Toàn cảnh Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trả lời chất vấn

Từ 16.30’ chiều 14/6 đến hết buổi sáng 15/6, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội.
Toàn cảnh Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trả lời chất vấn

Nội dung chất vấn gồm: Giải pháp cụ thể để huy động các nguồn lực trong xã hội cho đầu tư phát triển; Việc phân bổ, thông báo kế hoạch vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước; tăng cường quản lý, kiểm soát, tránh lãng phí trong đầu tư công; trách nhiệm của bộ, ngành trong việc thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia.  

Tập trung thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương đầu tư công  

Phát biểu kết luận Phiên chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, đã có 37 ĐBQH đặt câu hỏi, 19 ĐBQH tham gia tranh luận, còn 11 ĐBQH đăng ký nhưng chưa có đủ thời gian chất vấn. Những vấn đề chưa được trả lời một cách thỏa đáng, ĐBQH sẽ gửi câu hỏi đến Tổng thư ký QH để chuyển đến Bộ trưởng trả lời bằng văn bản. 

Về các nhóm vấn đề chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, thời gian qua, Chính phủ, Bộ KHĐT đã tích cực triển khai Luật Đầu tư công. Việc lập, phân bổ vốn đầu tư công đã từng bước đi vào nền nếp, bảo đảm chặt chẽ, triển khai nhiều biện pháp, giải pháp để cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, góp phần thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài cả về số dự án, số vốn dự án và số vốn giải ngân. Tăng tổng đầu tư vốn toàn xã hội, thay đổi cơ cấu vốn đầu tư theo hướng giảm tỷ trọng đầu tư từ NSNN…  

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt được, qua ý kiến của ĐBQH chất vấn và tranh luận cho thấy, trách nhiệm của Bộ trưởng trong lĩnh vực này còn nhiều điểm cần phải quan tâm, chỉ đạo như: Phân bổ vốn đầu tư trung hạn còn chậm, vốn đã thấp so với nhu cầu nhưng tiến độ giải ngân vốn cũng chậm, “có tiền mà chưa chi được”. Nhiều quy định, thủ tục đầu tư còn bất cập, chậm nghiên cứu sửa đổi. Tình trạng đầu tư còn dàn trải, chưa sát với thực tế đã gây lãng phí, kém hiệu quả đã tồn tại nhiều năm nay vẫn chưa có giải pháp khắc phục triệt để.  

Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Chính phủ, Bộ trưởng Bộ KHĐT cùng các Bộ trưởng có liên quan tiếp thu ý kiến của ĐBQH chỉ đạo thực hiện quyết liệt các giải pháp đã đề ra, nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế. Trong đó, tập trung thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công. Rà soát các quy định về đầu tư công để kịp thời xuất nghị sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan để đầu tư công theo hướng bảo đảm đơn giản hóa các thủ tục, lập thẩm định phê duyệt đầu tư công, tránh chồng chéo mâu thuẫn. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và tăng cường trách nhiệm trong quản lý đầu tư công. Tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan và các địa phương tập trung nguồn lực bố trí vốn cho từng dự án cụ thể theo thứ tự ưu tiên. Bảo đảm tiến độ thực hiện dự án, tránh tình trạng kéo dài, đội vốn đầu tư, gây thất thoát lãng phí.  

Trong năm 2017 ban hành các giải pháp để phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước; xây dựng lại kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020. Có chính sách đẩy mạnh đầu tư cho vùng kinh tế khó khăn, miền núi, hải đảo, vùng đồng bằng dân tộc thiểu số, vùng chịu nhiều thiệt hại do biến đổi khí hậu và ưu tiên nguồn vốn để thực hiện các chính sách hỗ trợ người có công.  

Tiếp tục mở rộng các hình thức đầu tư để mở rộng huy động vốn từ khu vực tư nhân, vốn nước ngoài; sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA, vốn trái phiếu Chính phủ, các chương trình mục tiêu quốc gia. 

Hoàn thiện khung pháp lý cho việc phát triển thị trường vốn, hoạt động mua bán nợ với sự tham gia của cả khu vực doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đánh giá toàn diện về thu hút vốn đầu tư nước ngoài để vừa huy động được nguồn vốn, vừa khuyến khích được chuyển giao công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, năng lực sản xuất, tính cạnh tranh của nền kinh tế; đồng thời, giảm thiểu những mặt trái của đầu tư nước ngoài tác động đến KT - XH của nước ta.  

