Thắt chặt quan hệ hợp tác Việt Nam, Indonesia

Ngày 22/7, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng đoàn công tác của Chính phủ đã kết thúc chuyến thăm và làm việc tại Indonesia và Ban Thư ký ASEAN. Chuyến thăm góp phần thắt chặt quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực giữa hai nước trong thời gian tới.
Ngày 21/7 sau hội kiến, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và Phó Tổng Thống Jusuf Kalla đã gặp gỡ báo chí thông báo kết quả làm việc mà hai bên đã thống nhất. Ảnh: VGP
Ngày 21/7 sau hội kiến, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và Phó Tổng Thống Jusuf Kalla đã gặp gỡ báo chí thông báo kết quả làm việc mà hai bên đã thống nhất. Ảnh: VGP

Chuyến thăm Indonesia của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ diễn ra trong thời điểm đặc biệt khi hai nước đang xúc tiến chuẩn bị cho những chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao.

Khởi động lại Uỷ ban hỗn hợp Việt Nam- Indonesia

Trong cuộc hội kiến giữa Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ với Phó Tổng Thống Indonesia Jusuf Kalla vào sáng 21/7,  hai bên đã trao đổi và thống nhất nhiều nội dung quan trọng để chuẩn bị cho chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao hai nước.

Hai bên đều cho rằng Việt Nam và Indonesia còn nhiều dư địa để hợp tác và phát triển khi kim ngạch thương mại hai chiều mới chỉ đạt 6,4 tỷ USD vào năm 2016, trong khi dân số của hai nước rất đông (Việt Nam có hơn 90 triệu dân và Indonesi có 250 triệu dân),  tạo ra thị trường lớn tiêu thụ hàng hoá, sản phẩm của nhau.

Trên tinh thần hợp tác, phát triển, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và Phó Tổng thống Jusuf Kalla tiếp tục thống nhất nhiều vấn đề quan trọng mà trước đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã làm việc với các Bộ trưởng chủ chốt trong Nội các của Indonesia là Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Thương mại và Chủ tịch Uỷ ban điều phối đầu tư. Tại các cuộc làm việc, hai bên nhất trí hợp tác chặt chẽ đưa quan hệ Việt Nam - Indonesia phát triển sâu rộng hơn nữa, đặc biệt trong bối cảnh ASEAN đã hình thành Cộng đồng và tình hình khu vực, quốc tế đang có những biến chuyển sâu sắc.

Hai bên nhất trí cần tích cực và chủ động hơn nữa trong tìm kiếm các cơ hội hợp tác kinh tế, nâng cao kim ngạch thương mại và đầu tư, phấn đấu sớm đưa thương mại hai chiều đạt 10 tỷ USD vào năm 2018.

Cho rằng đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề mà cả Việt Nam và Indonesia phải nỗ lực thực hiện bằng các hành động cụ thể, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị phía Indonesia tổ chức phiên họp lần thứ 7 của Uỷ ban hỗn hợp về kinh tế, khoa học, kỹ thuật trong đầu tháng 8/2017. Đề nghị đã nhận được sự đồng ý từ phía các Bộ trưởng và Phó Tổng thống Jussuf Kalla.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, hoạt động của Uỷ ban hỗn hợp có ý nghĩa quan trọng để hai bên cùng thảo luận các vấn đề về giao thương hàng hoá, trao đổi kinh nghiệm quản lý, ứng dụng khoa học, kỹ thuật. Hiện nay, nhiều hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam sang Indonesia còn gặp trở ngại từ phía bạn như gạo, điện thoại di động, máy tính, máy tính bảng, tôn, thép,… nên việc tiến hành phiên họp của Uỷ ban nói trên vốn bị gián đoạn 2 năm qua sẽ có ý nghĩa không nhỏ trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư trong thời gian tới.

Trong khi đó, theo Bộ trưởng Thương mại Enggartiasto Lukita, mặc dù việc Indonesia tiến hành gia hạn hợp đồng nhập khẩu của bất kỳ quốc gia nào đều là vấn đề “nhạy cảm” đối với nội bộ Indonesia, nhưng Indonesia vẫn luôn ưu tiên cho Việt Nam nếu phải nhập khẩu gạo. Không chỉ vậy, ông Enggartiasto Lukita đánh giá cao việc hai bên đã hợp tác trong xuất nhập khẩu, chế biến hồ tiêu và cho biết sẽ tiếp tục phát triển lĩnh vực này.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết hiện nay Việt Nam đang nhập khẩu 30% tổng lượng hồ tiêu mà Indonesia sản xuất hằng năm để chế biến và xuất khẩu. Vì vậy, buổi làm việc đã mở ra nhiều cơ hội hợp tác sâu, rộng đối với hai nước sản xuất hồ tiêu lớn nhất, nhì thế giới trong những năm tiếp theo này.

Tại cuộc hội kiến ngày 21/7, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và Phó Tổng thống Jusuf Kalla tiếp tục thống nhất nhiều vấn đề quan trọng. Ảnh: VGP

Ngoài ra, hai bên còn nhiều dư địa để mở rộng đầu tư nhất là trong các lĩnh vực có tiềm năng như cơ sở hạ tầng, năng lượng, viễn thông, ngân hàng… Trên cơ sở đó, hai bên nhất trí khuyến khích các bộ, ngành liên quan và cộng đồng doanh nghiệp hai nước đẩy mạnh hoạt động trao đổi thông tin, xúc tiến đầu tư, kết nối doanh nghiệp nhằm tìm kiếm các cơ hội hợp tác, liên doanh, liên kết, sáp nhập, giúp tăng sức cạnh tranh của các doanh nghiệp ASEAN, đóng góp vào việc hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN mạnh.

