Thơm thảo một sắc đào

(BĐT) - Điểm xuyết giữa hanh hao se sắt của một mùa Đông đang uể oải những bước chân lười biếng, đã bắt đầu nhận ra những ấm áp của mùa Xuân tươi mới... Mùa Xuân, ấy là sự khởi đầu của đất trời. Cũng như cuộc sống, sau những gian nan truân trải, lại một ngày lấp ló sự sinh thành.
Với người Hà Nội, đào Nhật Tân vẫn luôn là nỗi nhớ tràn đầy ký ức mỗi khi Tết đến Xuân về
Với người Hà Nội, đào Nhật Tân vẫn luôn là nỗi nhớ tràn đầy ký ức mỗi khi Tết đến Xuân về

Mùa Đông năm nay có gì khang khác, như một sự bông đùa. Nắng nóng dai dẳng đến tận đầu tháng Chạp… Thời tiết ỡm ờ như vậy có người thích có người không. Nhưng dù thích hay không thì cái sự chùng chình, dền dứ kia cũng hết sức khó chịu, cho dù thảng đôi lúc, và quanh quẩn đâu đó nó cũng gợi chút bâng khuâng thơ mộng. Song thơ mộng, nói gì thì nói, thơ mộng như vậy cũng chỉ để cho đời thêm... thơ mộng, còn thực tế vẫn là thực tế, muốn tránh cũng không được.

Mùa cũng thế.
Người cũng thế.
Mà cuộc đời cũng thế.

Mỗi năm bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông, mùa nào cũng hay, mùa nào cũng dở. Nhưng đáng quý là ở cái sự rạch ròi. Mưa gió nóng lạnh, dễ lường, dễ xử. Chỉ có tiết giao mùa, lãng đãng bâng khuâng… Mãi đến khi đi qua hết những bâng khuâng lãng đãng ấy, người ta mới như chợt thảng thốt nhận ra, với tất cả những gì đã qua, cho dù thảng đôi lúc, và từ đâu đó, có gợi chút băn khoăn dè dặt. Song nói gì thì nói, không ai có thể phủ nhận được một điều, tất cả những gì ta đang có hôm nay đều là những kết tinh từ hôm qua, và tài sản của hôm nay cũng chính là hành trang để hướng đến ngày mai.

Mùa cũng thế.
Người cũng thế.
Mà cuộc đời cũng thế. 

Một ngày vẫn còn gọi là Đông, có dịp qua vùng Nhật Tân, Quảng Bá, chợt giật mình trước một sắc đào nhỏ nhoi côi cút chơ vơ giữa chợ hoa vẫn còn đương độ hắt hiu. Cũng như hoa mai của đất phương Nam, hoa đào từ bao đời nay vẫn được xem như cánh thiếp báo tin Xuân xứ Bắc. Cái màu hồng thiếp cưới ấy cứ mỗi độ Xuân về lại như đốm lửa xua đi giá rét của một mùa Đông vừa tàn tạ, cũng lại như tiếng chuông hối hả giục lòng người về nhịp bước của thời gian đang cạn dần theo gió. Thế là Tết đã cận kề. Thế là lo toan tất bật. Thế là hội ngộ đoàn viên… Tất cả cứ như khuôn lại trong một tiết giao mùa…

Ấy vậy mà hôm nay nhìn những cánh đào nở sớm kia, sao bỗng thấy lòng lạ lắm. Phải chăng là nhịp sống nhẩn nha tự tại ở đất Tràng An này ngày nào giờ đã đổi thay đến mức có thể dửng dưng với cả một cánh đào? Hình như không phải. Ở cái tuổi này, ký ức vẫn đủ sức để kéo những hối hả quay cuồng của cuộc sống đô thị trở về bâng khuâng dịu nhẹ trước một sắc đào, trong một buổi chiều Đông như thế. Chỉ có điều hoa thì vẫn đó, mà bên hoa đã bao nhiêu vật đổi sao dời…