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tránh tình trạng xin - cho trong đầu tư công. Tăng cường phối hợp với các bộ, ngành Trung ương trong việc phân bổ và giải ngân các nguồn vốn đầu tư. Thực hiện tốt việc điều hòa tổng nguồn vốn đầu tư, tránh tình trạng nơi thiếu vốn, nơi thì không giải ngân được; có cơ chế cắt giảm vốn đầu tư với các dự án, công trình chậm tiến độ, hiệu quả thấp để chuyển vốn sang công trình, dự án địa phương thực hiện đúng tiến độ, có hiệu quả.  

Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật đầu tư công, trong đó đề cao vai trò tham gia giám sát của cộng đồng dân cư trong các vùng bị ảnh hưởng bởi dự án. Làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm đối với các cơ quan, đơn vị, cá nhân vi phạm các quy định của pháp luật gây lãng phí, thất thoát trong đầu tư công. Khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội xem xét quyết định chủ trương đầu tư đối với các công trình, dự án trọng điểm quốc gia theo đúng quy định của pháp luật. 

Dù nguyên nhân nào, xảy ra ở đâu, trách nhiệm vẫn thuộc Chính phủ

 

Báo cáo, giải trình làm rõ thêm những chất vấn của ĐBQH về giải ngân vốn đầu tư công, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ thẳng thắn thừa nhận, việc giải ngân vốn đầu tư công năm 2016 và 5 tháng đầu năm 2017 tuy có cao hơn cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn chậm. Tức là vẫn có tình trạng “có tiền mà không tiêu hết được”. Đây là một trong các nguyên nhân làm tăng trưởng kinh tế không đạt kế hoạch, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn.  

“Dù nguyên nhân khách quan, chủ quan, hay xảy ra ở bộ, ngành, địa phương nào, thì đây vẫn thuộc trách nhiệm của Chính phủ”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, “Chính phủ nhận thức trước Quốc hội và cam kết sẽ chấn chỉnh trong thời gian tới”. 

Trong các nguyên nhân chủ quan và khách quan dẫn tới tình trạng nêu trên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng chỉ rõ “nguyên nhân chủ quan là quan trọng”. Về các nguyên nhân khách quan, Luật Đầu tư công và pháp luật về đầu tư có nhiều tiến bộ, nhằm ngăn chặn thất thoát vốn đầu tư, nâng cao hiệu quả đầu tư, nhưng nhiều quy định mang tính thủ tục, làm cản trở việc giải ngân, đúng như ĐBQH nêu ra.  

Về nguyên nhân chủ quan, theo Phó Thủ tướng, “chúng ta đang chậm rà soát, phát hiện, xử lý những bất hợp lý trong văn bản pháp luật về đầu tư công, cũng như trình ra Quốc hội xem xét sửa đổi các văn bản quy phạm liên quan”. 

Ngoài ra, nhiều bộ, ngành, địa phương chưa kiên quyết, quyết liệt trong thực hiện rà soát, cắt giảm theo đúng tinh thần Nghị quyết của Quốc hội. Theo Nghị quyết của Quốc hội, các cơ quan phải bảo đảm thu hồi nợ đọng xây dựng cơ bản, các khoản ứng trước, ưu tiên cho các dự án quan trọng, cấp bách, dự án đầu tư công - tư, sau đó, mới bố trí cho các công trình xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, “các bộ, ngành đang giằng xé giữa nhiều lựa chọn và có tình trạng việc nào cũng muốn, nên mất nhiều thời gian rà soát, cắt giảm nguồn vốn dành cho các dự án”, Phó Thủ tướng nói.  

Còn tình trạng một số Bộ thích "ôm việc"

Việc phân cấp, phân công và ủy quyền chưa thực sự quyết liệt và hợp lý, còn tình trạng một số Bộ thích “ôm việc”. Các phát biểu của ĐBQH tại kỳ họp này rất xác đáng. 

“Có tình trạng một số Bộ thấy việc nào cũng quan trọng, cũng to, nên phải để Bộ làm, chưa phân cấp cho cấp dưới, địa phương thực hiện. Công tác phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương vẫn còn là khâu yếu kém”.  

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, thì “không thể biện minh về phối hợp giữa các bộ phận trong bộ, giữa cấp trên và cấp dưới, giữa bộ, ngành và địa phương. 

Một bộ phận cán bộ, công chức chưa đề cao trách nhiệm, còn nhũng nhiễu, yếu kém năng lực, nhưng chưa được lãnh đạo bộ ngành, địa phương thay thế kịp thời và xử lý nghiêm theo tinh thần Nghị quyết 60 của Chính phủ”. 

