Thế và lực của Việt Nam sau 45 năm thống nhất đất nước

(BĐT) - Cách đây gần 54 năm, ngày 17/7/1966, khi đế quốc Mỹ điên cuồng ném bom, bắn phá Thủ đô Hà Nội và TP. Hải Phòng, trong bài Không có gì quý hơn độc lập, tự do, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Thực hiện lời kêu gọi của Người, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã lập nên chiến công hiển hách, Tổ quốc độc lập, tự do, non sông thu về một mối.
Đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam ngày càng được nâng cao. Ảnh: Đông Giang
Đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam ngày càng được nâng cao. Ảnh: Đông Giang

Ngày 15/5/1975 tại Hà Nội, trong lễ mừng chiến thắng, đồng chí Lê Duẩn đã đọc Diễn văn với chủ đề: Dân tộc ta có đủ tinh thần và nghị lực, sức mạnh và tài năng, biến nước ta thành một nước văn minh, giàu mạnh.

Trong không khí phấn khởi, tự hào và tinh thần cách mạng “một ngày bằng hai mươi năm” của chiến thắng vĩ đại 30/4/1975, thực hiện lời kêu gọi của Bác Hồ và cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, đồng thời kiểm thảo lại những “kỳ tích” qua 45 năm thống nhất đất nước, có thể khẳng định một điều chắc chắn: Thế và lực của Việt Nam chưa bao giờ có như ngày nay. Đúng như Dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng khi đánh giá diện mạo đất nước sau 35 đổi mới và 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội: “Đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới. Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế như ngày nay”.

Sau 45 năm đất nước thống nhất, đặc biệt là qua 35 năm đổi mới, Việt Nam đạt những thành tựu quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội. Từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu với 90% dân số làm nông nghiệp, đất nước rơi vào tình cảnh khủng hoảng kinh tế sau chiến tranh, Việt Nam đã xây dựng được cơ sở vật chất - kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo ra môi trường thu hút nguồn lực xã hội cho phát triển, đất nước thoát khỏi khủng hoảng. Diện mạo kinh tế - xã hội có nhiều thay đổi, kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá, tiềm lực và quy mô nền kinh tế tăng lên (đạt ngưỡng thu nhập trung bình); đời sống nhân dân từng bước được cải thiện; tình hình chính trị - xã hội ổn định; đồng thời tạo ra nhu cầu và động lực phát triển cho tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, nổi bật là: Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt. Quốc phòng, an ninh được tăng cường. Kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững môi trường hòa bình để phát triển đất nước…

Đây chính là “lực”, là thành quả lớn nhất của Việt Nam trong 45 năm qua. Đúng như lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định nhân dịp đầu Xuân Canh Tý 2020 và kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam: “Với tất cả sự khiêm tốn của người cách mạng, có thể nói rằng, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, uy tín và vị thế như ngày nay. Đất nước hòa bình, thống nhất, độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững”.

Như vậy, “lực” trên đã tạo nên “thế” vững chắc của Việt Nam trên trường quốc tế. Vấn đề này, từ rất sớm, ngay trong Báo cáo của phân hội Việt Nam thuộc Hội Quốc tế chống xâm lược do Hồ Chí Minh đọc tại Đại hội các đoàn thể cách mạng Việt Nam ở nước ngoài họp tại Liễu Châu (Quảng Tây - Trung Quốc) từ ngày 25 đến ngày 28/3/1944 đã rút ra bài học vô cùng quý báu: “Nếu tự mình không có thực lực làm cơ sở thì không thể nói gì đến ngoại giao. Giả dụ như Trung Quốc nếu không có mấy năm kháng chiến kiên quyết và gian khổ, thì chớ mong gì có thể xóa bỏ được các điều ước bất bình đẳng, và các nước Đồng minh cũng chẳng giúp đỡ gì Trung Quốc”. Đối với Việt Nam, nếu như trước 30/4/1975 và ngay cả sau khi thống nhất, chúng ta vẫn bị xâm lược, bao vây, cấm vận; đặc biệt, luôn bị các nước lớn vì lợi ích quốc gia, dân tộc vị kỷ mà đi ngược lại các nguyên tắc cơ bản trong quan hệ quốc tế, vi phạm nghiêm trọng Hiến chương Liên hợp quốc để liên tục “thỏa hiệp trên lưng” Việt Nam… thì ngày nay, “quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam tiếp tục được nâng cao” như Dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng khẳng định.

Thành tựu lớn nhất và khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế là không những phá được thế cô lập, bao vây, cấm vận trước đó, mà còn đạt được thành quả vượt tầm quốc gia, đạt tới tầm khu vực và quốc tế; xây dựng được vị thế và tâm thế mới của Việt Nam trong xử lý quan hệ với các nước cả song phương và đa phương. Những sự kiện ngoại giao nổi bật gần đây được các đối tác và cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao. Đó là Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ 2 tại Hà Nội, góp phần thúc đẩy đối thoại, hòa giải, hòa bình trên bán đảo Triều Tiên; Việt Nam được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021 với số phiếu cao kỷ lục (192/193 phiếu); đảm nhiệm các trọng trách quốc tế quan trọng như Chủ tịch ASEAN 2020… Ngoài ra, những đóng góp quan trọng của Việt Nam tại các diễn đàn ASEAN, ASEM, Liên hợp quốc với tư cách thành viên cũng như tại G20 với tư cách khách mời đã được bạn bè, đối tác hưởng ứng tích cực.

Đặc biệt, thành công và kinh nghiệm cũng như sự hỗ trợ chí nghĩa, chí tình của Việt Nam cho một số nước trong cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19 đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các đối tác của Việt Nam ghi nhận, đánh giá rất cao… Qua đó càng khẳng định vị thế lớn chưa từng có của Việt Nam trên trường quốc tế sau 45 năm.

Đặt Việt Nam trong bối cảnh quốc tế, khu vực có những diễn biến hết sức nhanh chóng, phức tạp, khó lường và tình hình trong nước không ít khó khăn, thách thức thời gian qua mới thấy hết giá trị lớn lao của thành quả này. Trong không khí hân hoan, đầy tự hào của những ngày tháng tư lịch sử, thay cho lời kết, xin nhắc lại câu kết trong Diễn văn lễ mừng chiến thắng 30/4/1975 của đồng chí Lê Duẩn: “Một dân tộc đã làm nên những chiến công hiển hách ấy xứng đáng được hưởng hòa bình, tự do và hạnh phúc. Dân tộc ấy cũng nhất định có đủ tinh thần và nghị lực, sức mạnh và tài năng để khắc phục mọi khó khăn, vươn lên những đỉnh cao của thời đại, biến đất nước nghèo nàn, lạc hậu, bị chiến tranh tàn phá nặng nề… thành một nước văn minh, giàu mạnh, thành trì bất khả xâm phạm của độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội ở Đông Dương và Đông Nam Á. Với niềm tự hào vô hạn, với niềm tin tất thắng, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân hãy hăng hái tiến lên! Tương lai huy hoàng đang chờ đón chúng ta!”.

Chuyên đề