn. Nợ xấu dồn lại vào Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) nhưng bán chẳng được. Một số ngân hàng yếu kém đáng phải cho phá sản thì Nhà nước lại ôm vào, mua với giá 0 đồng.

Theo cách nhìn của tôi, cả 3 chương trình tái cơ cấu vẫn chưa thực chất. Tái cơ cấu là làm lại, nhưng nếu tư duy vẫn như cũ thì rất khó. Trong khi đó, chúng ta hội nhập quốc tế rất sâu rộng, ký kết hàng loạt hiệp định thương mại tự do. Khi hàng rào thuế quan về 0% sẽ đặt Việt Nam đối diện với cạnh tranh toàn cầu rất lớn. Chính phủ có thể chế tốt, đổi mới thì DN được nhờ. DN mà yếu kém, không đủ bản lĩnh thì chúng ta sẽ thua thiệt.

Có thể thấy, từ khi Cộng đồng ASEAN chính thức có hiệu lực thì Việt Nam nhập siêu ngày càng tăng từ khu vực này. Trong đó, nhập siêu chủ yếu là từ Thái Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia. Sắp tới việc nhập siêu được dự báo sẽ còn tăng mạnh nữa.

Khi hàng rào thuế quan về 0% thì nhiều nước sẽ dùng hàng rào tỷ giá để chặn lại. Bởi khi hàng nhập khẩu đắt lên sẽ giảm khả năng cạnh tranh với hàng nội địa. Nếu chúng ta vẫn tiếp tục giữ giá VND như hiện nay, hàng hoá khu vực này sẽ tiếp tục ồ ạt tràn vào Việt Nam.

Tránh tụt hậu, phải trọng dụng nhân tài ảnh 1
GS.TSKH Võ Đại Lược
Tụt hậu không còn là nguy cơ mà đã hiện hữu. Việt Nam cần làm gì để thoát khỏi sự tụt hậu, thưa ông?

Quả thực nguy cơ về sự tụt hậu đang rất hiện hữu. Không so sánh đâu xa, chỉ với các nước trong khu vực thôi, chúng ta cũng đang tụt hậu rất nặng nề về năng suất lao động so với Thái Lan, Trung Quốc...

Công bố mới đây cho thấy, so với năm ngoái, năm 2016, Việt Nam đã tụt 7 bậc, xếp ở vị trí 59 trong Bảng xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu. Và còn một số chỉ số khác cho thấy Việt Nam đang tụt lại. Đại hội Đảng lần thứ XII tiếp tục khẳng định 3 khâu đột phá chiến lược để đưa Việt Nam phát triển, đó là thể chế, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực. Theo tôi, muốn Việt Nam thu hẹp khoảng cách với các nước thì cần giải quyết bài toán về nhân lực.

Điều quan trọng nhất mà chúng ta phải làm nhưng vẫn chưa làm được để thoát khỏi cảnh nghèo nàn, lạc hậu đó là trọng dụng nhân tài. Muốn đất nước phát triển, không còn cách nào khác đó là phải thu hút được người tài vào trong các cơ quan nhà nước. Yếu tố con người đóng vai trò quyết định.

Mỗi năm, chúng ta tuyên dương bao nhiêu thủ khoa, cộng dồn lại có cả vài trăm người, nhưng họ đi đâu hết rồi? Điểm lại đâu có mấy cô cậu thủ khoa vào làm cho Nhà nước. Thủ khoa mà đem họ về không trọng dụng họ thì họ lại ra đi. Phải nhìn nhận thẳng một vấn đề, đó là chúng ta chưa có chính sách trọng dụng nhận tài tốt. Trong khi đó, thế giới họ đua nhau cuộc chiến nhân tài, tìm mọi cách thu hút nhân tài. 

Ông đã chỉ ra khá nhiều về những tồn tại. Vậy theo ông, chúng ta có lợi thế gì không so với các nước trong khu vực?

Thực ra Việt Nam có rất nhiều lợi thế. Một lợi thế quan trọng mà nhiều nước không có mà Việt Nam được đánh giá rất cao là chính trị ổn định. Các bạn có thể  nhìn sang nhiều nước trong khu vực và trên thế giới có thể thấy điều này.

Cái được thứ hai của Việt Nam đó là vị trí địa chiến lược. Chúng ta ở trung tâm vùng Đông Á, với bờ biển rất dài. Tập đoàn Dubai đã từng tính tới việc xây Khu đô thị cao cấp ở Bắc Phú Yên của Việt Nam. Điều này gợi mở cho chúng ta một hướng đi, đó là xây các biệt thự gần biển để bán cho người giàu thế giới.

Việt Nam còn có các cảng nước sâu hàng đầu thế giới như Cam Ranh, Vân Phong... Chúng ta cũng có những vịnh rất đẹp như Vịnh Hạ Long, Vịnh Nha Trang và nhiều địa điểm khác nữa. Tất cả tạo nên cho chúng ta lợi thế rất lớn về du lịch. Tuy nhiên, trên thực tế, chúng ta lại chưa khai thác tốt những lợi thế này. 

Ông có thể đưa ra một số dự báo về những điều chỉnh trong chính sách đối ngoại, đầu tư của Mỹ đối với toàn cầu và khả năng ảnh hưởng đến Việt Nam?

Ông Donald Trump khi ứng cử Tổng thống Mỹ đã có nhiều tuyên bố khiến cả thế giới “giật mình”. Nhưng đó là những lời nói khi tranh cử. Phải chờ khi ông làm Tổng thống thực sự, ít nhất khoảng 100 ngày mới định hình được những chính sách của ông và các tác động.

Có một tuyên bố rất đáng chú ý của Donald Trump đó là “Làm cho nước Mỹ hùng mạnh trở lại”. Nếu như ông làm, thì làm bằng cách nào? Vì vấn đề sức mạnh của Mỹ không chỉ ở trong nước mà ở cả thế giới. Mỹ giúp các nước khác cũng chính là cách để mang lợi về cho họ. Hơn nữa, chính sách Mỹ tập trung ở nhiều cơ quan, không chỉ mình Tổng thống có thể định đoạt tất cả.

Như trong chiến dịch tranh cử, ông Trump tuyên bố sẽ giảm thuế thu nhập cho tất cả công dân Mỹ, trong đó, tầng lớp giàu nhất sẽ được giảm thuế từ 39,6% hiện nay xuống 33%. Nhưng ngân sách giảm thì lấy gì chi tiêu? Đó cũng là một câu hỏi đối với chính quyền của ông Trump. Về thương mại, nếu ông Trump tuyên bố đánh thuế nhập khẩu cao từ các nước thì họ cũng sẽ có những biện pháp trả đũa. Đó là những thứ cần tính toán, cân nhắc.

Còn về đầu tư, việc FED tăng lãi suất USD cao lên thì dòng tiền sẽ đổ về Mỹ. Đầu tư nước ngoài theo đó sẽ giảm và Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng. Ngoài ra, các DN Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ cũng cần cẩn trọng và có những phương án ứng phó nếu nước này có thay đổi về chính sách thương mại.

Chuyên đề