Rà soát, đánh giá toàn diện những bất cập để sửa đổi

Để đẩy nhanh việc xây dựng và giao kết hoạch đầu tư công, Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thường xuyên tiến hành rà soát, đưa ra nhiều giải pháp trong các nghị quyết họp hàng tháng của Chính phủ. Đặc biệt, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 60/2016 về nhiệm vụ đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; thành lập Tổ công tác đặc biệt do Phó Thủ tướng đứng đầu, trực tiếp chỉ đạo…  

Mới đây nhất, để tiếp tục đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả đầu tư công năm 2017, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2017 và cả giai đoạn 5 năm, tại Phiên họp thường kỳ tháng 5, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết mới về đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, trong đó bổ sung nhiều giải pháp mới. Thủ tướng Chính phủ cũng quyết định tiếp tục duy trì Tổ công tác đặc biệt. 

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các bộ ngành, địa phương tiếp tục rà soát sửa đổi, bổ sung các nghị định, thông tư về đầu tư công, đấu thầu xây dựng. Tăng cường phân cấp mạnh mẽ và triệt để hơn nữa cho cấp dưới và cho địa phương. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, của công chức và đạo đức công chức. Đẩy nhanh giải phóng mặt bằng và sớm kiện toàn, sắp xếp, nâng cao năng lực của cơ quan quản lý dự án. Kịp thời thanh toán với Kho bạc Nhà nước khối lượng hoàn thành, không để dồn vào cuối năm.  

Đồng thời, rà soát, đánh giá toàn diện những bất cập trong Nghị định, Thông tư, kể Luật Đầu tư công, để kịp thời trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung. Trường hợp đến thời hạn nhất định, bộ, ngành có quyết định phân bổ, mà chưa giải ngân đạt tỷ lệ tối thiểu sẽ được báo cáo với Chính phủ cắt giảm, nhập vào vốn dự phòng chung, thậm chí không phân bổ trong dự toán ngân sách năm sau. 

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo thường xuyên tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; xử lý nghiêm cán bộ tham mưu trong từng cấp để xảy ra chậm trễ giải ngân, có tiêu cực trong sử dụng vốn đầu tư công. 

Chính phủ mong muốn Quốc hội, các Đoàn ĐBQH, ĐBQH quan tâm thường xuyên, đôn đốc, giám sát công tác này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói.  

Một dịp tốt để báo cáo  

Phát biểu tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn từ Kỳ họp thứ 2 đến Kỳ họp này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhận được 270 câu hỏi của cử tri. Bộ đã có văn bản trả lời đến từng đại biểu Quốc hội có chất vấn; một số chất vấn mà Bộ mới nhận được sẽ tiếp tục được trả lời bằng văn bản trong vài ngày tới. 

Trong thời gian qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư luôn nhận được nhiều ý kiến động viên, khuyến khích cũng như những góp ý về những việc làm được và những việc chưa làm được của Bộ. 

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, Bộ luôn nhận thức sâu sắc rằng đây là một dịp tốt để báo cáo những việc đã làm được, giải trình thêm và làm rõ hơn những vấn đề mà đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm; được lắng nghe và tiếp thu ý kiến tâm huyết, những ý kiến, ý tưởng mới và sâu sắc của các vị đại biểu Quốc hội. Đồng thời, thấy được thêm trách nhiệm của cá nhân và đơn vị trong việc triển khai các nhiệm vụ được giao. 

Còn tồn tại nhiều vấn đề 

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, lĩnh vực kế hoạch và đầu tư có một vị trí quan trọng trong nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh áp lực ngày càng lớn về nhu cầu nguồn lực để thực hiện các mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Do đó, ngành kế hoạch và đầu tư còn nhiều việc phải nỗ lực với tinh thần đổi mới và tích cực hơn nữa để đáp ứng yêu cầu của Quốc hội và cử tri của cả nước. 

Mặc dù Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có nhiều cố gắng và đạt được một số kết quả tích cực trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề mà các vị đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm. Vì vậy đòi hỏi Bộ phải tăng cường trách nhiệm hơn nữa trong việc giải quyết những khó khăn, vướng mắc, tham mưu những giải pháp vừa căn cơ, dài hạn vừa cấp bách trong ngắn hạn. 