Để rồi lại thấy nhớ năm nào…

Thời ấy, Tết gọi là Tết ăn, chủ yếu là tập trung vào các gia đình. Cuộc sống thời bao cấp, người người, nhà nhà đều tăm tắp như nhau, từ bộ quần áo đến bữa cơm, từ những đồ dùng sinh hoạt cho đến cả tiếng pháo rộn ràng ngày Tết…, tất cả đều được Nhà nước cung cấp. Ngày Tết, mỗi gia đình được phân phối một túi hàng, trong đó đầy đủ những thứ để dùng trong dịp này. Những ngày cuối năm, cũng là hối hả, cũng là tất bật, nhưng xét cho cùng, chỉ là để lo cho mấy bữa ăn ngày Tết thêm tươm tất, đủ đầy… “Đói quanh năm, no ba ngày Tết”. Tâm thế người Việt ngày ấy là vậy. Ở nông thôn thì còn có chuyện “đụng” nhau con lợn, chia nhau mớ cá dưới ao… chứ ở thành phố, có lẽ cái chung nhất chỉ là những câu chuyện bên vòi nước công cộng, cái “giếng làng” của người phố thị, khi đã bắt đầu thấp thoáng những chiếc lá dong xanh…

Quất, đào ngày ấy cũng khiêm nhường. Khiêm nhường đến thành tinh tế. Nhật Tân, Quảng Bá khi ấy vẫn đương là làng. Người ta đem hoa về phố, chứ ít người rời phố tìm hoa…

Qua thời Tết ăn đến thời Tết chơi. Ấy là khi cuộc sống đã đủ đầy. Ấy là khi mà bữa cơm không còn là điều lo lắng mỗi ngày trong mỗi gia đình, thì cái tất bật, vội vã của đời sống hình như lại trải đều suốt năm, đặc biệt là những ngày giáp Tết, là lúc người ta bắt đầu gói ghém lại mọi thứ, để rồi Tết đến, chỉ nháo nhào một buổi là đâu vào đấy. Cái Tết bắt đầu mất dần đi sự náo nức mong chờ, thậm chí có người còn thấy ngại, khi nhịp thời gian bỗng thành áp lực. Nhưng lại cũng có những người cảm thấy thiêu thiếu, thấy bâng khuâng trong một niềm hoài cổ mỗi độ Xuân về.

Mà bâng khuâng cũng phải. Sự phát triển kinh tế quá “nóng” sau một thời gian dài thiếu thốn đói khổ đã kích thích và dung dưỡng nhu cầu vật chất mà bỏ quên những nhu cầu về đời sống tinh thần của con người. Đời sống vật chất thay đổi từng ngày theo hướng hiện đại, tiện nghi hơn, nhưng đời sống văn hóa tinh thần thì như bị đẩy lùi vào quá vãng, từ những ứng xử trong gia đình ra xã hội, từ lối sống đến giá trị đạo đức… đã khiến cho cả mùa Xuân như cũng phải gồng mình lên mà làm dịch vụ. Đến độ này, nhiều thú chơi bắt đầu được quan tâm trở lại, trong đó có cả cái thú tao nhã là thưởng hoa. Nói thưởng hoa không phải là mua hoa về ngắm, mà rõ là “Vì hoa nên phải đánh đường tìm hoa” (Truyện Kiều - Nguyễn Du). Nhật Tân, Quảng Bá trở thành điểm đến nô nức của nhiều người…

Bẵng đi một độ, rồi cũng đến ngày cả một làng hoa nổi tiếng đất Tràng An khi xưa trở thành hoài niệm. Nơi vườn đào Nhật Tân xưa rồi cũng mọc lên một khu đô thị mới với những ngôi nhà, những khu phố thay thế hẳn những gốc hoa cổ kính, đưa những khu vườn dịch ra tận bãi sông… Đặc biệt, khi cầu Nhật Tân, cây cầu thế kỷ mọc lên thì dấu tích một thuở đào hoa đã mãi thành quá vãng. Thế nhưng đối với người Hà Nội, đào Nhật Tân vẫn luôn là nỗi nhớ tràn đầy ký ức mỗi khi Tết đến Xuân về.

