Thực hiện dân chủ cơ sở: Dân tham gia thì mới thành công

Đối với người dân phải gặp gỡ thường xuyên, đặc biệt khi có vấn đề phức tạp. Không ngồi với dân thì không thể giải quyết được.
Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP
Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về thực hiện quy chế dân chủ cơ sở nhấn mạnh điều này trong hội nghị về thực hiện quy chế dân chủ cơ sở tại 7 tỉnh trung du, miền núi phía bắc, chiều 26/10.

Hội nghị có sự tham dự của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; lãnh đạo các tỉnh, các bộ, ngành nhằm đánh giá kết quả kiểm tra và trao đổi về kinh nghiệm xây dựng, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.

Vai trò quan trọng của người dân

Trước đó, Ban Chỉ đạo Trung ương về thực hiện quy chế dân chủ cơ sở đã kiểm tra thực tế và yêu cầu các tỉnh trung du, miền núi phía bắc tự kiểm tra.

Kết quả cho thấy thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở được gắn liền với các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế-xã hội, cải cách hành chính, xây dựng nông thôn mới.

Công tác phối hợp giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở được duy trì thường xuyên. Tâm tư, nguyện vọng, ý kiến của người dân được nắm bắt kịp thời để đề xuất với cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng giải quyết kịp thời.

Qua kiểm tra và tự kiểm tra việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở hằng năm đã phát hiện nhiều mô hình, điển hình tốt để nhân rộng; chỉ ra những đơn vị, cơ sở còn yếu kém.

Tại các xã, phường, thị trấn, việc thực hiện dân chủ cơ sở được gắn liền với phong trào xây dựng đời sống văn hoá, nông thôn mới, triển khai các chính sách an sinh xã hội. Nhân dân trực tiếp bàn, tham gia ý kiến đối với những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền lợi, cuộc sống hằng ngày.

Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang Chẩu Văn Lâm cho rằng, vai trò của người dân rất quan trọng trong thực hiện dân chủ cơ sở.

“Có người dân tham gia thì việc khó đến mấy cũng làm được. Muốn người dân ủng hộ phải công khai, minh bạch mọi chủ trương, cơ chế, chính sách, trực tiếp đối thoại, giải quyết ngay”, ông Lâm chia sẻ.

Dân chủ gắn với kỷ cương, kỷ luật

Hội nghị cũng cho rằng các cấp chính quyền cơ sở đã đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng “một cửa”, “một cửa liên thông”, tăng cường giáo dục, chấn chỉnh thái độ, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, viên chức phục vụ người dân. Công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được chú trọng, hạn chế tình trạng đơn thư vượt cấp, phát sinh điểm nóng.

“Quan trọng nhất là vai trò của người đứng đầu. Nơi nào lãnh đạo tạo điều kiện thì nơi đó việc thực hiện dân chủ cơ sở thuận lợi và hiệu quả thiết thực. Tỉnh ủy Bắc Kạn đã ban hành quy chế về trách nhiệm của người đứng đầu đối trong đối thoại, giải quyết đơn thư của người dân. Trong đó có quy định nếu không đạt yêu cầu sẽ phải luân chuyển”, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Bắc Kạn Nguyễn Hoàng Hiệp bày tỏ.

Tại các doanh nghiệp, qua hội nghị người lao động, những cuộc đối thoại định kỳ và đột xuất, chủ doanh nghiệp đã giải quyết cơ bản những kiến nghị chính đáng, vướng mắc nhằm bảo đảm quyền lợi của người lao động.

Ảnh: VGP

Một trong những kinh nghiệm được chia sẻ tại hội nghị là dân chủ phải luôn gắn với tăng cường kỷ cương, kỷ luật. Cơ chế giám sát, kiểm tra, đối thoại trực tiếp, công khai, minh bạch đi đôi với chế tài xử lý cụ thể. Xử lý nghiêm minh và kịp thời những vụ việc tiêu cực, biểu hiện mất dân chủ, vi phạm quyền làm chủ của nhân dân.

Tuy nhiên, bà Trần Thị Bích Thủy, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo lưu ý vẫn còn hình thức, chiếu lệ trong thực hiện quy chế dân chủ cơ sở ở cả 3 địa bàn là xã, phường, thị trấn; cơ quan hành chính, sự nghiệp; doanh nghiệp.