Tiếp tục theo hướng kiến tạo  

Đánh giá nguồn lực của dân cư, doanh nghiệp, khu vực đầu tư nước ngoài trong xã hội còn nhiều dư địa để huy động, tuy đã có nhiều giải pháp nhưng hiệu quả chưa cao, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần tiếp tục theo hướng kiến tạo môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi và tạo niềm tin để người dân và doanh nghiệp sẵn sàng bỏ vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, tham gia phát triển hạ tầng v.v... Trong đó, nguồn lực nhà nước giữ vai trò định hướng, dẫn dắt, lan tỏa, thu hút, huy động các nguồn lực của dân cư, doanh nghiệp là nguồn lực chủ yếu, nguồn lực của nước ngoài là bổ sung quan trọng đối với đầu tư phát triển. 

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nêu rõ, đầu tư công đã có nhiều cải thiện, nhất là trong công tác xây dựng thể chế pháp luật, Chỉ thị số 1792/CT-TTG của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ và Luật đầu tư công năm 2015 đã giúp tăng cường quản lý chặt chẽ hơn, khắc phục cơ bản được những tồn tại hàng chục năm, như đầu tư dàn trải, nợ đọng xây dựng cơ bản, ứng trước vốn kế hoạch nhưng chưa có nguồn hoàn trả v.v... Tuy nhiên, việc chuyển hướng sang quản lý chặt chẽ hơn cũng không tránh khỏi nảy sinh nhiều vấn đề, khó khăn về quy trình, về thủ tục, về nhu cầu không đáp ứng được đủ vốn và sự co kéo trong bố trí vốn, phân bổ vốn không tập trung, giao vốn chậm, nhiều lần v.v... đòi hỏi Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải tập trung tháo gỡ, giải quyết trong thời gian tới. 

Cùng với đó, nguồn vốn đầu tư công ngày càng hạn hẹp và có xu hướng giảm dần trong tổng đầu tư toàn xã hội và trong chi tiêu ngân sách. Do vậy, vấn đề mấu chốt quan trọng nhất phải tập trung quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn vốn công. Giải được bài toán cân đối về cơ cấu vùng, miền, ngành, lĩnh vực, mục tiêu ưu tiên vừa quản lý chặt chẽ nhưng cũng phải thuận lợi để triển khai thực hiện nhanh hiệu quả, trong đó có áp dụng công nghệ thông tin và quản lý, đảm bảo công khai, minh bạch và hạn chế tối đa sự thất thoát, lãng phí trong đầu tư công. 

Ngoài ra, các dự án trọng điểm của quốc gia đều là những dự án lớn, có sự đóng góp đáng kể vào tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế, trong đó các dự án hạ tầng quan trọng quốc gia được đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước có vai trò và sức lan tỏa rất lớn sẽ huy động được sự tham gia đáng kể nguồn vốn ngoài ngân sách. Cho nên việc tăng cường trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành liên quan tại thời điểm này là vừa để tìm cách xử lý, tháo gỡ khó khăn, vừa xây dựng giải pháp để các dự án sớm triển khai đi vào hoạt động hiệu quả. 

Với tinh thần tiếp thu, cầu thị và rút kinh nghiệm cũng như đổi mới, với tư cách là Bộ trưởng của nhiệm kỳ Chính phủ mới và lần đầu tiên trả lời chất vấn của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng một lần nữa khẳng định: “Đây là dịp để tôi thấy được trách nhiệm của mình trong việc tiếp tục hoàn thiện các giải pháp, giải quyết những vấn đề kịp thời, thấu đáo, đổi mới, cải thiện hơn nữa công tác tham mưu, xây dựng chính sách, phục vụ phát triển kinh tế- xã hội của đất nước”.

