Thủ tướng: Đắk Nông phải có khát vọng giảm trợ cấp ngân sách

Cho rằng Đắk Nông vẫn là tỉnh nghèo, thuộc tốp cuối của cả nước, Thủ tướng bày tỏ, “mình phải tự thấy mình đang ở vị trí nào để tự vươn lên. Chúng ta không tự vươn lên thì khó phát triển. Mình phải có khát vọng, có ước mơ trong việc giảm trợ cấp ngân sách xuống…”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Đắk Nông - Ảnh: VGP
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Đắk Nông - Ảnh: VGP

Chiều 9/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Đắk Nông.

Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Nguyễn Bốn cho biết, với xuất phát điểm thấp, tỉ lệ nghèo đói của tỉnh còn cao, đồng thời chịu áp lực bởi dân di cư tự do tăng mạnh, hiện là trên 675.500 người, gần gấp đôi so với lúc thành lập tỉnh năm 2004, tạo sức ép lên cơ sở hạ tầng, gây khó khăn cho công tác bảo vệ rừng.

Kết cấu hạ tầng của tỉnh còn rất hạn chế, chưa thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, nhất là phục vụ phát triển công nghiệp trọng điểm Alumin - Nhôm quốc gia.

Hiện nay, Đắk Nông có duy nhất một phương thức vận tải là đường bộ, còn lại đường sắt, hàng không chưa được xây dựng. Trong khi đó, đường sông do gặp khó khăn về địa hình nên khai thác chưa đáng kể. Tại cuộc làm việc, tỉnh rất mong muốn được hỗ trợ về phát triển cơ sở hạ tầng giao thông vận tải.

Tỉnh cũng báo cáo việc hệ thống hang động núi lửa Krông Nô được xác lập là hang động núi lửa dài nhất Đông Nam Á, được đánh giá cao có giá trị độc đáo về khoa học, du lịch, mang tầm cỡ khu vực và quốc tế. Hiện nay, tỉnh đang tập trung nghiên cứu và lập hồ sơ Công viên địa chất Krông Nô để trình Trung ương công nhận Công viên địa chất quốc gia. Tỉnh kiến nghị Thủ tướng đồng ý chủ trương, bổ sung quy hoạch Công viên địa chất này vào Quy hoạch danh mục các khu du lịch trọng điểm quốc gia.

Ảnh: VGP

Về việc quản lý di dân tự do, Thủ tướng cho biết, sẽ tổ chức một hội nghị cùng các bộ, ngành và các tỉnh làm rõ vấn đề này để có biện pháp hiệu quả.

Về hệ thống hang động núi lửa Krông Nô, Thủ tướng ủng hộ với kiến nghị của tỉnh, giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch góp ý, làm hồ sơ theo quy định. Tỉnh phải chủ động quyết liệt để sớm trình Thủ tướng xem xét. Đây là điểm du lịch rất đáng quý.

Đánh giá về tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh, Thủ tướng nhìn nhận, Đắk Nông có nhiều lợi thế phát triển mà không phải tỉnh nào cũng có, như đất đai trù phú, khí hậu thuận lợi, ôn hòa, có thể thành nơi nghỉ dưỡng lý tưởng; giàu tài nguyên khoáng sản và đặc biệt có di sản văn hóa độc đáo của 40 dân tộc anh em như dệt thổ cẩm, văn hóa cồng chiêng, nhiều lễ hội. 

Ảnh: VGP

Sau gần 15 năm tách tỉnh, Đắk Nông đã vươn lên mạnh mẽ, có những bước tiến đáng kể, hình thành nhiều vùng cây công nghiệp có sản lượng lớn (tiêu, cà phê, cao su, cây bơ…). Tăng trưởng kinh tế trên 10%/năm. Thu ngân sách tăng nhanh, nhất là năm 2017, đạt con số 2.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, tỉnh có tăng trưởng cao nhưng chưa tương xứng tiềm năng, lợi thế của mình. Thu nhập bình quân đầu người còn thấp so với bình quân cả nước. Số lượng doanh nghiệp hoạt động còn thấp, cứ 245 người dân mới có một doanh nghiệp. Tình trạng phá rừng còn diễn biến phức tạp. Chỉ số PCI thấp.