Công tác chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền chưa thật sâu sát, giao khoán, thiếu kiếm tra, đôn đốc. Một số nơi chậm đổi mới phương hướng hoạt động, có biểu hiện hành chính hoá.

“Chúng ta đang thiếu chế tài xử phạt, phê bình, kỷ luật đối với những cá nhân, cơ quan, đơn vị chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa tốt quy chế dân chủ cơ sở”, bà Thủy nói.

Nói về những khó khăn trong thực hiện dân chủ cơ sở, bà Nguyễn Thị Oanh, Trưởng Ban Dân vận tỉnh Hoà Bình nêu thực tế văn bản chỉ đạo, hướng dẫn rất nhiều, nên cần khung hướng dẫn thống nhất để thuận lợi triển khai.

Bên cạnh đó, từ thực tế hơn 70% khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực đất đai, Trưởng Ban Dân vận tỉnh Bắc Giang Nguyễn Thị Kim Dung đề xuất xây dựng quy chế dân chủ riêng đối với những lĩnh vực đặc thù như bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư.

‘Chấm điểm’ thực hiện dân chủ cơ sở

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh tinh thần của Chính phủ là làm sao phát huy quyền làm chủ nhân dân, tạo môi trường thật tốt để phát triển kinh tế xã hội vì người dân.

“Chính quyền các cấp, các đồng chí lãnh đạo phải thể hiện vai trò, trách nhiệm trong công tác thực hiện dân chủ cơ sở. Đây phải được coi là nhiệm vụ chính để bảo đảm phát huy quyền làm chủ nhân dân. Việc thực hiện dân chủ cơ sở không chỉ trong quá trình hoạt động của các cơ quan hành chính mà văn bản, chính sách ban hành cũng phải vì mục tiêu này. Đồng thời tăng cường phối hợp với các đoàn thể, tổ chức chính trị-xã hội”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng đồng tình với nhiều ý kiến đề nghị đẩy mạnh cải cách hành chính hơn nữa, đặc biệt là công khai minh bạch. Đi đôi với đó là chú trọng đối thoại “không chỉ giải quyết vụ việc mà còn nhằm giúp người dân hiểu thêm về chính sách, củng cố niềm  tin của người dân. Cơ quan Nhà nước tiếp thu thêm nhiều ý kiến đóng góp đa chiều”.

Đối với việc đánh giá thực hiện quy chế dân chủ cơ sở thì cần lượng hoá, “chấm điểm” được từng việc “càng cụ thể, càng tốt”. Tăng cường thông tin, tuyên truyền trong hệ thống và sự vào cuộc của các phương tiện thông tin đại chúng để “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.

Đánh giá cao những ý kiến thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm từ địa phương, Trưởng Ban Chỉ đạo Trương Thị Mai nhận xét việc tổ chức kiểm tra, khảo sát thực hiện dân chủ cơ sở ở từng tỉnh, từng cụm đã tạo sự chuyển biến tích cực.

Theo đồng chí Trương Thị Mai, để có những bước tiến tích cực trong thực hiện quy chế dân chủ cần nâng cao nhận thức ở cả hai góc độ là hệ thống chính, chính quyền và người dân.

Gần như tất cả các ý kiến cho thấy nếu đẩy mạnh quá trình công khai minh bạch, tăng cường giám sát của người dân trong thực hiện chủ trương, chính sách thì cơ hội đồng thuận, thực thi sẽ tăng lên nhiều.

Đồng chí Trương Thị Mai cho biết, Nghị quyết Trung ương 6 (khoá XII) đề cập đến phát triển tự quản của cộng đồng dân cư cần phát huy mạnh mẽ các cơ chế như ban thanh tra nhân dân, tổ hoà giải. Đây là cơ sở để các tỉnh triển khai mạnh mẽ hơn nữa các mô hình, điển hình dân chủ cơ sở.

“Quy chế dân chủ cơ sở phải làm thực chất thì người dân mới tin. Đây là quá trình lắng nghe và giải quyết công việc của người dân. Các địa phương cần chủ động ‘thiết kế’ các tiêu chí phù hợp với đặc thù của từng vùng. Có cơ chế phối hợp nhịp nhàng giữa thực hiện dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện”, Trưởng Ban Dân vận Trung ương nhấn mạnh.

Chuyên đề