* Tại phiên chất vấn các đại biểu Phạm Đình Cúc (Bà Rịa - Vũng Tàu); Trần Hoàng Ngân (TPHCM); Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng); Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu); Trần Đình Gia (Hà Tĩnh); Bùi Văn Tùng (Hải Phòng); Nguyễn Văn Thể (Sóc Trăng); K' Choi (Đắc Nông);  Huỳnh Thanh Cảnh (Bình Thuận); Tô Văn Tám (Kon Tum); Trần Tất Thế (Hà Nam); Trần Văn Lâm (Bắc Giang); Nguyễn Hoàng Mai (Tiền Giang); Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình); Huỳnh Thành Chung (Bình Phước); Lê Thanh Vân (Cà Mau); Trần Văn Mão (Nghệ An); Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang); Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM); Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang); Thạch Phước Bình (Trà Vinh); Hà Sĩ Đồng (Quảng Trị).... chất vấn Bộ trưởng KH&ĐT về trách nhiệm, giải pháp xử lý tình trạng đầu tư dàn trải; nguyên nhân, trách nhiệm trong giải ngân vốn đầu tư công chậm; giải pháp nâng cao chất lượng các dự án FDI; giải pháp thu hút FDI công nghệ cao vào lĩnh vực nông nghiệp; trách nhiệm của bộ và bộ trưởng trong việc thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia; giải pháp xử lý nợ đọng cơ bản (phát sinh trong quá trình xây dựng nông thôn mới); giải pháp khắc phục những vướng mắc trong thực hiện Luật Đầu tư công; giải pháp cụ thể giải quyết vướng mắc trong giải ngân vốn ODA; trách nhiệm của bộ trưởng và giải pháp gỡ vướng về thủ tục đầu tư các dự án PPP; giải pháp lấp đầy các khu công nghiệp; đầu tư hỗ trợ nhà ở cho người có công; đầu tư ngân sách thực hiện các chương trình mục tiêu; vấn đề quản lý vốn khi cổ phần hóa, thoái vốn tại DNNN; giải pháp đột phá và chiến lược để các địa phương từng bước thu đủ chi; bố trí vốn đầu tư hạ tầng giao thông, xây dựng các công trình ứng phó với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL;...

Bộ trưởng nhận trách nhiệm chưa cương quyết, còn nể nang

Về tình hình sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công hiện nay, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong thời gian trước đây, do quản lý hệ thống pháp luật chưa được chặt chẽ nên hiệu quả quản lý vốn đầu tư chưa được bảo đảm. Từ đó dẫn đến đầu tư dàn trải, nợ đọng xây dựng cơ bản lớn, các dự án được phê duyệt vượt quá khả cấp vốn (trước đây gấp 3 lần so với khả năng thu xếp vốn). Đây là thực tế đã diễn ra trong thời gian dài vừa qua. 

Để khắc phục, Quốc hội đã ban hành Luật Đầu tư công, tạo cơ sở pháp lý để giảm đi những đầu tư dàn trải với những quy trình chặt chẽ hơn, từ lựa chọn dự án để phê duyệt đến kiểm soát các dự án, tránh dàn trải, nợ đọng trong xây dựng cơ bản. 

Tuy nhiên, thực tế thực hiện Luật này cũng rất khó, vì có những dự án bố trí không được tập trung do nhu cầu đầu tư phát triển của từng ngành, từng địa phương trong 5 năm rất lớn, trong khi khả năng thu xếp vốn thấp hơn. Điều này dẫn tới việc phân bổ của các bộ, ngành và địa phương do nhu cầu phát triển nên bố trí chưa được tập trung. 

Về giải pháp để khắc phục, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng kiến nghị tiếp tục triển khai đồng bộ các chủ trương và định hướng về tái cơ cấu đầu tư. Đây là trọng tâm theo của Nghị quyết của Quốc hội và Trung ương. 

Các cấp, các ngành phải thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về đầu tư công, từ chọn lọc dự án đến thẩm định, phê duyệt phải thực hiện nghiêm túc. Nâng cao chất lượng quy hoạch. Tăng cường công tác kiểm toán, kiểm tra, thanh tra và giám sát tất cả các khâu để bảo đảm lựa chọn dự án đầu tư cũng như bố trí vốn phù hợp với tình hình thực tiễn. 

Về việc giao vốn hằng năm và 5 năm, Luật Đầu tư công đã quy định rõ. Và đây là năm đầu tiên thực hiện đầu tư công với mục tiêu đưa ra là kiểm soát chặt chẽ các dự án. Theo đó, các quy trình sẽ được thiết kế nhiều hơn, chặt chẽ hơn, các cơ quan tham gia sẽ được lồng ghép nhiều hơn. Do vậy, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, “việc thực hiện các thủ tục mới theo Luật của các bộ, ngành, địa phương còn lúng túng trong thời gian đầu”. 

Ngoài ra, việc hướng dẫn các bộ, ngành, trong đó có trách nhiệm của Bộ KHĐT chưa kịp thời, còn chậm và còn có nhiều cách hiểu khác nhau. Từ nhu cầu lớn và khả năng thu xếp, khả năng cân đối vốn hạn chế và mất cân đối. Do vậy, việc co kéo cũng như điều chỉnh các phương án khác nhau dẫn đến việc giao vốn chậm hơn so với thực tế, từ đó ảnh hưởng đến vấn đề giải ngân chậm, ảnh hưởng đến hiệu quả của dự án. 