Về du lịch, giáo dục và đào tạo, ông Setyono Djuandi Darmono, Chủ tịch Công ty Jababeka cho rằng đây là lĩnh vực hợp tác cần được Chính phủ hai bên ưu tiên thực hiện. “Việc trao đổi sinh viên học tiếng của nhau sẽ tạo điều kiện mở ra môi trường học thuật và phát triển du lịch giữa hai nước. Ngoài ra, doanh nghiệp hai nước có thể phát triển hình thức thuê chuyến máy bay tới các điểm du lịch của nhau là cách thức hiệu quả để thúc đẩy hợp tác kinh tế”, ông Darmono đề nghị.

Đề cao tinh thần đoàn kết, vai trò trung tâm của ASEAN

Bên cạnh lĩnh vực kinh tế, Việt Nam và Indonesia khẳng định tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực quốc phòng, an ninh với việc duy trì Nhóm làm việc chung về Hải quân hai nước; thúc đẩy thiết lập đường dây liên lạc trực tiếp, triển khai các hoạt động chung về tìm kiếm cứu nạn, tiến tới tiến hành tuần tra liên hợp trên biển; thúc đẩy sớm kết thúc đàm phán phân định vùng đặc quyền kinh tế giữa hai nước, trong khi chờ đàm phán sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân hai nước hoạt động tại khu vực chồng lấn.

Hai bên nhất trí phối hợp, hợp tác chặt chẽ tại các diễn đàn khu vực và quốc tế; khẳng định dành ưu tiên hàng đầu cho ASEAN và các diễn đàn liên quan của ASEAN, nhất trí hợp tác củng cố đoàn kết, thống nhất nội khối, duy trì đồng thuận và phát huy lập trường chung và vai trò trung tâm của ASEAN trong các vấn đề khu vực.

Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý; kêu gọi các bên thực hiện kiềm chế, không có các hoạt động làm phức tạp hay leo thang tranh chấp; thực hiện đầy đủ và nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông và phối hợp chặt chẽ để sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử (COC).

Qua đề nghị từ phía Việt Nam, Phó Tổng Thống Indonesia Jussuf Kalla khẳng định sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp với Việt Nam trong vấn đề ngư dân - tàu thuyền và ghi nhận việc gia hạn Hiệp định thông báo và trợ giúp lãnh sự và Bản ghi nhớ về hợp tác biển và nghề cá ký năm 2010.

Thắt chặt mối quan hệ hai Đảng

Chuyến làm việc của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại Indonesia cũng để lại ấn tượng tốt đẹp khi tiếp xúc với Chủ tịch Đảng cầm quyền Dân chủ Indonesia Đấu tranh Megawati Soekarnoputri. Bà Megawati Soekarnoputri đã khẳng định luôn ủng hộ quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Indonesia cho dù ở bất kỳ cương vị nào.

Hai bên đánh giá cao quan hệ hữu nghị truyền thống và đối tác chiến lược Việt Nam- Indonesia được xây dựng trên nền tảng vững chắc của mối quan hệ thân tình và nồng ấm giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng thống Soekarno từ trong lịch sử, được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công vun đắp.

Chủ tịch Đảng cầm quyền Indonesia nhất trí tiếp tục đưa quan hệ hai nước vào chiều sâu thông qua các chuyến thăm, tiếp xúc cấp cao trong thời gian tới và thắt chặt quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Dân chủ Indonesia Đấu tranh.

Đại sứ Việt Nam tại Indonesia Hoàng Anh Tuấn cho biết với quy mô nền kinh tế đứng thứ 10 thế giới, Indonesia có vai trò quan trọng đối với chính trị và kinh tế của thế giới và khu vực Đông Á.

Việc hai bên tiếp tục khẳng định mối quan hệ hữu nghị truyền thống và coi trọng vai trò của nhau trong khu vực và các liên kết kinh tế khác sẽ có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển của mỗi quốc gia trong thời gian tới. Đặc biệt, qua các cuộc tiếp xúc, cả cấp lãnh đạo, chuyên gia, doanh nghiệp hai bên đều nhất trí cao việc phát huy tình đoàn kết của các quốc gia trong khối ASEAN, phát huy vai trò trung tâm của ASEAN để xử lý các vấn đề kinh tế, chính trị có tính chất khu vực và quốc tế, trong đó có vấn đề Biển Đông.

Đoàn công tác làm việc tại Ban Thư ký ASEAN. Ảnh: VGP

*Trong khuôn khổ chuyến công tác tại Indonesia, đoàn công tác của Chính phủ đã có buổi làm việc với Ban Thư ký ASEAN.

Ban Thư ký ASEAN khẳng định sẽ tích cực hỗ trợ Việt Nam trong việc nâng cao năng lực triển khai Kế hoạch tổng thể kết nối ASEAN 2025 và Kế hoạch công tác giai đoạn III Sáng kiến hội nhập ASEAN.

Kết thúc chuyến làm việc tốt đẹp tại Indonesia, đoàn công tác của Chính phủ do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ dẫn đầu đã rời Jakarta, lên đường tới thăm và làm việc tại Australia, New Zealand từ ngày 22/7, nhằm tìm kiếm các cơ hội hợp tác đầu tư, xuất khẩu nông sản Việt Nam sang thị trường “khó tính” bậc nhất thế giới này.

Chuyên đề