Trên giác độ chung, Đắk Nông vẫn là tỉnh nghèo, thuộc tốp cuối của cả nước. “Mình phải tự thấy mình đang ở vị trí nào để tự vươn lên. Chúng ta không tự vươn lên thì khó phát triển. Mình phải có khát vọng, có ước mơ trong việc giảm trợ cấp ngân sách xuống bằng cách giảm nghèo tốt hơn và có thêm một số nguồn thu ở địa phương”, Thủ tướng nói.      

“Không để nông lâm trường sống không ra sống, chết không ra chết”

Thủ tướng đề nghị tỉnh quyết liệt thực hiện Nghị quyết 01 của Chính phủ với phương châm 10 chữ, không để “đầu năm thong thả, cuối năm vất vả”.

Tiếp tục chỉ đạo tái cơ cấu mạnh mẽ kinh tế ở địa phương, đặc biệt đẩy mạnh công nghiệp chế biến. Phải cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính để nâng cao chỉ số PCI, kêu gọi các nhà đầu tư vào lấp đầy các khu công nghiệp hiện có. Khắc phục tình trạng chậm, không triển khai các dự án trên địa bàn. Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, đặc biệt là một số ngành thế mạnh của tỉnh.

Ở Đắk Nông có một đặc điểm khác với tỉnh khác là có thể phát triển vững chắc cả 3 lĩnh vực: Nông nghiệp, công nghiệp chế biến, khai thác khoáng sản và du lịch với tiềm năng văn hóa, điều kiện tự nhiên, khí hậu. “Đây có phải là bài toán cho các giám đốc sở ở đây trình ra Thường vụ, Ủy ban ở đây những phương án để triển khai không?”, Thủ tướng đặt vấn đề và nhấn mạnh việc khuyến khích khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, tăng số lượng doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, tập trung công tác quản lý, bảo vệ rừng; đẩy mạnh trồng rừng, tái sinh rừng tự nhiên, nâng độ che phủ rừng; sắp xếp, đổi mới phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động các công ty nông lâm nghiệp theo đúng kế hoạch đề ra, “không để nông lâm trường sống không ra sống, chết không ra chết”.

Có những giải pháp cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí, đối thoại với người dân nhiều hơn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thị sát nhà máy Alumin Nhân Cơ - Ảnh: VGP

Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đi thị sát nhà máy Alumin Nhân Cơ và dự án điện phân nhôm Đắk Nông, là những dự án trọng điểm trên địa bàn Đắk Nông.

Nhà máy Alumin Nhân Cơ có công suất thiết kế 650.000 tấn, bắt đầu hoạt động từ tháng 7/2017, sản lượng đạt trên 500.000 tấn và chủ yếu là xuất khẩu sang một số nước… Doanh thu xuất khẩu đạt gần 4.000 tỷ đồng, nộp ngân sách địa phương 236 tỷ đồng và giải quyết việc làm cho hơn 1.000 người. Trong khi đó, hạ tầng khu công nghiệp và nhà máy luyện nhôm cũng đã cơ bản hoàn thành và dự kiến bàn giao cho nhà đầu tư trong năm 2018.

Ảnh: VGP

Dự án trọng điểm của tỉnh là nhà máy điện nhôm Đắk Nông có công suất 450.000 tấn/năm, tổng vốn đầu tư 690 triệu USD, được xây dựng tại Khu công nghiệp Nhân Cơ, đến nay hạ tầng và nhà xưởng đã hoàn thành. Dự kiến từ tháng 5/2018, các nhà thầu nước ngoài sẽ triển khai công tác chế tạo, lắp đặt thiết bị và dự kiến từ quý IV/2019 sẽ đi vào sản xuất và cho ra đời sản phẩm nhôm kim loại đầu tiên của Việt Nam.

Chuyên đề