Thúc giải ngân vốn để nền kinh tế phục hồi nhanh

(BĐT) - Đẩy mạnh đầu tư công là một trong năm mũi đột phá quan trọng để đạt được mức tăng trưởng cần thiết, hỗ trợ phục hồi nền kinh tế sau dịch Covid-19. Tuy nhiên còn một lượng vốn lớn chưa giải ngân, chờ đợi những giải pháp mạnh để sớm “bơm được dòng máu này” vào nền kinh tế.
Giải ngân vốn đầu tư công đến hết ngày 30/4/2020 ước đạt 89,3 nghìn tỷ đồng, cao hơn cùng kỳ năm 2019, đây là nỗ lực lớn của các đơn vị, trong đó có Bộ KH&ĐT. Ảnh: Tường Lâm
Giải ngân vốn đầu tư công đến hết ngày 30/4/2020 ước đạt 89,3 nghìn tỷ đồng, cao hơn cùng kỳ năm 2019, đây là nỗ lực lớn của các đơn vị, trong đó có Bộ KH&ĐT. Ảnh: Tường Lâm

Chuyển biến tích cực nhưng còn nhiều thách thức

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), giải ngân vốn đầu tư công đến hết ngày 30/4/2020 chuyển biến tích cực, ước đạt 89,3 nghìn tỷ đồng, bằng 18,98% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ năm 2019. Nhiều ý kiến đánh giá việc giải ngân vốn đầu tư công là một nhiệm vụ rất khó, liên quan đến nhiều luật và các bộ ngành, lại trong bối cảnh chịu nhiều tác động từ dịch bệnh, nhưng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đến nay đã đạt cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái là nỗ lực và quyết tâm rất lớn của các đơn vị, trong đó có Bộ KH&ĐT.

Dù vậy, theo Ủy ban Kinh tế (UBKT) của Quốc hội, với tiến độ như hiện nay, để hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 sẽ là thách thức rất lớn. Trong đó, UBKT chỉ ra vốn giải ngân thực hiện một số công trình, dự án trọng điểm quốc gia vẫn còn chậm. Đến hết tháng 4/2020, Dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giải ngân được 1.389 tỷ đồng/8.970 tỷ đồng, đạt 15,5%; Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giải ngân 1.176,5 tỷ đồng, đạt 10,24% dự toán được giao.

Ủy ban Tài chính - Ngân sách (UBTCNS) của Quốc hội thì cho biết, vẫn còn nhiều bộ, cơ quan trung ương và địa phương giải ngân vốn đầu tư phát triển rất chậm. Ủy ban này dẫn báo cáo ngày 24/4/2020 của Bộ Tài chính về tình hình thanh toán vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) ước thực hiện 4 tháng đầu năm 2020: 32 bộ, ngành trung ương và 5 địa phương có số giải ngân đạt dưới 10%; trong đó, có 13 bộ, ngành gần như chưa giải ngân được kế hoạch vốn (tỷ lệ giải ngân đạt dưới 1%).

Chia sẻ khó khăn từ thực tế, Hiệp hội Tư vấn xây dựng Việt Nam cho biết, tại các dự án xây dựng hạ tầng giao thông lớn do các đơn vị hội viên Hiệp hội thực hiện trên cả nước do hạn chế giao thông và giãn cách xã hội nên gặp nhiều khó khăn trong việc huy động nhân lực, thiết bị vật tư cho khảo sát, thí nghiệm, kiểm định hiện trường…, ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ của một số dự án. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh, công việc nghiệm thu, thanh toán, thẩm tra, thẩm định, phê duyệt của chủ đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước không được giải quyết kịp thời nên ảnh hưởng lớn đến nguồn tài chính của doanh nghiệp. 

Chờ đợi bơm mạnh “dòng máu” cho nền kinh tế

Theo TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, mấy trăm nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công hiện chưa giải ngân được, nếu bơm được “dòng máu” này vào nền kinh tế sẽ hỗ trợ rất nhiều cho xã hội, doanh nghiệp (DN) và toàn bộ nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất.

Từ tiếng nói của DN, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đánh giá, hiện nay đầu tư công là cứu cánh của các DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Hiệp hội DN Cơ khí Việt Nam cũng cho rằng việc thực hiện dự án đầu tư công sẽ giúp bảo vệ thị trường, tạo nhiều việc làm cho DN trong nước. Có việc làm, DN nói riêng và nền kinh tế sẽ phục hội và tăng trưởng nhanh.

Tuy nhiên, làm thế nào để giải ngân được nguồn vốn còn rất lớn là vấn đề đang đặt ra.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam khuyến nghị cần thực hiện rà soát các chồng chéo về pháp luật, chính sách, thủ tục hành chính để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân đầu tư công, triển khai nhanh các dự án đầu tư xây dựng mới. Hiệp hội Tư vấn xây dựng Việt Nam đề nghị giảm các thủ tục để giải quyết nhanh, thanh toán kịp thời cho các DN tại các dự án đầu tư công. Việc thanh toán kịp thời là giải pháp rất hữu hiệu để các DN có điều kiện thúc đẩy tiến độ thực hiện dự án, góp phần tái khởi động nền kinh tế.

Ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm UBKT, phản ánh ý kiến tại cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc chậm giải ngân vốn đầu tư công. UBKT cũng đề nghị cần tập trung xử lý các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai, thủ tục hành chính; triển khai nhanh các dự án, công trình trọng điểm quốc gia có tác động lan tỏa lớn. UBTCNS đề nghị Chính phủ thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đi đôi với nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn...

Chủ  nhiệm UBTCNS Nguyễn Đức Hải cho biết thêm, có ý kiến trong Ủy ban cho rằng, do khả năng giải ngân nguồn vốn đầu tư phát triển năm 2020 là khó khăn nên đề nghị Chính phủ chú trọng chất lượng, hiệu quả sử dụng nguồn vốn này hơn là tốc độ giải ngân. Ý kiến khác cho rằng, trong điều kiện hụt thu NSNN năm 2020 là khó tránh khỏi, đề nghị Chính phủ rà soát lại dự toán đã giao để cân đối đủ nguồn và bố trí vốn phù hợp cho các dự án để bảo đảm tính khả thi.

Nhìn lại có thể thấy, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã rất chú trọng chỉ đạo thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công ngay từ những tháng đầu năm. Chỉ thị 11/CT-TTg ngày 4/3/2020 đã đề ra nhiều giải pháp đột phá. Tinh thần được lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh là “phải xông vào trận, nếu có vướng mắc thì báo cáo kịp thời, bám ngày, bám đêm để triển khai giải ngân cho được”.

Chính phủ cũng sẽ ban hành thêm Nghị quyết về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch covid-19. Trong đó, theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương, nội dung rất quan trọng của Dự thảo Nghị quyết mới này là nhiều giải pháp, cơ chế chính sách mạnh để thúc đẩy giải ngân đầu tư công.

Chuyên đề