TP.HCM sẽ phát triển xứng tầm

(BĐT) - Những đóng góp của TP.HCM đối với sự nghiệp phát triển chung của cả nước kể từ sau ngày giải phóng đến nay là vô cùng to lớn và quan trọng. Trong phát triển kinh tế, TP.HCM luôn in đậm dấu ấn như một “người tiên phong” và được Trung ương tin tưởng, gửi gắm những trọng trách lớn.
Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM có hiệu lực đã tạo động lực quan trọng để Thành phố tăng tốc phát triển trong những năm tới. Ảnh: Tuấn Nguyễn
Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM có hiệu lực đã tạo động lực quan trọng để Thành phố tăng tốc phát triển trong những năm tới. Ảnh: Tuấn Nguyễn

Kinh tế luôn duy trì mức tăng trưởng cao

Có thể nói, sau 43 năm kể từ ngày giải phóng (30/4/1975 - 30/4/2018), đặc biệt trong 32 năm cùng cả nước thực hiện đường lối đổi mới (1986 - 2018), TP.HCM đã đạt được được những thành tựu to lớn trên mọi bình diện, từng bước khẳng định vị trí là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội hàng đầu của cả nước. Chỉ riêng trong địa hạt kinh tế, TP.HCM vẫn luôn gây ấn tượng tốt khi nằm trong số rất ít địa phương có tốc độ tăng trưởng bình quân nhanh và bền vững.

Theo ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, năm 2017, tốc độ tăng trưởng của TP.HCM đạt 8,25%, gấp 1,25 lần cả nước, lần đầu tiên quy mô nền kinh tế vượt ngưỡng 1 triệu tỷ đồng. Trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài (FDI), năm 2017 Thành phố thu hút được 6,6 tỷ USD, tăng hơn 90% so với năm 2016. Đến hết tháng 3/2018, Thành phố thu hút được 1,37 tỷ USD (cả nước là 5,8 tỷ USD). Nhờ những nỗ lực trong cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính mà thu hút FDI vào TP.HCM trong 2 năm 2016 và 2017 đã bằng tổng 5 năm trước đó.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, những kết quả đạt được từ sau ngày hòa bình đến nay đã thể hiện rõ nét sự vận dụng khéo léo, sáng tạo đường lối phát triển kinh tế mà lãnh đạo TP.HCM qua các thế hệ đã quán triệt. Thông qua việc bám sát thực tiễn, đặc biệt luôn tìm tòi, mạnh dạn thể nghiệm nhiều cơ chế, chính sách mới để thúc đẩy sản xuất, mở rộng thị trường nên TP.HCM từ đó đến nay luôn đóng vai trò là đầu tàu kinh tế của cả nước.

Một câu hỏi được đặt ra là, để đột phá về kinh tế trong giai đoạn mới, TP.HCM sẽ chọn những lĩnh vực nào để ưu tiên phát triển? Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM cho hay, TP.HCM đã và đang tập trung cả hệ thống chính trị nhằm tiếp tục triển khai 7 chương trình đột phá để thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ X, gắn với việc thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của kinh tế Thành phố.

Ngoài ra, TP.HCM sẽ đẩy nhanh tiến trình xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử, tập trung mạnh mẽ trong công tác cải cách thủ tục hành chính. Song song đó, tập trung phát triển hạ tầng trọng điểm, gắn với chỉnh trang đô thị, kéo giảm ùn tắc giao thông, giảm ngập nước, ô nhiễm môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Nhất là, thực hiện các giải pháp bảo đảm môi trường đầu tư thuận lợi, khuyến khích đổi mới sáng tạo.

Tại buổi gặp gỡ giữa lãnh đạo TP.HCM và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) năm 2018 diễn ra vào ngày 21/4/2018, ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP.HCM cho biết, hai vấn đề nổi trội nhất đang được dư luận đặc biệt quan tâm là việc thông qua đề án xây dựng TP.HCM thành đô thị thông minh; và nghiên cứu, xây dựng Khu đô thị sáng tạo phía Đông, gồm khu vực các quận 2, 9, Thủ Đức.

