Thu hút nhân tài KHCN, còn nhiều việc phải làm

(BĐT) - “Đổi mới sáng tạo (ĐMST) là những thứ chúng ta chưa từng làm, cũng như chưa từng có. Do vậy, nếu tư duy quản lý không thay đổi, chỉ quản lý những gì chúng ta biết thì không thể có ĐMST”.
Để thu hút nhân tài nhằm hiện thực hóa cơ hội từ CMCN 4.0 cần có thể chế đồng hành thực sự cùng các nhà khoa học, chuyên gia công nghệ
Để thu hút nhân tài nhằm hiện thực hóa cơ hội từ CMCN 4.0 cần có thể chế đồng hành thực sự cùng các nhà khoa học, chuyên gia công nghệ

TS. Lê Quang Huy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội chia sẻ quan điểm trong cuộc trao đổi với Báo Đấu thầu về câu chuyện chuẩn bị nguồn lực để hiện thực hóa cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0).

Làm thế nào để có thể kiến tạo một không gian đủ sức hấp dẫn nhằm thu hút người tài nói chung và người tài Việt Nam trên toàn thế giới tận tâm phụng sự phát triển đất nước, thưa ông?

Để tập trung hiện thực hóa những ý tưởng, kinh nghiệm của nhân tài trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, chúng ta có rất nhiều việc phải làm.

Trước hết, chúng ta phải thay đổi tư duy. Không có cách nào khác, phải đổi mới, phải vượt lên những cái bình thường, thông thường thì mới thu hút được nhân tài bởi có rất nhiều nhà khoa học là người Việt rất thành công trên thế giới. Do đó, khi thu hút những nhân tài này về giúp đất nước hiện thực hóa cơ hội từ cuộc CMCN 4.0 thì phải có những tư duy đổi mới, có cách nhìn nhận khoáng đạt. Đặc biệt, theo tôi, môi trường thể chế, chính sách pháp luật phải vượt trội để chúng ta hấp dẫn, thu hút được nhân tài.

Đối với những nhà khoa học, chuyên gia công nghệ đã rất thành công trên thế giới thì câu chuyện vật chất (thù lao, tiền lương) không phải là điều quá quan trọng, tiên quyết. Điều quan trọng có lẽ là môi trường làm việc, là cơ hội đóng góp, và đặc biệt là những phát kiến, ý kiến của họ có được chuyển hóa vào trong thể chế chính sách hay không. Đây là điều cần hết sức lưu tâm.

Thu hút nhân tài KHCN, còn nhiều việc phải làm ảnh 1
TS. Lê Quang Huy
Ông có thể chia sẻ các giải pháp cụ thể hơn để thu hút nhân tài cống hiến cho đất nước?

Cần có thể chế rõ ràng, cụ thể hơn với những nhân tài chúng ta đang muốn mời gọi. Trên thực tế, những thể chế ấy có thể đã có rồi, nhưng quan trọng là phải sát hơn nữa, đặc biệt là có thể đồng hành với các nhà khoa học đó. Nếu chúng ta làm chung chung, đại khái, thỉnh thoảng mời họ về gặp gỡ vui vẻ rồi dừng lại thì không hiệu quả.

Bởi vậy, để thu hút thành công người tài, tôi cho rằng cần có thể chế đồng hành thực sự cùng các nhà khoa học, chuyên gia công nghệ. Cần nắm bắt cụ thể, các nhà khoa học đó hiện họ đang quan tâm về vấn đề gì ở trong nước, thế mạnh của nhà khoa học đó là gì, khi trở về tìm hiểu thì thấy khó khăn nào, giải pháp tháo gỡ ra sao… để chúng ta đồng hành cùng họ, cùng nhau tìm hướng tháo gỡ.

Như tôi vừa đề cập ở trên, vấn đề hết sức quan trọng là tư duy phải đổi mới. Chúng ta phải nhìn nhận, thu hút nhân tài giúp Việt Nam hiện thực hóa cơ hội từ CMCN 4.0 thì không nhất thiết là phải mời bằng được họ về nước làm việc. Họ có thể về nước làm việc, có thể không về nhưng chúng ta tạo cơ chế cho họ đóng góp, cống hiến cho đất nước. Họ vẫn ra bên ngoài vừa làm việc, giảng dạy, nghiên cứu, nhất là tiếp thu được trí tuệ, tinh hoa cập nhật của thế giới. Có như vậy mới thu hút thành công. 

Việt Nam dự định xây dựng Trung tâm ĐMST quốc gia (NIC). Để NIC hoạt động hiệu quả và đạt các mục tiêu như  kỳ vọng, theo ông thể chế thu hút nhân lực chất lượng cao vào trung tâm này sẽ phải như thế nào?

NIC phải có những chính sách rất mới, khác hẳn bình thường. Tại đây, DN khởi nghiệp được miễn nhiều thứ, chúng ta không bắt buộc hay yêu cầu như đối với DN thông thường. ĐMST là những cái chúng ta chưa từng làm, chưa từng có thì làm sao chúng ta hoạch định ra được những chính sách, chế định để quản lý những cái đó được. Nếu tư duy không thay đổi, chúng ta chỉ quản lý những gì chúng ta biết thì sẽ không có ĐMST.

Bởi vậy, NIC - nơi nuôi dưỡng các ý tưởng sáng tạo thành hiện thực thì cần có những chế định hoàn toàn cởi mở, đáp ứng đúng đặc thù của ĐMST. Đó là những gì chưa có tiền lệ, có độ trễ và có độ rủi ro cao thì mới có thể đáp ứng được yêu cầu phát triển của ĐMST. Còn nếu chúng ta lại quay trở lại mô hình quản lý cũ, tức là, chỉ quản những gì chúng ta đã biết thì ĐMST sẽ thui chột, sẽ chết, không bao giờ phát triển được.

Chuyên đề