Tiếp tục củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát

(BĐT) - Điều hành đồng bộ các công cụ chính sách kinh tế vĩ mô, tiếp tục củng cố nền tảng kinh tế, kiểm soát lạm phát, tạo thêm dư địa chính sách, tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế trước những biến động khó lường của tình hình thế giới, thúc đẩy tăng trưởng nhanh hơn, toàn diện hơn và bền vững hơn.
Chính phủ yêu cầu từng bộ, ngành, địa phương kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho phát triển sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Lê Tiên
Chính phủ yêu cầu từng bộ, ngành, địa phương kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho phát triển sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Lê Tiên

Đây là nhiệm vụ Chính phủ giao các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2019.

Nghị quyết nêu rõ, trong thời gian tới, Chính phủ yêu cầu từng thành viên Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tích cực, trách nhiệm, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại các Nghị quyết số 01/NQ-CP, số 02/NQ-CP ngày 1/1/2019 của Chính phủ và chương trình, kế hoạch hành động của bộ, ngành, địa phương mình với quyết tâm, nỗ lực cao nhất, phấn đấu hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra ngay từ quý đầu, tạo đà vững chắc để hoàn thành thắng lợi toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2019; từng cán bộ, công chức, viên chức cần đề cao trách nhiệm cá nhân, không ngừng đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc.

Từng bộ, ngành, địa phương kịp thời tháo gỡ khó khăn, tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho phát triển sản xuất, kinh doanh; chủ động ứng phó trước tác động bất lợi từ bên ngoài, biến nguy cơ, thách thức thành cơ hội; huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực; tập trung thực hiện các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng của từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương. Rà soát, cập nhật kịch bản tăng trưởng năm 2019 của bộ, ngành mình theo từng quý, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ đưa ra thảo luận tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2019.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, thận trọng, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác đảm bảo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, duy trì thanh khoản hợp lý; tiếp tục củng cố dự trữ ngoại hối nhà nước. Mở rộng tín dụng gắn với kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng. Quan tâm phát triển các sản phẩm tín dụng phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng và tài chính vi mô, đáp ứng kịp thời nhu cầu chính đáng của người dân, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và hạn chế tín dụng đen.

Bộ Tài chính tiếp tục điều hành chính sách tài khóa chặt chẽ; triển khai quyết liệt công tác thu ngân sách và các giải pháp chống thất thu ngân sách nhà nước, phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2019. Tập trung thực hiện các giải pháp phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của thị trường chứng khoán, dịch vụ tài chính, hỗ trợ doanh nghiệp huy động trực tiếp nguồn vốn với chi phí thấp.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tăng cường phối hợp kiểm tra, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Giao Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trực tiếp theo dõi và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về công tác phân bổ, giao kế hoạch vốn đầu tư công, tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công của bộ, cơ quan, địa phương mình quản lý.

Các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan tập trung triển khai các công việc, nhiệm vụ cần thiết theo kế hoạch hoạt động của Tiểu ban kinh tế - xã hội; làm tốt nhiệm vụ tổng kết, đánh giá việc thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và nghiên cứu chuẩn bị xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 và kế hoạch 5 năm 2021 - 2025.

Bộ Công Thương tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án công nghiệp quy mô lớn; tập trung xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý các vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ các dự án năng lượng, nhất là Dự án lọc hóa dầu Bình Sơn, Long Sơn, Nghi Sơn, Dự án nguồn điện Thái Bình 2, Vân Phong. Có giải pháp giảm dần tỷ lệ gia công, lắp ráp, tăng tỷ lệ sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia các chương trình đổi mới công nghệ; tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện hiệu quả Hiệp định thương mại tự do CPTPP.

Chuyên đề