Tiếp tục “oanh tạc” vào tư duy ban phát

(BĐT) - Điều kiện hay giấy phép đương nhiên là công cụ quản lý mà bất cứ một nhà nước nào cũng sử dụng để bảo vệ lợi ích chung của xã hội, duy trì và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhất là đối với những ngành thiết yếu mà nhà nước phải đảm nhận. Tuy vậy, không phải lúc nào các công cụ quản lý ấy cũng được sử dụng hợp lý.
Còn rất nhiều việc cần làm để môi trường kinh doanh thực sự trở nên thông thoáng, minh bạch
Còn rất nhiều việc cần làm để môi trường kinh doanh thực sự trở nên thông thoáng, minh bạch

Hoài niệm

Trung tuần tháng 3/2018, đang trong dịp quốc tang nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, ngoài sự tiếc nuối một lãnh đạo kỹ trị, tư duy tiến bộ…, còn là niềm hoài niệm về một thời cải cách kinh tế mà Luật Doanh nghiệp 1999 và việc cắt giảm không chần chừ các giấy phép kinh doanh trở thành dấu ấn đặc sắc.

Theo lời những người gần gũi với cố Thủ tướng Phan Văn Khải và Ban soạn thảo Luật Doanh nghiệp thời đó, giấy phép kinh doanh thực sự là một trở lực đối với quyền tự do kinh doanh được Hiến định của công dân và doanh nghiệp. Tư duy doanh nghiệp và người dân chỉ được làm những gì Nhà nước cho phép vẫn đang ngự trị như một thành trì bất khả xâm phạm. Bởi vậy, như ông Trần Đức Nguyên, trợ lý và sau này là Trưởng Ban nghiên cứu của Thủ tướng Phan Văn Khải, thì việc chuyển đổi sang tư duy “người dân và doanh nghiệp được làm những gì pháp luật không cấm” là một chặng đường gian nan.

Tuy vậy, thời đó, theo thống kê cũng chỉ có khoảng 300 giấy phép kinh doanh các loại. Nhưng, các loại giấy phép ấy lại đa sắc, đa diện. Có thứ giấy phép được gọi là giấy phép kinh doanh, có loại được gọi là giấy chứng nhận, có loại được gọi là giấy phép hành nghề. Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) còn phải thốt lên: “Thậm chí còn có cả giấy phép đối với các “nghề” rất bình thường như nhặt sắt vụn, ve chai, bán báo lẻ… Thật khó có thể tìm được mục đích quản lý rõ ràng của các loại giấy phép ấy”.

Nhưng, cũng chính từ “tình trạng hỗn độn” của các loại giấy phép kinh doanh ấy, Luật Doanh nghiệp 1999 và sau này là Luật Doanh nghiệp 2005 đã có những bước tiến đáng kể khi quy định cụ thể về quyền kinh doanh và ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Với những quy định cụ thể, thì kể cả vai trò của Nhà nước và thị trường cũng được xác định và phân biệt rạch ròi. Tư duy doanh nghiệp được quyền kinh doanh trong các ngành, nghề mà pháp luật không cấm hoặc không đòi hỏi phải có điều kiện thực sự có cơ sở pháp lý để bảo đảm.

Thế nhưng, thời điểm đó người ta cũng chứng kiến sự tăng lên rất nhanh chóng các loại giấy phép kinh doanh. Nếu năm 2002 chỉ có khoảng 194 giấy phép kinh doanh, thì đến năm 2004 đã có tới 298 giấy phép với những mục tiêu quản lý không rõ ràng, gây cản trở, tốn kém, lãng phí cho doanh nghiệp. Những giấy phép kinh doanh ấy thậm chí còn có thể trở thành “công cụ trục lợi cá nhân” của cán bộ, công chức thừa hành. 

Chém “đầu Phạm Nhan”

Chính phủ, đầu thế kỷ 21, luôn có những nỗ lực để cắt bỏ các loại giấy phép kinh doanh vô lý, trái luật… Nhưng có lẽ, giấy phép kinh doanh vẫn như “đầu Phạm Nhan” khi chưa gặp được thanh kiếm báu của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn.

Còn nhớ, chỉ hai tháng sau khi Luật Doanh nghiệp 1999 có hiệu lực, Thủ tướng Phan Văn Khải đã ký bãi bỏ 84 loại giấy phép không cần thiết và trái với quy định của Luật Doanh nghiệp. Điều đáng nói, việc cắt bỏ này được dựa trên cơ sở là kiến nghị của Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp chứ không phải là thông qua nội các Chính phủ.

Tổ công tác ấy, theo lời những người am hiểu, không phải là những người có chức vị cao thời đó, nhưng họ được Thủ tướng đồng ý phê duyệt và làm việc độc lập. Cũng chính vì vậy, Tổ công tác ấy luôn tích cực rà soát, phân loại và kiến nghị bãi bỏ thêm nhiều giấy phép kinh doanh khác. Nhưng đáng nói, Chính phủ cũng đã đồng tình với những kiến nghị ấy bằng những Nghị định cụ thể, cắt giảm các loại giấy phép kinh doanh không cần thiết, vi hiến, trái luật, trái nguyên tắc thị trường.