Về trách nhiệm của Bộ KHĐT, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng “xin nhận trách nhiệm chưa cương quyết, còn nể nang trong việc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Đầu tư công cũng như các Nghị quyết của Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ.

Thu hút FDI nông nghiệp: Phải mở rộng hạn điền 

Về trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan đến các dự án trọng điểm quốc gia, Bộ trưởng cho biết, theo quy định của Luật Đầu tư công và Luật Đầu tư hiện nay chỉ có dự án quan trọng quốc gia. 

Đối với những dự án này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, “trách nhiệm của Bộ KH-ĐT gồm 3 điểm, thứ nhất là chức năng Chủ tịch Hội đồng thẩm định nhà nước, thứ hai là thực hiện công tác giám sát, thứ ba là huy động và phân bổ các nguồn vốn đầu tư, tham mưu phân bổ các nguồn vốn đầu tư và thực hiện các dự án nếu sử dụng NSNN”. 

Và trong giai đoạn 2010 - 2015, Bộ KHĐT có thẩm định một dự án có ý nghĩa quan trọng quốc gia là dự án sân bay Long Thành, mới đây thẩm định thêm dự án đường cao tốc Bắc - Nam để trình Quốc hội tại Kỳ họp này. 

Liên quan đến việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực nông nghiệp, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, do đặc thù đất đai nhỏ lẻ và manh mún, không thể áp dụng ngay khoa học kỹ thuật vào các mô hình. Cùng với đó là bản thân nguồn lực hạn chế. Sự kết nối giữa doanh nghiệp, người dân và các nhà đầu tư chưa bền vững. 

“Thực chất, lợi thế so sánh trong lĩnh vực nông nghiệp giữa các địa bàn đối với các nhà đầu tư nước ngoài chưa hấp dẫn để tham gia đầu tư”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.  

Để giải quyết vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng kiến nghị phải mở rộng được hạn điền và có xu thế tích tụ ruộng đất lớn hơn. Phải có quy hoạch nguồn nguyên liệu ổn định và rõ ràng. Hỗ trợ kết nối giữa các doanh nghiệp lớn, có thế mạnh từ khâu giống đến nuôi trồng để xây dựng… 

Hiện nay, “chúng ta đang sửa Nghị định 210 về hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có các ưu đãi, cơ chế, chính sách áp dụng cho cả doanh nghiệp nước ngoài với lĩnh vực nông nghiệp trong khuôn khổ pháp luật cho phép”.

Công tác chuẩn bị của nhiều dự án thật sự có vấn đề 

Trả lời câu hỏi của các đại biểu về kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư cho biết, kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được Bộ xây dựng từ tháng 8/2014, sau đó được Quốc hội thông qua. Hiện số vốn này đã giao được 88% và chỉ còn gần 200.000 tỷ đồng chưa giao. Số vốn này tại một số dự án chưa đủ thủ tục, dự án đầu tư đường ven biển, vốn điều lệ cho các ngân hàng, các dự án trọng điểm quốc gia (đường cao tốc Bắc-Nam, sân bay Long Thành…). 

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, việc giải ngân vốn, thu xếp vốn đầu tư còn chậm trong thời gian qua đã làm ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng. Trong thời gian tới Bộ sẽ đẩy nhanh tiến độ giải ngân để các địa phương chuẩn bị có kế hoạch đầu tư 2018-2019. 

Giải đáp thắc mắc của đại biểu về vướng mắc đầu tư công và trình tự xử lý, Bộ trưởng cho biết, vướng mắc chủ yếu do Luật Đầu tư công là bộ luật mới nên việc triển khai còn lúng túng, một số nội dung chưa đúng với quy định của pháp luật, đặc biệt là chất lượng chuẩn bị dự án chưa tốt. 

“Công tác chuẩn bị dự án của chúng ta thật sự có vấn đề. Nhiều dự án còn tồn tại những điểm chưa tốt, còn lỏng lẻo, chưa nghiêm trong công tác chuẩn bị”, Bộ trưởng nhận xét và cho biết, một số địa phương đôi khi chỉ đưa ra dự án để xin, sau đó về mới lên công tác chuẩn bị chi tiết. 

