Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh: Chắc chắn bỏ 675 điều kiện kinh doanh

(BĐT) - Cộng đồng doanh nghiệp (DN) đang nóng lòng chờ đợi những động thái mới của các bộ, ngành trong việc cắt giảm điều kiện kinh doanh (ĐKKD) bất hợp lý. Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cũng có những cam kết với vấn đề này. Liệu những tuyên bố của các bộ ngành về vấn đề này có sớm trở thành hiện thực?
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Cam kết xóa bỏ rào cản cho doanh nghiệp

Tại Tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Cắt giảm ĐKKD tại Bộ Công Thương” tổ chức ngày 22/11, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh khẳng định: “675 ĐKKD mà Bộ tuyên bố sẽ bãi bỏ, chắc chắn sẽ được bãi bỏ chứ Bộ không cố tình đưa ra con số để gây ấn tượng”.

Lý giải về việc trong số 675 ĐKKD mà Bộ Công Thương tuyên bố sẽ cắt giảm phát hiện có một số điều kiện trùng lắp, ông Khánh cho biết: “Đây chỉ là lỗi của anh em trong quá trình in ấn tài liệu”. Ông Khánh khẳng định, đợt cắt giảm ĐKKD lần này được Bộ thực hiện rất cẩn trọng, bởi các ĐKKD cắt giảm có động chạm tới 16 ngành nghề kinh doanh được quy định tại Phụ lục 4 của Luật Đầu tư 2014 thuộc lĩnh vực Bộ Công Thương quản lý, trong đó có những ngành nghề được xã hội quan tâm như xăng dầu, kinh doanh hóa chất, logistics, khí hóa lỏng…

Theo đánh giá của dư luận, trong đợt cắt giảm ĐKKD lần này, lĩnh vực xăng dầu có sự điều chỉnh khá rõ nét. Cùng với đó, việc bỏ Khoản 6 Điều 7 Nghị định 83/2014/NĐ-CP cũng được giới chuyên gia khẳng định sẽ tạo thuận lợi lớn cho doanh nghiệp (DN) ngoài nhà nước tham gia vào thị trường này. Ông Khánh cho hay, tạo điều kiện đưa thêm các DN khác tham gia vào thị trường sẽ góp phần tăng tính cạnh tranh, theo đó giá thành sản phẩm sẽ hợp lý hơn so với thời gian trước đây. 

Cũng theo Thứ trưởng Khánh, đề xuất cắt giảm 675 ĐKKD thực thi được cũng phải tuân thủ theo đúng quy trình do pháp luật quy định. Ông Khánh nói: “Đợt cắt giảm lần này có nhiều nghị định động chạm đến 16 ngành nghề kinh doanh, trong đó ít nhất là 16 nghị định mà nếu sửa thì có thể mất hàng năm”. Vì thế, ngày 15/10/2017, Bộ đã trình Chính phủ phương án cho phép dùng 1 nghị định để sửa nhiều nghị định, đồng thời đề xuất đưa vào chương trình công tác của Chính phủ ngay trong năm 2017 và đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý. “Đến nay, dự thảo nghị định này đã được gửi sang Bộ Tư pháp để thẩm định, dự kiến trình Chính phủ trong tháng 11/2017”. 

Không để rào cản “mọc lại”

Tại Tọa đàm, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) hy vọng động thái của Bộ Công Thương sẽ gây áp lực cho các bộ khác đẩy nhanh cắt giảm ĐKKD. “Khi các bộ cùng đồng hành, sẽ cắt giảm được ½ số ĐKKD bất hợp lý hiện hành. Đây là bước đột phá giúp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế”, ông Cung khẳng định. Theo ông Cung, việc cắt giảm điều kiện cũng chính là tạo cơ hội cho DN tham gia thị trường nhiều hơn, đồng thời tạo ra ngành nghề kinh doanh mới cũng như chia sẻ rủi ro trong kinh doanh. Khi chi phí gia nhập thị trường giảm, chi phí kinh doanh giảm, chắc chắn giá cả đến người tiêu dùng sẽ hợp lý hơn.

Tuy nhiên, tại Tọa đàm, các ý kiến cho rằng, cắt giảm ĐKKD và không để điều kiện này mọc lại là vấn đề không hề đơn giản, thậm chí theo ông Cung là “cực kỳ khó”. Đơn cử như trong giai đoạn năm 2000 - 2003, số lượng các ĐKKD đã được các bộ, ngành bãi bỏ khá nhiều, song sau đó gần như được khôi phục toàn bộ. Ông Cung dẫn chứng: “Ở thời điểm đó, ĐKKD của ngành giao thông vận tải bị bãi bỏ gần hết, nhưng đến nay gần như phục hồi toàn bộ, đồng thời còn mọc thêm. Tương tự một số lĩnh vực khác cũng vậy, khiến tôi suy nghĩ mãi”.

Do đó, để cắt giảm triệt để các ĐKKD bất hợp lý, Viện trưởng CIEM nhấn mạnh, phải thay đổi tư quản lý, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Đồng tình với cách nhìn vấn đề của đại diện CIEM, ông Trần Quốc Khánh cho rằng: “Đúng là phải thay đổi tư duy quản lý, thay vì đưa ra điều kiện buộc DN tuân thủ thì chúng ta đưa ra tiêu chuẩn, quy chuẩn để DN đáp ứng. Trường hợp họ không đáp ứng được, không tuân thủ thì bị xử lý”.

Trước lo ngại của DN đối với ĐKKD đã được cắt bỏ sẽ “mọc lại’, ông Khánh khẳng định, cắt giảm ĐKKD tạo thuận lợi cho DN là tư duy xuyên suốt của Bộ Công Thương thời gian qua. Hơn nữa, tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng vừa qua, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Nghị định về kiểm soát điều kiện đầu tư kinh doanh, trình Chính phủ trong tháng 12/2017. Khi Nghị định được ban hành thì các bộ, ngành, trong đó có Bộ Công Thương sẽ phải nghiêm túc thực thi. “Tôi tin rằng ĐKKD bất hợp lý sẽ khó có cơ hội mọc lại”, ông Khánh tin tưởng.

Chuyên đề