Thủ tục hải quan, kiểm tra chuyên ngành vẫn còn bất cập

(BĐT) - Một trong những nội dung trọng tâm của Nghị quyết 19 (NQ19) qua các năm là vấn đề thủ tục hải quan, cải cách toàn diện các quy định quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hoá xuất nhập khẩu (XNK) nhằm cải thiện chỉ số thương mại qua biên giới của Việt Nam. 
Thời gian thông quan hàng hóa đã được rút ngắn, còn 70 giờ đối với hàng xuất khẩu và 90 giờ đối với hàng nhập khẩu. Ảnh: Lê Tiên
Thời gian thông quan hàng hóa đã được rút ngắn, còn 70 giờ đối với hàng xuất khẩu và 90 giờ đối với hàng nhập khẩu. Ảnh: Lê Tiên

Song, qua 4 năm thực hiện cải cách, hiện đây vẫn là vấn đề còn nhiều phức tạp, gây khó khăn cho doanh nghiệp (DN), cần tiếp tục giải quyết.

Ghi nhận chuyển biến

Tại NQ19 những năm qua đã đưa ra yêu cầu áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro, chuyển mạnh sang hậu kiểm, phù hợp thông lệ quốc tế trong hoạt động quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK. Với quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ, sự vào cuộc tích cực của các bộ ngành, địa phương và sự hợp tác chặt chẽ của các hiệp hội ngành hàng, của DN trong việc thực hiện NQ19, Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng khích lệ về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Tại Hội thảo thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ với chủ đề: “Cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động quản lý, kiểm tra đối với hàng hóa xuất nhập khẩu”, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương nhìn nhận, trong 4 năm vừa qua, nhất là năm 2017 và những tháng đầu năm 2018, đã có một số kết quả trong thực hiện cải cách lĩnh vực này.

Đầu tiên là Nghị định số 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm (NĐ15) được ban hành thay thế NĐ38 được xem như là điển hình trong chuyển đổi quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm, chuyển sang quản lý theo nguyên tắc rủi ro. Ông Cung cho biết, sau mấy tháng triển khai thực hiện NĐ15, đến nay, DN đã giảm đáng kể về chi phí, giảm khoảng 90% thủ tục liên quan đến khai báo XNK hàng hóa, nhờ đó thông quan nhanh hơn. Ở một số cảng lâu nay có nhiều hàng hóa là thực phẩm nhập về đã được giảm tải, không bị tắc nghẽn. Bên cạnh đó, một số bộ đã bỏ thủ tục khai báo formaldehyde, khai báo hóa chất, dán nhãn năng lượng…  “Trước đây, chúng ta có 35% số hàng hóa phải kiểm tra trước khi thông quan thì đến nay đã giảm xuống được gần 20%, tức là còn khoảng 15%”, ông Cung cho biết.

Ông Phạm Thanh Bình, chuyên gia Dự án Quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID GIG) cũng cho rằng, việc thực hiện NQ19 đã đạt được một số kết quả tích cực về cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động kiểm tra chuyên ngành. Nhờ đó, thời gian thông quan hàng hóa đối với hàng xuất khẩu còn 70 giờ và hàng nhập khẩu là 90 giờ; một số thủ tục hải quan bất cập đã được xử lý theo hướng thay đổi phương thức quản lý, hiện đại hoá… Hệ thống hải quan điện tử đã cơ bản hoàn thành và vận hành hiệu quả, được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận, đánh giá cao. Thủ tục xét miễn thuế đã được bãi bỏ, thủ tục xác nhận hàng hóa qua khu vực giám sát hải quan đã được điện tử hóa. 

Nhưng vẫn còn nhiều bất cập

Tại Hội thảo, ông Nguyễn Đình Cung nhận xét, việc áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro trên cơ sở đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật của DN trong quản lý kiểm tra chuyên ngành, tức là chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm là một cách làm rất hiệu quả, tạo động lực cho DN, còn Nhà nước nâng cao hiệu quả quản lý. Tuy nhiên, đến nay, nhận thức ở những cơ quan nhà nước khác nhau, những ngành khác nhau là chưa giống nhau, thậm chí còn hiểu sai.

Liên quan đến vấn đề chi phí thực hiện những thủ tục hành chính lĩnh vực XNK, ông Phạm Thanh Bình thông tin, DN phải chịu mức chi phí rất lớn. “Theo quan sát, chi phí cho dán nhãn năng lượng là vấn đề phức tạp và tốn kém nhất hiện nay”, ông Bình nói.

Bên cạnh đó, việc vận hành cơ chế hải quan một cửa quốc gia, kết nối Tổng cục Hải quan với các bộ, ngành chưa mang lại hiệu quả như kỳ vọng. Trong đó, số thủ tục thực hiện qua cơ chế một cửa quốc gia còn rất nhỏ so với tổng số các thủ tục mà DN đang phải thực hiện. Đa số các cơ quan, đơn vị đều mới áp dụng điện tử một phần, vừa thực hiện thủ tục điện tử, vừa yêu cầu phải nộp hồ sơ giấy. Với vấn đề này, các ý kiến nhấn mạnh, cần dứt khoát đẩy mạnh thực hiện Chính phủ điện tử trong thực hiện cải cách thủ tục quản lý chuyên ngành. Đặc biệt, giữa các đơn vị cần có sự phối hợp, liên kết tạo một cơ sở dữ liệu dùng chung, vừa phục vụ hiệu quả cho công tác điều hành, đồng thời công khai minh bạch hoạt động.

Bày tỏ bức xúc của DN với “rừng” thủ tục hành chính, đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) lên tiếng: “Đúng là NQ19 đã có cải cách mạnh trong thủ tục quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa XNK, tạo thuận lợi cho DN, nhưng đang có hiện tượng vừa bớt thủ tục này lại phát sinh thủ tục khác”. Dẫn chứng cho ý kiến của mình, đại diện hiệp hội này cho biết: “Nghị định 43/2017/NĐ-CP có quy định miễn ghi nhãn cho sản phẩm không có bao bì, nhưng không được miễn đối với sản phẩm nhập khẩu về để chế biến tiếp. Khi DN thủy sản nhập khẩu nguyên tàu cá thì không có bao bì, nhưng áp theo Nghị định 43/2017/NĐ-CP thì bắt buộc phải có dán nhãn. Điều này rất vô lý bởi một tàu cá có hàng chục nghìn tấn cá, với hàng triệu con cá mà phải dán nhãn thì không biết cách nào mà dán nhãn được...”.

Chuyên đề