TP.HCM đã ngầm hóa gần 40% lưới điện trung thế

(BĐT) - Xung quanh khối lượng công việc đã thực hiện và những khó khăn của chương trình ngầm hóa lưới điện kết hợp ngầm hóa dây thông tin, phối hợp với công tác chỉnh trang, cải tạo vỉa hè của TP.HCM, phóng viên Báo Đấu thầu đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Quốc Bảo - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC).
Lãnh đạo EVNHCMC kiểm tra thi công các công trình ngầm hóa
Lãnh đạo EVNHCMC kiểm tra thi công các công trình ngầm hóa

Ngầm hóa lưới điện là một chương trình lớn của ngành điện TP.HCM, ông có thể chia sẻ những điểm nổi bật, những thành tựu quan trọng mà chương trình đã đạt được?

Công tác ngầm hóa được EVNHCMC triển khai từ các năm 2003 - 2005, tuy nhiên do chỉ ngầm hoá lưới điện, chưa kết hợp ngầm hoá được dây thông tin, nên tình trạng “mạng nhện” dây thông tin chưa được giải quyết triệt để.

Cho đến năm 2009 - 2010, EVNHCMC đã triển khai thực hiện thí điểm 5 công trình ngầm hóa lưới điện kết hợp ngầm hóa dây thông tin tại một số khu vực trung tâm Thành phố với khối lượng thực hiện là 7,22 km lưới trung thế và 17,7 km lưới hạ thế.

Việc ngầm hóa lưới điện và dây thông tin được đẩy mạnh thực hiện trong giai đoạn 2011 - 2015 với 75 dự án, tổng khối lượng là 262 km lưới điện trung thế; 428 km lưới điện hạ thế, góp phần tăng tỷ lệ ngầm hóa lưới điện trung thế toàn Thành phố từ 25% lên 32% (riêng khu vực trung tâm Quận 1, Quận 3 đạt gần 90%). Tỷ lệ ngầm hóa lưới hạ thế toàn Thành phố tăng từ 8% lên 12%.

Tổng khối lượng ngầm hóa lưới điện kết hợp ngầm hóa dây thông tin hoàn thành từ năm 2016 đến hết quý I/2018 là 68 dự án với 346,2 km lưới trung thế và 538 km lưới hạ thế. Đến nay, toàn Thành phố đã đạt tỷ lệ ngầm hóa khoảng 39% lưới điện trung thế và 14% lưới hạ thế. Riêng khu vực trung tâm (Quận 1, 3) đạt tỷ lệ 93% lưới trung thế và 32% lưới hạ thế.

Trong các tháng còn lại của năm 2018, dự kiến Tổng công ty sẽ hoàn tất thêm 56 dự án (237 km lưới trung thế và 468 km lưới hạ thế), nhằm thực hiện đúng lộ trình ngầm hóa giai đoạn 2016 - 2020 đã đề ra là đạt tối thiểu 650 km lưới trung thế và 1.150 km lưới hạ thế. Phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ ngầm hóa lưới điện trung thế khu vực nội thành (không gồm các huyện: Củ Chi, Cần Giờ, Hóc Môn, Bình Chánh) đạt khoảng 60%, riêng khu vực trung tâm Quận 1 và Quận 3 đạt 100%. Tỷ lệ ngầm hóa lưới điện hạ thế khu vực nội thành (không tính ngõ hẻm chưa quy hoạch ổn định) đạt trên 40%. Riêng khu vực trung tâm Quận 1 và Quận 3 đạt trên 90%.

Bên cạnh đó, có một số điểm nổi bật đã làm được trong thời gian qua như: Thành lập được Ban Chỉ đạo ngầm hóa lưới điện và dây thông tin trên địa bàn Thành phố năm 2014 (Quyết định số 5336/QĐ-UBND); xây dựng được Quy chế phối hợp triển khai các dự án ngầm hóa lưới điện kết hợp với ngầm hóa mạng cáp viễn thông, các quy chuẩn ngầm hóa, giải pháp kỹ thuật chính, các thiết kế điển hình làm cơ sở để ngành điện và các đơn vị viễn thông phối hợp triển khai thực hiện, không để xảy ra tình trạng đào - tái lập đường nhiều lần.

Cơ chế xã hội hóa trong việc ngầm hóa lưới điện và dây thông tin đã bước đầu phát huy hiệu quả với sự tham gia của ngày càng nhiều các nhà đầu tư hạ tầng để lắp đặt cáp ngầm viễn thông. Trong giai đoạn đầu triển khai ngầm hóa (2009 - 2011), chỉ có ngành điện thực hiện thí điểm ngầm hóa lưới điện riêng, đến năm 2012 Viettel bắt đầu tham gia phối hợp thực hiện 12 dự án và đến giai đoạn 2013 - 2014 đã có thêm các nhà đầu tư tham gia đầu tư hạ tầng ngầm cho viễn thông như: Viễn thông thành phố, SCTV, FPT và Công ty Tradincorp... Đến nay, còn có thêm các nhà đầu tư mới như: Mobifone, CMC…

Các công trình ngầm hóa lưới điện kết hợp ngầm hóa dây thông tin sử dụng giải pháp ngầm hóa hạ tầng kỹ thuật theo hướng hiện đại, quản lý tập trung hệ thống công trình hạ tầng ngầm kỹ thuật đô thị (gồm điện và viễn thông thông tin), phối hợp đồng bộ với công tác chỉnh trang, cải tạo vỉa hè, không chỉ đem lại vẻ mỹ quan đô thị, góp phần nâng cao năng lực cung ứng điện, an toàn trong vận hành mà còn góp phần cải thiện môi trường sống cho người dân Thành phố, thực hiện thành công Chương trình đột phá về chỉnh trang và phát triển đô thị mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần X đã đề ra. 

