Thủ tướng: Yêu cầu tìm giá trị gia tăng mới thông qua công nghiệp chế biến

(BĐT) - “1kg cà phê có giá 2 USD nhưng một ly cà phê chế biến là 2 USD”, theo đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh yêu cầu đối với ngành Công Thương trong việc tìm giá trị gia tăng mới cho các sản phẩm Việt Nam thông qua công nghiệp chế biến.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP

Đây là định hướng và yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018 ngành Công Thương do Bộ Công Thương diễn ra ngày 15/1, tại Hà Nội. Hội nghị ngành có sự tham gia của hàng trăm đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương những thành tích Bộ Công Thương đã nỗ lực hoàn thành toàn diện, xuất sắc nhiệm vụ năm 2017.

Đối với việc thực hiện nhiệm vụ kế hoạch 2018 của Ngành, Thủ tướng yêu cầu, ngành Công Thương phải chú trọng thúc đẩy sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu và thương mại nội địa phải có chiều sâu hơn nữa. Thúc đẩy tái cơ cấu công nghiệp với việc ưu tiên thu hút đầu tư dự án công nghệ cao, sản phẩm cạnh tranh, thân thiện môi trường. Thúc đẩy sản xuất theo hướng xuất khẩu và đồng thời giữ vững thị trường trong nước, đặc biệt là các kênh phân phối hàng hóa. Yêu cầu tập trung phát triển thị trường trong nước, Thủ tướng lưu ý “đừng để thua trên sân nhà”, nâng cao uy tín hàng Việt Nam để chiếm thị trường.

Đặc biệt, ngành Công Thương phải có biện pháp tìm ra giá trị gia tăng mới thông qua công nghiệp chế biến ở Việt Nam. “1kg cà phê có giá 2 USD nhưng một ly cà phê chế biến là 2 USD”, Thủ tướng nêu và đặt câu hỏi làm sao lực lượng sản xuất mới của công nghiệp, thương mại không chỉ ở tập đoàn, tổng công ty nhà nước mà chủ yếu phải là tư nhân, hợp tác xã. Đồng thời, làm sao các tỉnh đều thặng dư ngân sách nếu đi từ thế mạnh công thương, công nghệ thông tin, nông nghiệp chất lượng cao và du lịch…. Thủ tướng cho rằng, hiện tiềm lực trong dân, nếu chúng ta không biết tận dụng sẽ không bắt kịp được sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế thế giới.

Trước bối cảnh đó, Thủ tướng nhấn mạnh, ngành Công Thương cần hành động để hiện thực hóa những yêu cầu trên. Bộ Công Thương chỉ đạo điều hành thực hiện cao hơn các chỉ tiêu được giao năm 2018 được ghi trong Nghị quyết 01 của Chính phủ. Thủ tướng chỉ rõ, sẽ quy trách nhiệm cá nhân cho các tư lệnh là bộ trưởng, các tư lệnh là chủ tịch, tổng giám đốc các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp…

Thủ tướng gợi ý, “Chính phủ đã đưa ra phương châm “10 chữ” cho năm 2018 (Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả). Vậy phương châm hành động của ngành Công Thương là gì để có thể thúc đẩy vấn đề này? Phải chăng đó là đổi mới, đổi mới hơn nữa; quyết liệt, quyết liệt hơn nữa; sáng tạo, sáng tạo hơn nữa; hiệu quả, hiệu quả hơn nữa”. Với phương châm gợi ý, Thủ tướng yêu cầu đổi mới tư duy, xác định tầm nhìn dài hạn.

Thủ tướng cũng yêu cầu phải coi doanh nghiệp là trung tâm đổi mới sáng tạo, là trọng tâm của sự phát triển ngành Công Thương, phải bám vào tăng năng suất, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương phải cụ thể hóa về thể chế, chính sách. Tiếp tục triển khai mạnh mẽ kế hoạch tái cơ cấu ngành công nghiệp. Chính sách phải có tầm nhìn dài hạn, nhất quán, tránh tình trạng "đẽo cày giữa đường", “ăn xổi ở thì”, tránh tạo ra thói làm ăn chụp giật, phải tạo môi trường đầu tư ổn định, bền vững, thống nhất. Thủ tướng đề nghị ngành Công Thương cần nhìn tấm gương đi trước của các nước công nghiệp phát triển để rút ra những bài học chiến lược của Việt Nam giai đoạn tới. Cùng với đó, ngành phải đẩy mạnh sản xuất kinh doanh đảm bảo cung cầu phát triển đất nước; tập trung nâng cao tâm thế hàng Việt Nam trên thị trường; phải đẩy mạnh đấu tranh, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái để bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ sản xuất trong nước, “đừng để giả dối chiến thắng chân chính”…

Chuyên đề