TP HCM muốn công chức dùng xăng sinh học thay RON 92

Doanh thu xăng sinh học thấp, tồn kho nhiều, giá bán lại chưa hấp dẫn nên ngành Công Thương đang lo ngại khó tiêu thụ.
Xăng khoáng RON 92 chính thức "khai tử" từ đầu năm 2018, nhường thị trường cho mặt hàng xăng sinh học E5.
Xăng khoáng RON 92 chính thức "khai tử" từ đầu năm 2018, nhường thị trường cho mặt hàng xăng sinh học E5.

Xăng RON 92 sẽ được khai tử tại các trạm xăng của Petrolimex từ 1/1/2018. Để đảm bảo việc bán đại trà xăng E5 thành công từ đầu năm 2018, một trong những kế hoạch được Sở Công Thương TP HCM nêu, là quán triệt các cơ quan quản lý Nhà nước, cán bộ, công chức phải gương mẫu sử dụng xăng sinh học theo đúng chủ trương của Chính phủ và vận động mọi người hưởng ứng tham gia. Giải pháp này được đề cập tại Hội thảo Sử dụng nhiên liệu sinh học - giải pháp phát triển bền vững ngày 17/10. 

Là một trong 8 tỉnh, thành thí điểm bán xăng sinh học E5 từ năm 2014, đến hết tháng 8/2017, TP HCM có 533 cửa hàng bán lẻ xăng dầu, tổng sản lượng tiêu thụ ước đạt 130.000 m3 một tháng. Hiện nay, TP HCM có 33 doanh nghiệp đầu mối, tổng đại lý phân phối xăng dầu, trong đó có 3 đơn vị chủ lực phối chế và cung ứng xăng sinh học E5. 

Nói về những khó khăn, Sở Công Thương TP HCM cho biết, hiện các cửa hàng xăng sinh học E5 có doanh thu thấp so với xăng khoáng, sản lượng tiêu thụ chậm, tồn kho nhiều ngày, tỷ lệ hao hụt rất cao, ảnh hưởng tới lợi nhuận của doanh nghiệp.

"Đến nay, đã có một số doanh nghiệp có văn bản đề nghị Sở Công Thương về việc tạm ngừng kinh doanh xăng E5 do sản lượng bán ra rất thấp và mức chiết khấu không cao, không bù đắp được chi phí hoạt động của cửa hàng", báo cáo của Sở Công Thương TP HCM nêu.

Giá bán xăng E5 chưa hấp dẫn cũng là vấn đề được các chuyên gia, doanh nghiệp đề cập, băn khoăn trước thời điểm chuyển đổi. 

Báo cáo của Sở Công Thương TP HCM cũng chỉ ra, tỷ lệ chiết khấu xăng sinh học E5 tương đương 1.000 - 1.600 đồng một lít hoặc thấp hơn xăng khoáng 280 đồng một lít, không thật sự hấp dẫn để các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tự giác chuyển đổi. Chênh lệch giữa giá bán xăng sinh học E5 và xăng khoáng không nhiều, thấp hơn RON 92 là 230 đồng một lít, chưa thật sự khuyến khích sử dụng cho người tiêu dùng. Trong khi đó, người tiêu dùng vẫn chưa nhận thức, thay đổi thói quen sử dụng xăng khoáng.

"Giảm giá bán xăng sinh học E5 thấp hơn giá bán xăng khoáng A92 khoảng 1.000-2.000 đồng một lít mới tạo được yếu tố hấp dẫn, khuyến khích người tiêu dùng sử dụng", Sở Công Thương TP HCM kiến nghị. 

Tuy nhiên, ông Lưu Quang Thái - Chủ tịch Hiệp hội nhiên liệu sinh học lại cho rằng, đặt vấn đề giá xăng E5 phải thấp hơn xăng khoáng chưa hẳn đã đúng. "Nếu phải bỏ thêm vài trăm đồng cho mỗi lít xăng nhưng người dùng được sử dụng sản phẩm bảo vệ môi trường, tốt hơn thì cũng thoả đáng và bình thường", ông lập luận. 

Vị này cũng cho rằng, thay vì đưa ra giá bán xăng sinh học thấp, nhà chức trách nên giữ thuế nhập  khẩu Ethanol 20% như hiện hành. "Dù là chính sách bảo hộ nhưng trong trường hợp cần thiết và thực tế hiện nay thì vẫn nên giữ, khi nào thị trường ổn định có thể tính toán giảm sau", ông Thái nói thêm.

