Tìm động lực bứt phá cho phát triển nhanh, bền vững

(BĐT) - Kinh tế thế giới đang chứng kiến nhiều biến động mới đặt ra cho các quốc gia câu hỏi làm thế nào để phát triển nhanh và bền vững? Hội thảo “Nguồn nhân lực, công nghệ và đổi mới sáng tạo: một số hàm ý chính sách cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam” do Bộ Ngoại giao phối hợp cùng Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) tổ chức cuối tuần qua, đã đưa ra nhiều đánh giá, nhận định. Đây cũng là dịp tham góp, xây dựng Chiến lược phát triển phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030 của Việt Nam.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Theo ERIA, phát triển nguồn nhân lực, tiếp thu công nghệ và đổi mới sáng tạo là một trong những trụ cột nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng của Việt Nam trong thời gian tới.

Chuyên gia của ERIA nhấn mạnh, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và thương mại sẽ tiếp tục là động lực phát triển chính của Việt Nam trong thập kỷ tiếp theo, vì FDI và thương mại sẽ tạo điều kiện để các doanh nghiệp (DN) nội địa tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và tiếp thu công nghệ tiên phong từ các nước phát triển.

Để hiện thực hóa động lực phát triển từ FDI, ERIA cho rằng, Việt Nam cần nâng cao “khả năng hấp thụ” để tiếp thu công nghệ và năng lực đổi mới sáng tạo. “Khả năng hấp thụ”, theo ông Koji Hachiyama - Giám đốc điều hành ERIA, chính là việc phát triển nguồn nhân lực với kiến thức và kỹ thuật đáp ứng nhu cầu của các ngành công nghệ cần được ưu tiên để hướng tới trở thành nền kinh tế lấy công nghệ làm động lực tăng trưởng.

Đồng thuận với quan điểm này, TS. Trần Hồng Quang, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bổ sung, Việt Nam cần có những chính sách ưu đãi làm sao đủ động lực để khuyến khích, thu hút hơn nữa các dự án FDI có chuyển giao công nghệ, kỹ năng quản trị, hỗ trợ DN trong nước tăng năng lực liên kết, hấp thu công nghệ.

TS. Trần Hồng Quang phân tích, thực tế việc thu hút các dự án FDI của Việt Nam về mặt chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo còn nhiều hạn chế. “Khảo sát của Bộ Khoa học và Công nghệ tại một số khu công nghiệp cho thấy, còn nhiều dự án FDI có quy mô nhỏ, công nghệ thấp, lạc hậu. Số lượng các dự án có công nghệ tiên tiến, hiện đại từ Hoa Kỳ và châu Âu còn thấp (5%); chủ yếu là công nghệ trung bình (80%), trong đó xuất xứ từ Trung Quốc là 30 - 40%; công nghệ thấp, lạc hậu (15%). Rất ít DN FDI thành lập trung tâm nghiên cứu và phát triển; DN FDI thiếu liên kết, tác động lan tỏa với DN trong nước. Số liệu của Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, chỉ có khoảng 1.000 hợp đồng chuyển giao công nghệ trong tổng số gần 27.500 dự án FDI”, ông Quang dẫn chứng.

Ở góc nhìn khác, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, để xây dựng hiệu quả Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030, cần phải tìm kiếm yếu tố nền tảng, tận dụng hết những dư địa mà Việt Nam đang có để nâng cao năng suất, nội lực của nền kinh tế.

Xét về yếu tố nâng cao năng suất, ông Cung cho rằng, Việt Nam còn rất nhiều dư địa cải cách, cải tiến để nâng cao năng suất, lợi thế cạnh tranh của DN, quốc gia. “Bởi các DN Việt Nam chỉ cần thay đổi quy trình sản xuất, cách thức quản lý hiện đại… là đã tạo ra năng suất lớn, đóng góp tốt cho tăng trưởng bền vững của nền kinh tế”.

Theo ông Cung, yếu tố nền tảng quan trọng nhất là cần tạo ra môi trường, hệ sinh thái cho các DN trong nước phát triển bằng cách để DN tự do sáng tạo, triển khai những ý tưởng sáng tạo đó. Nhờ đó, tự khắc DN sẽ có khả năng hấp thụ, tiếp thu công nghệ cũng như mong muốn đổi mới sáng tạo từ chính trong nội tại của DN. 

“Sau đó mới tính đến áp dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo ở một số ngành, lĩnh vực, sản phẩm mà Việt Nam có lợi thế thì sẽ giúp kinh tế có bước “nhảy vọt”. Cách tiếp cận như vậy mới hệ thống, hiệu lực, hiệu quả theo mạch của thúc đẩy cải cách”, ông Cung nhấn mạnh.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh, trong giai đoạn tới (2021 - 2030 - PV), nếu đặt vấn đề phát triển nhanh và bền vững trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo… hướng tới trở thành nước công nghiệp, có thu nhập trung bình cao thuộc nhóm dẫn đầu (trong nhóm các quốc gia thu nhập trung bình) phù hợp với các đột phá phát triển thì nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm phát triển các lĩnh vực kinh tế - xã hội sẽ cần phải được xác định tương ứng.

Thứ trưởng Nguyễn Đức Trung cho biết, trong giai đoạn 2021 - 2030, có nhiều ý kiến đề xuất tập trung vào phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo bứt phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Phát triển nền giáo dục - đào tạo làm cơ sở xây dựng, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Phát triển nền kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh; thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững. Phát triển kết cấu hạ tầng, kinh tế vùng, kinh tế biển, lấy các đô thị làm động lực phát triển vùng và đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới…

Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Trung, đây là những nhiệm vụ, giải pháp cần phải tiếp tục nghiên cứu, luận giải và làm rõ, cụ thể thêm trong quá trình xây dựng Chiến lược.   

Chuyên đề