Tháo gỡ nút thắt về thể chế để thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế

(BĐT) - Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) vừa công bố Báo cáo Kinh tế vĩ mô 2015 với nhận định khá lạc quan về xu thế kinh tế vĩ mô ổn định. 
CIEM dự báo, xuất khẩu năm 2016 sẽ tăng 10,4%. Ảnh: Lê Tiên
CIEM dự báo, xuất khẩu năm 2016 sẽ tăng 10,4%. Ảnh: Lê Tiên

Đặc biệt, Báo cáo đặt nhiều kỳ vọng vào bộ máy điều hành mới sẽ sớm được thiết lập, đưa Việt Nam thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội gắn với cải cách trong năm 2016.

Dự báo những điểm sáng

Theo Báo cáo của CIEM, năm 2015, tăng trưởng kinh tế phục hồi nhanh và liên tục qua các quý, cho thấy dư địa để tiếp tục khởi sắc. Tăng trưởng kinh tế đi kèm với cải thiện niềm tin của nhà đầu tư và doanh nghiệp; nhà đầu tư nước ngoài lạc quan hơn vào môi trường kinh doanh ở Việt Nam. Nhưng Báo cáo cho rằng: “Đây chỉ là nền tảng bước đầu” bởi chưa có nhiều thay đổi về động lực tăng trưởng.

Theo ông Nguyễn Anh Dương, Phó Trưởng ban Ban Chính sách kinh tế vĩ mô thuộc CIEM, đồ thị tăng trưởng vẫn đang chiều đi lên nhưng độ dốc nhỏ cho thấy tăng trưởng chưa vượt nhiều so với xu thế dài hạn. Tăng trưởng chưa làm tăng lạm phát. Đáng chú ý, tăng trưởng của ngành nông, lâm, ngư nghiệp thiếu ổn định, đồ thị tăng trưởng ngành này của Tổng cục Thống kê cho thấy lúc tăng lúc sụt. Dịch vụ thì thiếu chuyển biến rõ nét.

Tổng cầu có tăng nhưng không tăng nhanh, xuất khẩu năm 2015 có tăng hơn so với năm 2014 nhưng không đạt mục tiêu đề ra và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đang giảm dần. Và xuất khẩu đang đứng trước những lo ngại khi vẫn quá phụ thuộc vào dầu thô, và bị thiệt hại vì giá dầu. Bên cạnh đó, tình hình tài khóa năm 2015 cũng căng thẳng hơn. Tiến độ thu ngân sách trong năm rất chậm, mãi đến sát cuối năm mới chạm mục tiêu và cả năm tuy thu vượt dự toán nhưng mức vượt rất nhỏ. Tình hình thu ngân sách như vậy dẫn tới tình thế “loay hoay” tìm nguồn chi cho đầu tư phát triển. Ngân sách năm 2015 căng thẳng còn do thiếu kiểm soát tiết kiệm chi.  

Thậm chí, theo TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, “động lực chưa thay đổi, tiềm năng vẫn tận khai” trong khi yêu cầu đang đòi hỏi tăng trưởng phải cao hơn. Theo ông Nguyễn Đình Cung, nhìn từng chỉ tiêu thấy đều tốt lên nhưng đánh giá một cách tổng thể các chỉ tiêu thì thấy vẫn nhiều vấn đề như thu chi ngân sách, nợ công, áp lực tỷ giá, khả năng cạnh tranh… còn khá “lủng củng”. Khi có áp lực phải nâng cao năng lực cạnh tranh thì buộc phải điều chỉnh tỷ giá, nhưng tỷ giá tăng làm tăng áp lực trả nợ, như thế ngân sách đã yếu, đã căng thẳng lại yếu thêm, căng thẳng thêm.

Dự báo năm 2016, CIEM đưa ra kịch bản rất lạc quan khi cho rằng, khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% mà Chính phủ đặt ra là cao (dự báo của CIEM là 6,82%). Về mục tiêu lạm phát 5% trong năm 2016, theo CIEM có thể chỉ là 4,37%; mức tăng xuất khẩu 10,4% (chỉ tiêu 10%) và nhập siêu chỉ ở mức 4,1% (chỉ tiêu dưới 5%).

CIEM cho rằng, đầu tư tư nhân và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng do triển vọng kinh tế và môi trường thông thoáng hơn. Đầu tư công có thể tăng nhanh, tiếp nối đà cải cách vi mô và tái cơ cấu nền kinh tế.

Không coi tăng thu là thành tích

Bên cạnh những điểm sáng, Báo cáo cũng lưu ý đến những bất định còn đến từ môi trường chính sách trong nước. “Áp lực đối với tỷ giá và lãi suất trong nước (khi USD và lãi suất ở Mỹ tăng), áp lực trả nợ của ngân sách nhà nước khi vẫn tiếp tục vay nợ và phát hành trái phiếu chính phủ. Bên cạnh đó là rủi ro lạm phát do thâm hụt ngân sách nhà nước (NSNN) kéo dài, do lộ trình tăng giá các mặt hàng, dịch vụ Nhà nước kiểm soát giá và lộ trình tăng lương làm tăng chi phí cho doanh nghiệp…”, Báo cáo nhấn mạnh.

Trên cơ sở những nhận định này, Báo cáo của CIEM đưa ra khuyến nghị, Việt Nam cần khẩn trương tiến hành các cải cách sâu rộng hơn về nền tảng kinh tế vĩ mô, hệ thống pháp lý nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Báo cáo nhấn mạnh lại thông điệp về việc ưu tiên chính sách cần tiếp tục tập trung vào cải thiện nền tảng kinh tế vi mô và đổi mới hệ thống thể chế kinh tế cho một nền kinh tế thị trường hiện đại. Việt Nam cần chủ động đẩy mạnh một cách thực chất hơn quá trình cải thiện môi trường kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí, tự do hóa thị trường, tạo thuận lợi cho kinh doanh, khuyến khích và cải thiện năng lực công nghệ gắn với tăng năng suất bền vững – ngay cả trước khi các yêu cầu này trở thành cam kết chính thức theo các điều ước hội nhập kinh tế quốc tế.

Theo ông Nguyễn Đình Cung, cần tiếp tục bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô một cách thực chất; định hướng, ưu tiên xử lý các nút thắt về thể chế và cơ cấu kinh tế nhằm thúc đẩy quá trình tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao khả năng cạnh tranh. Tư duy về vai trò của Nhà nước và thị trường, và tương tác giữa Nhà nước và thị trường trong nền kinh tế hiện đại cũng cần được làm rõ.

“Quan trọng là cần giảm tính chi phối của chính sách tài khóa, hướng dần đến giảm thâm hụt NSNN còn 4% GDP, ngay cả trước thời điểm Luật NSNN (sửa đổi) có hiệu lực. Bảo đảm kỷ luật chi đã được nhấn mạnh trong thông điệp đầu năm của Bộ trưởng Bộ Tài chính và kỷ luật phát hành trái phiếu chính phủ. Nhất là “tăng thu NSNN từ doanh nghiệp không nên coi là thành tích””, ông Nguyễn Đình Cung chỉ rõ.

Chuyên đề