Nhiều năm trước việc đề xuất dự án thường gấp 3 lần số vốn chúng ta có thể cân đối vốn thực hiện, dẫn đến vốn bị dàn trải. Từ khi có Luật Đầu tư công, số này đã được giảm đi đáng kể, trong giai đoạn 2012-2013 có khoảng 15000 dự án thì nay giảm đi hai phần ba chỉ còn 4000-5000 dự án, điều này sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ thực hiện, sớm đưa các dự án vào sử dụng. Sắp tới Bộ cũng sẽ rà soát lại toàn bộ quy định (nghị định 136, nghị định 15) để công tác chặt chẽ nhưng vẫn đảm bảo được thuận lợi, dễ thực hiện. 

Về giải pháp giảm hoặc giữ chỉ tiêu bội chi năm 2017 không vượt "khung", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ đã đề xuất giảm trái phiếu Chính phủ năm 2017 xuống để giảm vốn vay, từ đó giảm bội chi năm 2017. Một phương án khác là tăng vốn nước ngoài nếu sử dụng thiếu. Thực hiện 2 hướng này, bội chi sẽ giữ nguyên theo chỉ tiêu Quốc hội thông qua là 172000 tỷ đồng.

Lãng phí trong đầu tư công đã được khắc phục một phần 

Về đầu tư công, Bộ trưởng cho biết Bộ có phần trách nhiệm khi việc quản lý còn hạn chế và gây ra sự lãng phí trong thời gian qua. 

Ông nói, chúng tôi có hai trách nhiệm đối với vấn đề này. Đó là việc tham mưu cơ chế chính sách chưa đưa ra đầy đủ và thực hiện công tác kiểm tra, giám sát phát hiện các trường hợp thất thoát chưa tốt. 

Vấn đề thất thoát, lãng phí trong đầu tư công đã được khắc phục một phần nhờ các luật và nghị định hướng dẫn mới, nhưng chưa triệt để và vẫn còn nhiều bất cập.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng thừa nhận: Mặc dù có nhiều cố gắng nhưng trên thực tế do liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương, liên quan đến cơ chế, chính sách, pháp luật của nước ta chưa đầy đủ, chặt chẽ nên chỉ mới khắc phục được một phần. “Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ và QH những giải pháp căn cơ hơn để quản lý chặt chẽ hơn”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết. 

Với vấn đề phát triển đầu tư cho ngành du lịch, người đứng đầu Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho rằng, lĩnh vực này đã được xác định là một trong những mũi nhọn, có dư địa phát triển tốt để tạo ra tăng trưởng. Không chỉ vậy, đây còn là lĩnh vực có khả năng thu hút vốn đầu tư từ xã hội hóa hơn các lĩnh vực khác. 

Quan điểm chung của Chính phủ là cần tạo lập ra cơ chế chính sách, môi trường thuận lợi để các nhà đầu tư trong nước, nước ngoài tham gia đầu tư vào hạ tầng cho lĩnh vực này. Trong thời gian gần đây, hệ thống hạ tầng cho du lịch được các doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư rất tốt. 

Về vấn đề phân cấp, phân quyền đầu tư, theo Bộ trưởng, các dự án đầu tư công từ nguồn vốn ngân sách cần được thẩm định và xác định nguồn một cách kỹ lưỡng để tránh tình trạng lãng phí, thất thoát như trước đây. Đây là trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Còn những dự án sử dụng nguồn vốn của các địa phương vẫn hoàn toàn do các địa phương tự quyết định. 

Quản lý chặt chẽ vốn đầu tư công

Về tăng cường quản lý, kiểm soát, tránh lãnh phí trong đầu tư công, báo cáo của Bộ KHĐT trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV cho biết, Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn kèm theo đã tạo khung pháp lý ổn định để triển khai việc lập, phân bổ (hoặc bố trí), tổng hợp, giao, thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm.

Theo đó, luật đã xác định rõ vai trò, nhiệm vụ của các cơ quan gắn với thẩm quyền cụ thể đối với việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án cụ thể cũng như quá trình lập, phân bổ (hoặc bố trí), tổng hợp, giao, thực hiện kế hoạch đầu tư công.

Việc sử dụng vốn đầu tư công được quản lý chặt chẽ từ khâu thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư, chuẩn bị đầu tư, phê duyệt quyết định đầu tư, lựa chọn chương trình đưa vào kế hoạch, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, nợ đọng xây dựng cơ bản.

Việc phân bổ vốn đầu tư đảm bảo tính công khai, minh bạch. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu.