Ông Phan Thế Ruệ - Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho rằng, việc thay đổi tập quán và nhận thức của người tiêu dùng đối với xăng sinh học luôn là một vấn đề nan giải đối với các cơ quan chức năng từ trước đến nay, nhất là khi chênh lệch giữa giá bán lẻ của xăng E5 và xăng khoáng  RON 92 không đủ sức thu hút họ. Vì thế, sẽ không tránh khỏi việc một bộ phận người dùng chuyển hẳn sang dùng xăng RON 95, nhất là các ôtô.

Ở góc độ doanh nghiệp, mối lo không hẳn giá mà làm sao đảm bảo không đứt nguồn cung nhiên liệu ethanol phối trộn và đầu tư thêm hệ thống phối trộn xăng sinh học. 

Tới cuối tháng 9, lượng bán xăng E5 của tập đoàn này đã tăng gấp 7 lần so với thời điểm thí điểm triển khai cách đây 4 năm, đạt 28.000 m3 một tháng. Con số này dự kiến sẽ tăng lên đáng kể từ đầu năm 2018. Sản lượng bán tăng cao, đồng nghĩa doanh nghiệp cần lượng nhiên liệu phối trộn đủ lớn.

"Chúng tôi mong muốn được mua đủ nhiên liệu phối trộn ngay trong nước, nhưng nếu không đủ sẽ phải nhập khẩu", ông Trần Ngọc Năm - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) chia sẻ. Trong trường hợp nguồn cung trong nước không đảm bảo thì sẽ nhập khẩu, hiện tham khảo từ Philippines và Hàn Quốc, những nước có nguồn cung dồi dào.

Cùng với các đầu mối khác, giai đoạn đầu Petrolimex đầu tư 5 trạm phối trộn xăng E5 tại kho xăng dầu Phú Hoà (Bình Định), kho xăng dầu Nghi Hương, Bế Thuỷ (Nghệ An), đồng thời tăng công suất phối trộn tại các trạm phối trộn cũ. Phương pháp phối trộn mới trong bể (in tank) và vận tải bằng đường thuỷ, đường ống... cũng được tập đoàn này thí điểm trong hệ thống nhằm đảm bảo chất lượng, nguồn cung xăng khi thay thế 100% xăng khoáng vào đầu năm sau. 

Chia sẻ lo lắng của doanh nghiệp, ông Nguyễn Phú Cường - Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ (Bộ Công Thương) cho biết, theo tính toán của Bộ Công Thương, khi khai tử xăng khoáng bằng xăng sinh học từ đầu năm 2018, cả nước sẽ cần khoảng 5,5 triệu m3 xăng E5 tương đương cần 275.000 m3 E100 để phối trộn. Nhìn vào cơ cấu sản xuất hiện Việt Nam có 4 nhà máy có thể cung cấp nguồn cung E100 trong nước, gồm nhà máy cồn: Đồng Nai, Quảng Nam (thuộc Công ty Tùng Lâm) đang hoạt động với tổng công suất 200.000 m3 Ethanol một năm, đủ phối trộn 3,9 triệu lít xăng E5. Hai nhà máy còn lại là Dung Quất và Bình Phước đang tạm dừng hoạt động nhưng có thể cung cấp cho thị trường khoảng 160.000 m3 ethanol mỗi năm.

"Với nguồn cung ứng của 4 nhà máy trên, khoảng 384.000 m3 ethanol mỗi năm thì nhiên liệu phối trộn chắc chắn sẽ đảm bảo không đứt nguồn cung ứng cho các doanh nghiệp", ông nhận xét.

Thời điểm chính thức khai tử xăng RON 92 chỉ còn hơn 2 tháng, và để mặt hàng này được đón nhận khi khai tử xăng RON 92 từ đầu năm sau đại diện Bộ Công Thương cho biết  thời gian tới cơ quan này sẽ phối hợp với Bộ Tài chính đưa ra chính sách về thuế, phí... với xăng sinh học nhằm tạo chênh lệch hợp lý, đủ khuyến khích người tiêu dùng sử dụng mặt hàng này. Bộ cũng sẽ cho phép các thương nhân được phép nhập khẩu nhiên liệu sinh học E100 để vừa đảm bảo không đứt nguồn, vừa tạo sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, lợi ích người tiêu dùng. 

Chuyên đề