TP HCM cần 500.000 tỷ để phát triển hạ tầng

Khẳng định vai trò quan trọng của quy hoạch hạ tầng, đô thị  của TP HCM, ông Nguyễn Thiện Nhân kêu gọi doanh nghiệp tham gia cùng thành phố.

Gặp gỡ doanh nghiệp hạ tầng đô thị ngày 3/6, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân dẫn câu chuyện nước Đức từ 200 năm trước đã xây đường cống thoát nước cao 2 m, người ta có thể đi lại trong đó. Hiện, những hệ thống này vẫn sử dụng tốt.

Ông Nhân cho rằng, vai trò của quy hoạch đô thị hạ tầng rất quan trọng với sự phát triển bền vững của thành phố. Vì vậy ông muốn các doanh nghiệp, nhà khoa học và người dân cùng góp sức xây dựng vấn đề này.

"Nhiều người nói thành phố phải có tầm nhìn 20-30 năm, hay 100 năm. Tôi nghĩ, nếu 100 năm thì ít nhất chúng ta phải có được quy hoạch về dân số và giao thông. Mình làm tốt thì con cháu sau này đỡ khổ", ông Nhân nói.

Người đứng đầu Thành ủy TP HCM đề nghị doanh nghiệp cùng tham gia trong lĩnh vực hạ tầng, đô thị của thành phố; biến những thách thức hiện có thành cơ hội kinh doanh, mang lại lợi ích cho cả 3 phía: doanh nghiệp, chính quyền và người dân.

tp-hcm-can-500000-ty-de-phat-trien-ha-tang
Bí thư Thành uỷ TP HCM Nguyễn Thiện Nhân trăn trở về bài toán quy hoạch của thành phố. Ảnh:Mạnh Tùng.

Ông Nhân cũng đề nghị chính quyền TP HCM rà soát lại quy hoạch chức năng phân vùng và quy hoạch sử dụng đất. Cần công khai quy hoạch lên mạng để mọi người biết. Ngoài ra, thành phố cần đẩy mạnh hợp tác công - tư; hợp tác chặt chẽ với các ngân hàng, tổ chức tín dụng tạo nguồn vốn để phát triển.

Nhắc thực tế vị trí thành phố trên bảng xếp hạng về môi trường đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh đang thụt lùi, ông lưu ý UBND TP cần đơn giản hóa thủ tục cấp phép đầu tư, xem lại chi phí cho doanh nghiệp thuê đất.

"Thành phố phải thực hiện một cửa cấp phép đầu tư, một cửa cấp chứng nhận kinh doanh, sẵn sàng về quỹ đất cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ", ông Nhân nhấn mạnh.

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong đánh giá cao đóng góp quan trọng của doanh nghiệp với thành phố trong lĩnh vực hạ tầng, đô thị. Ông Phong nêu "bài toán lớn" của thành phố là phát triển như thế nào về mặt không gian. Tại khu vực trung tâm hiện có nhiều dự án xây dựng dở dang, kéo dài quá lâu, làm xấu bộ mặt thành phố như: 34 Tôn Đức Thắng (quận 1), khu tháp kim cương (ngay trung tâm thương mại quốc tế cũ) và công trình số 8-12 Lê Duẩn.

"Tất cả đều liên quan đến chỉnh trang phát triển trung tâm hiện hữu. Tôi đã yêu cầu Sở Xây dựng rà lại các dự án, công trình đang xây dựng. Cái nào đang dở dang thì tập trung xử lý nhanh, cái nào chưa khởi công thì tập trung xem lại cụ thể. Để tình trạng đó kéo dài là rất không hay ở trung tâm thành phố", ông Phong nói.

Theo ông Phong, chủ trương của thành phố là phát triển đô thị vệ tinh để hạn chế sự dịch chuyển dân cư từ ngoài vào, tổ chức xây dựng hệ thống không gian ngầm trong điều kiện không thể mở rộng về diện tích.

"Trong Quy hoạch đô thị từ nay đến năm 2020, thành phố cần đến 500.000 tỷ đồng để phát triển hạ tầng. Trong đó 34% ngân sách thành phố lo được, còn hơn 60% nhờ vào nguồn lực các nhà đầu tư, huy động các nguồn lực tham gia thực hiện chương trình", Chủ tịch TP HCM nói.

Riêng về lĩnh vực môi trường, ông Phong mời gọi doanh nghiệp áp dụng công nghệ mới trong xử lý, chuyển rác thải thành năng lượng. Lời đề nghị này được đưa ra trước thực tế cấp bách thành phố thải ra 7.500-8.000 tấn rác mỗi ngày nhưng hiện chủ yếu chôn lấp.

Trước đó, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Toàn Thắng cho hay, từ nay đến 2025 ngoài lĩnh vực xử lý chất thải thành phố mời gọi nhà đầu tư cải tạo, phủ đỉnh bãi chôn lấp rác và quan trắc môi trường.

Trong đó, chất thải rắn sinh hoạt được xử lý theo công nghệ đốt - phát điện, công suất 1.000-2.000 tấn mỗi ngày tại khu liên hiệp Phước Hiệp (Củ Chi). Đây cũng là nơi xử lý chất thải công nghiệp, nguy hại và chất thải y tế theo công nghệ đốt plasma.

tp-hcm-can-500000-ty-de-phat-trien-ha-tang-1
Ông Đinh Ngọc Ninh, đại diện Tập đoàn SSG trình bày tại hội nghị. Ảnh:Mạnh Tùng

Thảo luận với lãnh đạo TP HCM, đại diện hàng chục doanh nghiệp chỉ ra những hạn chế trong quy hoạch đô thị, hạ tầng, giao thông của thành phố. Ông Đinh Ngọc Ninh (Tập đoàn SSG) cho rằng, phát triển và đầu tư tầng ngầm ở thành phố là hướng đi tốt song phải tính toán nhiều hơn về tính khả thi, nhất là địa chất.

Về xử lý rác thải, ông Ninh đồng tình với việc áp dụng công nghệ đốt vì chôn lấp tạo môi trường xấu và lãng phí. Về lâu dài, thành phố cần thu hút doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, biến rác thải thành năng lượng.

Trong lĩnh vực đô thị, ông Võ Văn Bé (Công ty Xây dựng - Thương mại Thuận Việt) tỏ ra sốt ruột khi đề án thay thế một chung cư cũ ở quận 10 hơn 7 năm nay vẫn chưa được thông qua.

Ông Bé tự tin đề án của doanh nghiệp rất khả thi, sẽ xây chung cư mới với căn hộ 45 m2 để thay thế căn hộ cũ 30 m2. "Chúng tôi đề xuất phương án nhà nước không phải bỏ tiền, xây dựng trên quỹ nhà, lấy quỹ đất dôi dư hoàn vốn cho chủ đầu tư", ông Bé cho biết.

Chuyên đề