Thông qua Luật sửa đổi, bổ sung các Luật có quy định liên quan đến quy hoạch tại 1 kỳ họp

(BĐT) - Tại buổi Họp báo Dự kiến Chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh, theo dự kiến, dự án Luật sửa đổi, bổ sung các Luật có quy định liên quan đến quy hoạch là luật duy nhất tại Kỳ họp thứ 6 được thông qua theo quy trình tại một kỳ họp.
Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV khai mạc vào sáng ngày 22/10/2018
Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV khai mạc vào sáng ngày 22/10/2018

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV khai mạc vào sáng ngày 22/10/2018, Kỳ họp dự kiến thời gian làm việc 24 ngày (không kể ngày nghỉ) sẽ xem xét, thông qua 9 dự án luật; 1 dự thảo Nghị quyết và cho ý kiến về 6 dự án luật khác.

Đồng thời, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo: Kết quả 3 năm triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch 5 năm 2016 - 2020: phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn; kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2019. Xem xét, quyết định việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020; kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016 - 2020; iii) Đánh giá kết quả giữa kỳ việc thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 – 2020; báo cáo đánh giá 3 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Đáng chú ý, tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Luật sửa đổi, bổ sung các Luật có quy định liên quan đến quy hoạch; cho ý kiến về Luật Đầu tư công (sửa đổi).

Việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung các Luật có quy định liên quan đến quy hoạch nhằm bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với các quy định của Luật Quy hoạch và đáp ứng yêu cầu về tiến độ sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan, bảo đảm các quy định về quy hoạch có hiệu lực thi hành cùng với Luật Quy hoạch từ ngày 1/1/2019. Dự thảo Luật trình QH xem xét, thông qua gồm 32 điều, nội dung chủ yếu như: Sửa đổi tên các quy hoạch để đảm bảo đồng bộ, thống nhất với Danh mục Quy hoạch ngành quốc gia; Bãi bỏ các quy hoạch về phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể, ấn định khối lượng, số lượng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm được sản xuất, tiêu thụ; Sửa đổi các quy định về quy hoạch ngành quốc gia; Sửa đổi quy định về các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành thuộc Danh mục Quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành tại Phụ lục II của Luật Quy hoạch. Theo dự kiến, đây là dự án luật duy nhất tại kỳ họp thứ 6 được thông qua theo quy trình tại một kỳ họp.

Luật Đầu tư công được ban hành năm 2015 đã tạo hành lang pháp lý quan trọng để nâng cao hiệu quả đầu tư công. Tuy nhiên, qua 3 năm thực hiện, Luật Đầu tư công đã bộc lộ một số hạn chế, vướng mắc. Do đó, để đáp ứng yêu cầu quản lý hiệu quả vốn đầu tư công và tạo thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện, tăng cường phân cấp, phân nhiệm, khắc phục những tồn tại, hạn chế, đặc biệt là phục vụ quá trình cơ cấu lại đầu tư công giai đoạn 2016-2020, định hướng 2025, việc sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Đầu tư công là cần thiết.

Dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) trình xin ý kiến Quốc hội tại kỳ họp này tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến 3 nhóm chính sách chủ yếu, bao gồm: nhóm chính sách về quy định chung, nhóm chính sách về quản lý dự án, nhóm chính sách về quản lý kế hoạch đầu tư công.

Chuyên đề