Ông có thể chia sẻ những khó khăn mà Tổng công ty gặp phải khi thực hiện chương trình này?

Khó khăn trong công tác ngầm hóa hiện nay chủ yếu là do đặc thù quy hoạch đô thị, ví dụ như: Sau khi thực hiện ngầm hóa, toàn bộ trụ và dây điện hiện hữu sẽ được thu hồi. Các thiết bị trước đây lắp đặt trên trụ điện như: trạm biến thế, tủ đóng cắt (RMU) và các tủ điện hạ thế, nay phải tái bố trí lại trên vỉa hè. Tuy nhiên, vỉa hè của một số tuyến đường thành phố hiện khá chật hẹp không đủ mặt bằng để bố trí, lắp đặt thiết bị. Một số tuyến đường thậm chí không có vỉa hè hoặc đã bố trí trước đó nhiều hệ thống hạ tầng kỹ thuật, gây khó khăn trong tìm kiếm, bố trí vị trí lắp đặt thiết bị.

Công tác khảo sát, xác định vị trí lắp thiết bị, tham vấn cộng đồng, thỏa thuận với các cơ quan liên quan thường kéo dài do phải thỏa thuận với nhiều đơn vị quản lý hạ tầng kỹ thuật (cấp nước, thoát nước, cây xanh, UBND phường, UBND quận…). Thời gian tham vấn và thỏa thuận tuyến thường mất khoảng 3 - 4 tháng, đặc biệt công tác tham vấn cộng đồng gặp nhiều khó khăn do người dân không đồng ý vị trí lắp thiết bị, không tham dự đầy đủ… Hầu hết các dự án đều phải tiến hành tham vấn đến lần thứ 3 nhưng tỷ lệ khó đạt 100%, phải tiếp tục phối hợp đi trực tiếp hiện trường, mất rất nhiều thời gian và nguồn lực.

Quá trình thi công cũng còn gặp nhiều trở ngại như vướng hệ thống hạ tầng đan xen, người dân cản trở, khiếu nại không cho lắp đặt thiết bị theo thiết kế. Một số vị trí đã tham vấn xong nhưng đến khi thi công khách hàng vẫn khiếu nại, không đồng ý cho lắp đặt. Một số trường hợp đã thi công lắp đặt hoàn chỉnh theo thiết kế nhưng người dân vẫn có khiếu nại, đề nghị di dời ra vị trí khác. 

Thi công các dự án, gói thầu ngầm hóa đòi hỏi năng lực quản lý dự án, trình độ thi công cũng như giám sát các nhà thầu rất cao. Công tác này được Tổng công ty thực hiện như thế nào?

Công tác lựa chọn nhà thầu thi công các dự án, gói thầu ngầm hóa thực hiện thông qua hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước, tuân thủ Luật Đấu thầu và Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu.

Tiêu chuẩn để lựa chọn nhà thầu ngoài kinh nghiệm thi công các dự án ngầm hóa có quy mô và tính chất tương tự, thì về năng lực quản lý dự án, năng lực của tổ chức thi công phải đáp ứng theo Điều 64, Điều 65 của Nghị định 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng. Đồng thời, EVNHCMC tuân thủ áp dụng mẫu hồ sơ mời thầu xây lắp theo Thông tư 03/2015/TT-BKHĐT ngày 6/5/2015 quy định chi tiết lập hồ sơ mời thầu xây lắp. Công tác lựa chọn nhà thầu cho các dự án cũng luôn nhận được sự quan tâm kiểm tra thường xuyên của Tổng công ty.

Công tác đấu thầu qua mạng đã được Tổng công ty mạnh dạn áp dụng từ năm 2015 và kể từ ngày 1/3/2018, EVNHCMC đã thực hiện đấu thầu qua mạng cho tất cả các gói thầu theo Thông tư 04/2017/TT-BKHĐT ngày 15/11/2017 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định chi tiết về lựa chọn nhà thầu qua Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.

Công tác giám sát nhà thầu được chủ đầu tư thực hiện nghiêm túc theo quy định của pháp luật về công tác quản lý chất lượng công trình. Trong quá trình triển khai thi công, ngoài đơn vị tư vấn giám sát được chủ đầu tư thuê để thực hiện giám sát nhà thầu thi công, chủ đầu tư còn thường xuyên kiểm tra thực tế ngoài công trường, áp dụng giám sát online để chấn chỉnh, xử lý các thiếu sót của nhà thầu trong quá trình thi công.

Trong quá trình thi công, EVNHCMC cũng thông báo kế hoạch thi công đến UBND quận, phường, tổ dân phố, người dân bị ảnh hưởng tại khu vực thi công để biết cũng như phát huy vai trò giám sát cộng đồng trong quá trình thi công. Tổng công ty còn sử dụng lực lượng cán bộ kỹ thuật tại các công ty điện lực khu vực để giám sát chất lượng công trình. 

Công tác thi công cũng như tái lập mặt bằng các gói thầu ngầm hóa lưới điện được Tổng công ty đôn đốc thực hiện như thế nào để không ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân?

Công tác thi công đào - tái lập mặt đường trong các dự án ngầm hóa lưới điện được EVNHCMC tuân thủ nghiêm Quyết định 09/2014/QĐ-UBND do UBND TP.HCM ban hành ngày 20/2/2014 quy định về thi công xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn.

Tổng công ty cũng đã ban hành trình tự tham vấn cộng đồng thực hiện 7 bước theo Văn bản 1548/EVNHCMC-QLĐT ngày 14/4/2017 và đã triển khai cho các đơn vị thực hiện nhằm tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân.

Chuyên đề