Đổi mới được công tác lập kế hoạch đầu tư công, tạo sự chủ động cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong quá trình xây dựng kế hoạch để đề xuất chủ trương đầu tư đúng đắn, hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, việc triển khai Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn kèm theo còn lúng túng, do Luật Đầu tư công lần đầu tiên được ban hành và áp dụng, vẫn còn nhiều bất cập và hạn chế cần được hoàn thiện; các văn bản hướng dẫn kèm theo còn chưa được thống nhất và đồng bộ, dẫn tới cách hiểu và cách tiếp cận thực hiện của các bộ, cơ quan, địa phương còn khác nhau dẫn tới nhiều tình huống chưa thống nhất giữa các bộ, cơ quan, địa phương với Bộ Kế hoạch và Đầu tư với tư cách là cơ quan chịu trách nhiệm rà soát và tổng hợp;

Với mục tiêu kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng vốn đầu tư công, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tránh dàn trải, lãng phí, Luật Đầu tư công đã quy định nhiều quy trình, thủ tục chặt chẽ, với sự liên quan của nhiều cơ quan, tổ chức. Điều này đã gây ra sự bất cập về đáp ứng thời gian hoàn thiện các thủ tục theo quy định cũng như hoàn thiện phương án phân bổ, bố trí vốn cho từng dự án ở các bộ, cơ quan, địa phương; dẫn tới hệ quả là thời gian hoàn thiện kéo dài, quá trình tổng hợp và giao kế hoạch không đáp ứng thời hạn theo quy định, giao vốn làm nhiều lần...

Việc mất cân đối giữa nhu cầu và khả năng đáp ứng nguồn vốn dẫn tới tình trạng co kéo trong bố trí vốn đầu tư tại các bộ, cơ quan, địa phương, bố trí không đủ tỷ lệ, không đáp ứng tiến độ thực hiện dự án, không rõ ràng về sắp xếp thứ tự ưu tiên, kéo dài thời gian thực hiện dự án, bố trí vốn dài trải..., trong một số trường hợp, bộ, cơ quan, địa phương cho rằng đây là trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí vốn thiếu, nhưng theo quy định, việc lựa chọn danh mục dự án và bố trí cụ thể cho từng dự án thuộc thẩm quyền của bộ, cơ quan, địa phương.

Công tác phối hợp giữa các bộ, cơ quan, địa phương với Bộ Kế hoạch và Đầu tư còn nhiều bất cập, nhất là trong khâu rà soát và hoàn chỉnh phương án phân bổ vốn, bố trí vốn cho từng dự án cụ thể, không đáp ứng được yêu cầu về thời gian và tính chính xác của số liệu, thông tin của từng dự án, dần tới kéo dài thời gian hoàn chỉnh phương án, tổng hợp phương án và giao vốn.

Trên cơ sở tổng hợp những tình huống khó khăn, bất cập và những kiến nghị của bộ, cơ quan, địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những giải pháp tháo gỡ khó khăn, cụ thể cho Kế hoạch năm 2017, Kế hoạch trung hạn và sắp tới là kế hoạch năm 2018, trong đó có giải pháp rà soát lại các quy định pháp luật về đầu tư công, sửa đổi, bổ sung các nghị định hướng dẫn (nghị định 15/2015/NĐ-CP, 136/2015/NĐ-CP, 77/2015/NĐ-CP...); đối với một số vướng mắc không thể giải quyết bằng Nghị định, Bộ sẽ báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội xem xét, sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư công.

Thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật trong đầu tư công khi Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn hiện hành vẫn còn hiệu lực; chủ động khắc phục những khó khăn, bất cập về quy định pháp lý đem lại để đáp ứng các điều kiện và thủ tục theo quy định, rút ngắn thời gian hoàn thiện thủ tục, phương án phân bổ...

Đổi mới phương pháp quản lý đầu tư công, trong đó triển khai áp dụng công nghệ thông tin, xây dựng hệ thống quản lý đầu tư công trực tuyến nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch, khách quan cũng như khắc phục được những sai sót không đáng có do yếu tố con người, đáp ứng được yêu cầu thống nhất về cách hiểu đối với những nguyên tắc, tiêu chí phân bổ, bố trí vốn, thông tin, số liệu theo dõi dự án được ổn định... Việc triển khai sử dụng hệ thống quản lý đầu tư công trực tuyến cần được thực hiện ngay trong năm 2017 để phục vụ cho Kế hoạch đầu tư công năm 2018.

Chuyên đề