Tiếp tục 'nâng lên hạ xuống' phương án tăng lương

Cuộc họp về tăng lương tối thiểu vùng chưa tìm ra tiếng nói chung, khi các đề xuất vênh nhau khá xa.
Người lao động kỳ vọng tăng lương để đảm bảo cuộc sống. Ảnh minh họa:Nguyễn Đông.
Người lao động kỳ vọng tăng lương để đảm bảo cuộc sống. Ảnh minh họa:Nguyễn Đông.

Ngày 28/7, Hội đồng tiền lương quốc gia họp lần hai tại Hà Nội để thống nhất phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2018. 

Trước cuộc họp, ông Mai Đức Chính, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, cho biết để đáp ứng mức sống tối thiểu vào năm 2018, thì lương phải tăng 13,3% so với lương tối thiểu năm 2017, tức là tăng từ 370 đến 450 nghìn đồng. Còn kéo dài lộ trình ra thì mức thấp nhất là 10%.

Theo khảo sát của Liên đoàn lao động Việt Nam tại 17 tỉnh, thành  kết quả chỉ hơn 51% người lao động có thu nhập vừa đủ trang trải cuộc sống; hơn 20% phải chi tiêu tằn tiện, kham khổ; 12% thu nhập không đủ sống và chỉ 16% người lao động có thể có tích lũy.

"Do đó nếu đề xuất về mức tăng của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam không được chấp nhận, chúng tôi sẽ sử dụng quyền dừng tham gia phiên họp này để chờ phiên tới đây", ông Chính nói.

Trong khi đó, ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, đại diện doanh nghiệp sẽ đưa ra mức đề xuất không cao hơn 5%. 

Theo ông Phòng, đây là ý kiến tổng hợp của trên 30 hiệp hội đại diện cho giới chủ sử dụng lao động. 

Ông Phòng mong muốn Hội đồng tiền lương quốc gia đưa ra mức đề xuất phù hợp để đảm bảo sức chi trả của doanh nghiệp, từ đó tạo nguồn việc làm bền vững. "Việc tăng lương tối thiểu trong bối cảnh hiện tại sẽ khiến chi phí sản xuất doanh nghiệp cao lên", ông nói.

Đại diện người lao động thì cho rằng, tất cả các chỉ số kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm đều khá hơn năm 2016. Vì thế, việc tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 không thể thấp hơn năm 2017.

Thứ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp, Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia, cho biết người lao động kỳ vọng cải thiện lợi ích tiền lương cao nhất nhưng doanh nghiệp mong muốn giảm chi phí, tăng lợi nhuận và tích lũy phục vụ sản xuất, tạo giá trị thặng dư.

"Chính vì sự khác biệt này, các phương án đưa ra chênh nhau là bình thường và cần thương lượng để tìm điểm cân bằng. Tất nhiên Luật Lao động khẳng định lương tối thiểu phải đáp ứng mức sống tối thiểu", thứ trưởng Diệp nói.

Ông Diệp nói thêm, việc áp dụng cơ chế quản lý hành chính vào thương lượng là không phù hợp mà phải dựa vào nguyên tắc đồng thuận.

Trong quy chế của Hội đồng tiền lương quốc gia, nếu các bên không tìm được điểm chung thì các thành viên bắt buộc phải tham gia bỏ phiếu, dù là phiếu trắng và phải chịu trách nhiệm với tập thể mà mình đại diện.

Trong phiên họp thứ nhất diễn ra ngày 27/6, đại điện người lao động đề xuất tăng lương khoảng 13%. Còn đại điện người sử dụng lao động đề xuất tăng không quá 5%. Đến giữa phiên họp lần hai, mỗi bên đều đã có sự điều chỉnh về mức tăng lương tối thiểu, đại điện người lao động đã giảm phương án tăng lương tối thiểu vùng xuống 10%, và đại điện người sử dụng lao động cũng tăng mức đề xuất lên 7% nhưng vẫn chưa thống nhất được phương án.

Chuyên đề