Có lẽ cũng chính vì vậy mà cái cảm giác rưng rưng trước những bông hoa đào nở sớm chiều nay là có thật. Nhìn những cánh hoa mỏng tang le lói như một hơi thở dài trong nhàn nhạt nắng, tôi chợt nhớ lại hình ảnh một cụ già tuổi đã ngoại 80, song vẫn cứ nhất quyết bắt đứa cháu đưa lên tận cầu Nhật Tân trong ngày khánh thành, cũng vào dịp những ngày đầu Xuân năm ấy, để được tận mắt ngắm cây cầu vươn mình ngạo nghễ giữa trời mây sông nước như một dải lụa vắt ngang sông Hồng, với những cột trụ như biểu tượng của một sức vóc đang lớn dậy từng ngày vừa vẽ lên những nét lộng lẫy và phóng khoáng giữa trời xanh...

Niềm vui, niềm khao khát của một đời người nhiều khi chỉ giản đơn như vậy, thế mà có khi phải trọn một kiếp người… Thế nhưng ngày ấy, lại cũng có người trầm ngâm đứng trên cây cầu ấy nhìn về quá khứ với những hồi ức xa xăm, lòng văng vẳng một tứ thơ: “Qua sông thì phải lụy… cầu / Yêu nhau cũng phải lụy nhau em à!…”. Chẳng biết từ khi nào mà cái câu thành ngữ “Qua sông thì phải lụy đò” có từ thời manh nha của văn chương kia lại biến thành “Qua sông thì phải lụy cầu” nhỉ? Có lẽ là từ khi người ta nhận ra rằng sức vươn của con người, của cuộc đời sẽ được nhân lên rất nhanh, rất nhiều từ những sự hy sinh…

Vâng. Trong cuộc sống, nếu như không nghĩ đến một điều gì đó tốt đẹp, lớn lao, thì chắc sẽ chẳng bao giờ có ngày hôm nay. Ai cũng biết thế. Ai cũng biết, bản chất của cuộc sống là vận động, và tất nhiên trong sự vận động thì bao giờ cái được cũng đi liền với cái mất. Cũng từ sự hiểu ấy mà ba chục năm qua, người Việt Nam, đất nước Việt Nam và dân tộc Việt Nam đã bước những bước dài trên con đường đi tới tương lai. Để rồi cho đến bây giờ, mùa Xuân, ngày Tết dường như đã trở thành dấu mốc, thành điểm hẹn của những dự định và những kết tinh.

Vậy là đã lại vào Xuân. Mùa xuân bây giờ, những cánh đào Nhật Tân đã mang một đời sống khác, trong một không gian khác, bên một tâm thế khác. Nhưng đối với người Hà Nội, đào Nhật Tân vẫn luôn là nỗi nhớ tràn đầy ký ức mỗi khi Tết đến Xuân về. Trước cái mất, người ta bao giờ cũng có những cảm giác hẫng hụt, bâng khuâng, như đứng trước sự chảy trôi không ngừng nghỉ của thời gian, đặc biệt là khi một mùa Xuân mới đang về thay thế cho một năm cũ đã lùi xa… Hiểu được điều ấy, hiểu được cái được và cái mất chính là những điều không thể khác trong cuộc sống, để từ đó tự tin và cẩn trọng hướng đến tương lai, cũng chính là một thành quả của lòng người. Vậy nên, cái bâng khuâng hoài niệm hôm nay, nói cho cùng, cũng giống như một chiếc neo để neo lại lòng mình vào những thiện căn…

Lang thang giữa thành phố đầy những kỷ niệm nhưng lại rất trẻ trung hồ hởi trong một tâm thế vừa lạ vừa quen, như một người vắng xa lâu ngày trở về, để vừa ngạc nhiên lại vừa gần gụi, để vừa thân thuộc lại vừa không khỏi ngỡ ngàng trước bao điều đã biết, bao điều chưa biết cùng bao điều vừa chợt đến... Và rồi, chỉ những cánh hoa đào mỏng tang, tinh khiết mở lòng rạng rỡ đón mình như một người bạn cũ, bền bỉ, thủy chung. Vâng, hoa đào sẽ mãi mãi gắn bó đến tận cùng với đất đai, sông núi, với mùa xuân trên mảnh đất này, vì theo như cách nói của một người bạn: Đũa cong không ăn được, bụng cong không ở được... Mà lòng hoa thì bao giờ cũng vậy, dẫu muôn đời vẫn thơm thảo, chân thành...

Chuyên đề