TS. Lê Đăng Doanh lúc cố Thủ tướng Phan Văn Khải vừa giã từ trần thế đã thống kê ngắn gọn: “Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã ký bãi bỏ 268 giấy phép con, giảm đáng kể các thủ tục phiền hà không cần thiết, cắt giảm chi phí về thời gian và tiền bạc đối với doanh nghiệp. Bước đột phá đó đã góp phần tạo việc làm cho người dân, nâng cao tăng trưởng của nền kinh tế”.

TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho rằng: thời điểm 2003 có thể là mốc cuối cùng của việc cắt giảm các giấy phép kinh doanh. Và rồi trong suốt 10 năm sau đó, giấy phép kinh doanh mới, các điều kiện áp đặt đối với hoạt động kinh doanh… lại trở thành xu hướng chủ đạo dưới mỹ từ “tăng cường công tác quản lý của Nhà nước”.

Chính vì vậy, giấy phép kinh doanh, điều kiện kinh doanh như cách gọi sau này lại mọc “như nấm sau mưa”. Đã có những tranh cãi không thống nhất nổi xem số lượng cụ thể điều kiện kinh doanh là bao nhiêu. Nhóm nghiên cứu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) hồi năm 2016 thì cho rằng khoảng hơn 5.000. Nhưng đích thân Chủ tịch VCCI lại bảo, có thể lên tới 7.000. Còn CIEM cũng có con số khác.

Nhưng dù có chênh nhau bao nhiêu đi nữa, thì thực tế là, cho đến nhiệm kỳ XIV của Chính phủ, điều kiện kinh doanh đã lên tới hàng nghìn. Đây thực sự là “nỗi kinh hoàng” so với vài ba trăm giấy phép kinh doanh nhiệm kỳ X. 

Chặt từng vòi bạch tuộc

Điều đáng ghi nhận là nỗ lực cải cách giấy phép kinh doanh đã được tái khởi động lại từ đầu năm 2014 khi Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư được sửa đổi và xây dựng. Những nguyên tắc cơ bản để chặt từng “vòi bạch tuộc” mang tên điều kiện kinh doanh đã được xác lập. Đó là 6 ngành nghề cấm và danh mục 267 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Đó là Điều 7 của Luật Đầu tư cụ thể hóa những tiêu chí của ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.

Tuy vậy, không phải có luật và những tiêu chí rõ ràng rồi, các điều kiện kinh doanh sẽ được chặt đứt ngay.

Mọi chuyện chỉ bắt đầu khởi động khi đích thân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo xử lý vụ “Quán cà phê Xin Chào” ở Bình Chánh, TP.HCM. Cơ quan quản lý nhà nước, mà cụ thể là Công an Bình Chánh đã “hình sự hóa” hoạt động kinh doanh của một quán cà phê. Vụ việc này lại xảy ra ngay trước thềm cuộc gặp giữa Thủ tướng và cộng đồng kinh doanh ngày 29/4/2016 tại Hội trường Thống Nhất, TP.HCM.

Tại cuộc gặp đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với các doanh nghiệp, những định hướng quan trọng đã được đưa ra như: không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp phát triển…

Kể từ đây, một “cuộc chiến” cắt giảm điều kiện kinh doanh đã hình thành.

Công luận chắc không thể quên được những giọt nước mắt của một doanh nghiệp nhập khẩu xe hơi khi nghẹn ngào nhắc tới 8 triệu USD bị kẹt ở nước ngoài chỉ vì Thông tư 20/2011 của Bộ Công Thương. Thông tư ấy thậm chí còn làm cho khoảng 180 doanh nghiệp nhập khẩu xe hơi đứng bên bờ vực phá sản. Người ta cũng không thể quên được các doanh nghiệp nhỏ kinh doanh gas từ Bắc - Trung - Nam kéo nhau đến một hội thảo ở VCCI chỉ để nói lên rằng: Nếu bắt buộc các doanh nghiệp phải có 50.000 vỏ bình và bồn chứa 300m3 thì chẳng doanh nghiệp nào kinh doanh hiệu quả…

Tuy vậy, theo thống kê của VCCI, năm 2016 mới chỉ có 107 điều kiện kinh doanh trong số hàng nghìn điều kiện kinh doanh được bãi bỏ.

Cộng đồng doanh nghiệp rõ ràng là chưa hài lòng. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lại càng không thể… Năm 2017, Thủ tướng luôn thúc giục tháo gỡ khó khăn, cắt giảm điều kiện kinh doanh mà đỉnh điểm là những phát biểu thẳng thắn tại cuộc gặp gỡ cộng đồng kinh doanh ngày 17/5/2017. Sau đó, không có bất cứ một cuộc họp Chính phủ nào mà vấn đề cắt giảm điều kiện kinh doanh không được đặt ra.

Chắc chắn, còn rất nhiều việc cần làm để môi trường kinh doanh thực sự trở nên thông thoáng, công khai, minh bạch. Còn nhiều việc cần làm để “quyền tự do kinh doanh” Hiến định được thực sự tôn trọng… Và việc mạnh mẽ cắt giảm các điều kiện kinh doanh chính là cuộc “oanh tạc” lớn nhất vào tư duy ban phát. Tư duy ấy đã kìm hãm đất nước phát triển.

Chuyên đề