Thông xe kỹ thuật cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn

(BĐT) - Ngày 29-9, UBND tỉnh Lạng Sơn và Công ty CP BOT Bắc Giang - Lạng Sơn (thuộc Tập đoàn Đèo Cả) đã tổ chức lễ “Thông xe cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn (đoạn tuyến Bắc Giang - Chi Lăng). Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tham dự và phát lệnh thông xe dự án. Dự án đã thiết lập một kỷ lục về thời gian thi công đối với đường cao tốc.
Thông xe kỹ thuật cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn

Dự án đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn chính thức được thông xe kỹ thuật vào chiều nay (ngày 29/9), rút ngắn thời gian lưu thông từ từ Hà Nội - Lạng Sơn từ 3,5 giờ xuống còn khoảng 2,5 tiếng đồng hồ so với tuyến Quốc lộ 1 cũ.

Ngày 30/10/2014, Dự án Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn được Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư tại Văn bản số 2167/TTg-KTN. Ngày 9/4/2015, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) phê duyệt đầu tư tại Quyết định 1249/QĐ-BGTVT do Công ty CP BOT Bắc Giang - Lạng Sơn thực hiện.

Dự án bao gồm 2 hợp phần. Hợp phần thứ nhất là Tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 đoạn Km1+800 - Km106+500 với tổng chiều dài khoảng 110 km (gọi tắt là Hợp phần QL1). Hợp phần 2 là xây dựng mới Tuyến cao tốc Bắc Giang - TP. Lạng Sơn đoạn Km45+100 - Km108+500. Tổng mức đầu tư toàn Dự án 12.189 tỷ đồng.

Dự án được khởi công từ năm 2015. Tuy nhiên, do các nhà đầu tư cũ yếu kém về nguồn lực tài chính và năng lực quản trị nên Dự án đã bị chậm tiến độ gần 2 năm. Nhiều nhà đầu tư không góp đủ vốn điều lệ dẫn đến ngân hàng không giải ngân cho vay. Thiếu tiền, một loạt công việc bị đình trệ. Đến tháng 6/2017, Hợp phần QL1 mới chỉ đạt 13% sản lượng và không triển khai được hợp phần đường cao tốc. Mặt bằng chưa được giải phóng, nội bộ nhà đầu tư chia rẽ, năng lực tài chính không đảm bảo, ngân hàng dừng giải ngân, Dự án đứng trước nguy cơ đổ bể.

Tháng 6/2017, trên cơ sở báo cáo Bộ GTVT, nhà đầu tư mới thuộc Tập đoàn Đèo Cả được Công ty CP BOT Bắc Giang - Lạng Sơn mời tham gia đề xuất giải pháp thực hiện, tháo gỡ các vướng mắc Dự án. Ngoài việc xử lý hàng loạt rắc rối về pháp lý, các đầu việc quan trọng được ưu tiên xử lý bao gồm: chỉnh tuyến, bố trí các tuyến công vụ, xử lý tài chính tín dụng, loại bỏ các nhà thầu yếu kém năng lực, giải ngân cho một loạt nhà thầu. Hàng loạt giải pháp quyết liệt đi kèm thanh toán công nợ giúp các nhà thầu như “chết đi sống lại”, Dự án dần dần được hồi sinh.

Từ tháng 3/2018, Hợp phần QL1 đã hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng giúp nâng cao năng lực vận tải, giảm thiểu tai nạn giao thông trên tuyến Quốc lộ 1 đoạn qua địa bàn hai tỉnh Bắc Giang và Lạng Sơn.

Đến nay (tháng 9/2019), Hợp phần cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn đã hoàn thành với tổng chiều dài gần 64 km, bề rộng 25m, bao gồm 4 làn xe và 2 làn dừng xe khẩn cấp với vận tốc thiết kế 100 km/giờ, sau hơn 2 năm chính thức triển khai xây dựng. Đây được xem là một kỷ lục về tiến độ thi công đối với một dự án đường cao tốc.

Tuyến cao tốc chạy song song với Quốc lộ 1A, khi hoàn thành giúp rút ngắn thời gian xe chạy từ Hà Nội đến Lạng Sơn còn hơn 2 giờ so với hơn 3 giờ như trước đây.

Tuy nhiên, việc còn cách 30km mới đến TP. Lạng Sơn sẽ là nút thắt giao thông trong thời gian tới và cần sớm được khắc phục để mở cánh cửa cung đường tương lai vùng Đông Bắc của Tổ quốc, mở ra cơ hội đầu tư tiếp nối con đường Hữu Nghị - Chi Lăng thuộc tỉnh Lạng Sơn.

Hiện nay, đoạn tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng đã đảm bảo đầy đủ cơ sở pháp lý và tăng tính hiệu quả đầu tư do được tối ưu hóa đầu tư để tiết giảm tổng mức đầu tư bằng giải pháp phân kỳ đầu tư. Song đến nay, dự án này vẫn chưa thể triển khai tiếp do chưa xác định được nguồn vốn tham gia từ các bên liên quan sẽ tiếp tục  ảnh hưởng đến cơ sở để triển khai cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh kết nối tỉnh Lạng Sơn với tỉnh Cao Bằng.

Chuyên đề