Thủ tướng giao nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội 2017

Phấn đấu giảm lãi suất, góp phần giảm chi phí đầu vào, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm...
Chỉ thị nêu rõ, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) năm 2017 khoảng 6,8%, thực hiện mạnh mẽ tái cơ cấu kinh tế.
Chỉ thị nêu rõ, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) năm 2017 khoảng 6,8%, thực hiện mạnh mẽ tái cơ cấu kinh tế.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có chỉ thị yêu cầu các bộ ngành, địa phương, các tập đoàn kinh tế… tập trung chỉ đạo xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017. 

Điều hành tiền tệ linh hoạt 

Về định hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thực hiện các biện pháp bảo đảm ổn định các cân đối vĩ mô và kiểm soát lạm phát. Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, chặt chẽ, phối hợp nhịp nhàng với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác. 

Điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát và thị trường tiền tệ, phấn đấu giảm lãi suất, góp phần giảm chi phí đầu vào, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm. 

Xây dựng và tổ chức thực hiện đề án chống đô la hóa trong nền kinh tế, hạn chế tín dụng ngoại tệ đi đôi với xây dựng thị trường mua bán ngoại tệ phù hợp; tiếp tục ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng vàng hóa trong nền kinh tế. 

Thực hiện chính sách tài khoá chủ động, chặt chẽ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách; kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách nhà nước. Cơ cấu lại ngân sách nhà nước theo hướng hiệu quả, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, an toàn nợ công. Huy động, thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế. 

Phấn đấu GDP khoảng 6,8% 

Chỉ thị nêu rõ, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) năm 2017 khoảng 6,8%. Các địa phương căn cứ số liệu tăng trưởng kinh tế (GRDP) 6 tháng đầu năm 2016 của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Bộ Tổng cục Thống kê công bố, đồng thời căn cứ vào điều kiện thực tế ở địa phương ước thực hiện cả năm và dự báo triển vọng phát triển để xác định chỉ tiêu GRDP năm 2017 cho phù hợp. 

Đồng thời tập trung thực hiện quyết liệt đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013 - 2020, trong đó tập trung vào 3 trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công; tái cơ cấu hệ thống tài chính - ngân hàng, trọng tâm là các tổ chức tín dụng; tái cơ cấu doanh nghiệp, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. 

Thực hiện tái cơ cấu mạnh mẽ và hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp theo hướng tổ chức lại sản xuất, tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp, tạo ra các vùng sản xuất lớn, các chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ nông sản, thực phẩm...

Bên cạnh đó đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020. Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đồng bộ, hiện đại trên cơ sở tuân thủ đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường và cam kết hội nhập quốc tế sâu rộng. 

Đổi mới công tác quy hoạch, kế hoạch và điều hành phát triển kinh tế theo cơ chế thị trường. Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao cùng với phát triển ứng dụng khoa học công nghệ, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập. 

Huy động nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng; ưu tiên đầu tư cho các công trình giao thông và hạ tầng đô thị lớn, các công trình có tính kết nối, lan tỏa phát triển giữa các ngành, lĩnh vực, vùng miền; phát triển hệ thống thủy lợi, các công trình ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai, xử lý chất thải, bảo vệ môi trường,...Đầu tư phát triển cơ sở vật chất các ngành giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa, du lịch, thông tin và truyền thông,... và các phúc lợi xã hội khác. 

Tăng xuất khẩu bền vững 

Thủ tướng yêu cầu tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường mới, bảo đảm tăng trưởng xuất khẩu bền vững. Tập trung triển khai thực hiện hiệu quả các cam kết hội nhập quốc tế, nhất là trong khuôn khổ Cộng đồng ASEAN, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các hiệp định thương mại tự do đã ký kết. Rà soát, hoàn thiện pháp luật phù hợp với thông lệ quốc tế và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. 

Tiếp tục đẩy mạnh vận động các nước công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam trước ngày 31 /12/2018; chủ động, tích cực vận dụng Cơ chế giải quyết tranh chấp của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các hiệp định thương mại tự do (FTA) để bảo vệ lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp trong nước. 

Chú trọng nâng cao năng lực hội nhập quốc tế, trong đó tập trung phổ biến thông tin, nâng cao nhận thức về hội nhập quốc tế trong hệ thống chính trị, các ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội. 

Khuyến khích mạnh mẽ mọi tổ chức, cá nhân nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, sáng kiến nâng cao năng suất lao động trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển. Đào tạo, phát triển đội ngũ nhân lực khoa học công nghệ trình độ cao trong nước, kết hợp với thu hút, trọng dụng cán bộ thực tài trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài. 

Thu từ xuất nhập khẩu tăng 5 - 7% 

Về nhiệm vụ xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2017, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, đối với dự toán thu ngân sách nhà nước, phấn đấu tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước trên GDP năm 2017 khoảng 20 - 21%. Dự toán thu nội địa (không kể thu từ dầu thô, thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết) tăng bình quân tối thiểu 13 - 15% so với đánh giá ước thực hiện năm 2016 (loại trừ các yếu tố tăng, giảm thu do thay đổi chính sách). 

Dự toán thu từ hoạt động xuất nhập khẩu tăng bình quân tối thiểu 5 - 7% so với đánh giá ước thực hiện năm 2016. Mức tăng thu cụ thể tuỳ theo điều kiện, đặc điểm và phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn của từng địa phương. 

Đối với dự toán chi ngân sách nhà nước, thực hiện triệt để tiết kiệm, chống lãng phí ngay từ khâu xác định nhiệm vụ, chủ động sắp xếp thứ tự các nhiệm vụ chi ưu tiên theo mức độ quan trọng, cấp thiết và khả năng triển khai trong năm 2017. Chỉ trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách mới khi cân đối được nguồn; chủ động dự kiến đầy đủ nhu cầu kinh phí thực hiện các chính sách, chế độ, nhiệm vụ mới đã được cấp có thẩm quyền quyết định. 

Xây dựng dự toán chi thường xuyên theo từng lĩnh vực, bảo đảm đúng chính sách, chế độ, trong phạm vi dự toán chi ngân sách nhà nước theo định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2017. 

Các bộ, ngành trung ương và địa phương tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác quyết toán; kiểm tra, xét duyệt và thẩm định quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015 theo đúng quy định; thực hiện công khai quyết toán ngân sách nhà nước năm 2014. 

Phát triển hệ thống an sinh xã hội 

Chỉ thị nêu rõ, phát triển hệ thống an sinh xã hội. Triển khai hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững. Thực hiện các chính sách giải quyết việc làm gắn với phát triển thị trường lao động, ổn định và phát triển thị trường xuất khẩu lao động; tăng cường công tác quản lý xuất khẩu lao động. Quản lý chặt chẽ lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Thực hiện đầy đủ các chính sách trợ giúp xã hội, ưu đãi người có công. 

Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân, đẩy mạnh cải cách nhằm xây dựng một nền hành chính hiện đại. 

Chuyên đề