“Quận 2 trong tương lai là một trung tâm tài chính lớn. Chúng tôi muốn xây dựng trung tâm này thành hạt nhân cho sự phát triển, tạo ra cơ sở vật chất và cơ sở khoa học kỹ thuật tương ứng với công nghệ 4.0. Rồi đây 3 quận nói trên sẽ là đầu tàu dẫn TP.HCM đi đến cuộc cách mạng 4.0. Cuối năm 2018, khi Thành phố có thông tin đầy đủ, có mô hình thiết kế, sẽ triển khai và mời gọi các nhà thầu, doanh nghiệp đến hỗ trợ để xây dựng Khu đô thị sáng tạo phía Đông”, ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh. 

Nhiều kỳ vọng về cơ chế, chính sách đặc thù

Một sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của TP.HCM là ngày 15/1/2018, Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM (NQ54) đã có hiệu lực. Ông Nguyễn Thành Phong cho rằng, NQ54 là một tin vui đối với lãnh đạo và người dân Thành phố. Đây chính là động lực quan trọng để TP.HCM tăng tốc và phát triển trong những năm tới. Hiện Thành phố cũng đang quán triệt và triển khai phương châm hành động của Chính phủ là: “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”.

Xác định rõ trọng trách: kinh tế TP.HCM có quy mô lớn nhất cả nước nên việc đảm bảo tốc độ tăng trưởng và phát triển là rất nặng nề. Để hoàn thành các mục tiêu đề ra, TP.HCM đã, đang và sẽ tổ chức rà soát quy hoạch chung, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, quy hoạch sử dụng đất… Trong lĩnh vực phát triển đô thị, TP.HCM sẽ tập trung xây dựng các khu đô thị tạo động lực phát triển các huyện ngoại thành.

Mặt khác, Thành phố còn tập trung đầu tư hoàn thành các tuyến đường vành đai, tuyến đường xuyên tâm, hình thành hệ thống kết nối giao thông trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị, tuyến tàu điện ngầm, mở rộng khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái… Đặc biệt, đẩy mạnh cải cách hành chính giữa các cơ quan nhà nước và trong nội bộ từng cơ quan gắn với phát triển ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực, hướng đến xây dựng chính quyền điện tử phục vụ tốt nhất quá trình triển khai đô thị thông minh.

Bên cạnh các thành tựu to lớn, TP.HCM hiện còn nhiều khó khăn, hạn chế cần tập trung nỗ lực khắc phục, cải thiện. Trước mắt, tình trạng ùn tắc giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường, các vấn đề về an toàn thực phẩm vẫn còn diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Nhưng truyền thống anh hùng của Thành phố không cho phép lãnh đạo, người dân cũng như cộng đồng doanh nghiệp khuất phục trước những bất cập này.

Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, mỗi 5,5 năm, TP.HCM sẽ tăng 1 triệu người. Nghĩa là Thành phố sẽ đạt 13 triệu dân trong 5 năm tới. Đây là một thực tế không thể khác, nên chính quyền cũng như các doanh nghiệp trong và ngoài nước cần hợp tác để cùng nhau nghiên cứu nhằm sớm tìm ra giải pháp khả thi để việc đón tiếp những công dân mới này được tốt đẹp và biến đó thành động lực cho sự tăng trưởng của Thành phố chứ không là gánh nặng.

“NQ54 cho TP.HCM thẩm quyền lớn hơn và trách nhiệm cao hơn, trong đó trách nhiệm giải trình đối với nhân dân và Quốc hội sẽ nặng nề hơn. Trước đây, các dự án nhóm A do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Với cơ chế mới này, từ nay TP.HCM sẽ phê duyệt các dự án nhóm A nên tiến độ triển khai nhanh hơn rất nhiều. Thành phố sẽ cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) chứ không thể như vậy. Chúng tôi coi sự hài lòng của người dân Thành phố là thước đo hiệu quả của cải cách hành chính. TP.HCM sẽ phát triển xứng tầm như kỳ vọng của người dân cả nước”, ông Nguyễn Thiện Nhân phát biểu.

Chuyên đề