Thành công trong kiểm soát lạm phát năm 2016

(BĐT) - Tổng cục Thống kê (TCTK) vừa công bố chỉ số CPI thàng 12 năm 2016 ở mức tăng nhẹ 0,23% so với tháng trước; tăng 4,74% so với tháng 12 năm 2015. Như vậy, CPI bình quân so với năm 2015 tăng 2,66%.
CPI bình quân so với năm 2015 tăng 2,66%. Ảnh: Tường Lâm
CPI bình quân so với năm 2015 tăng 2,66%. Ảnh: Tường Lâm

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 6 nhóm tăng đó là: thuốc và dịch vụ y tế; may mặc, mũ nón, giày dép; đồ uống và thuốc lá; nhà ở và vật liệu xây dựng; hàng hóa và dịch vụ khác; thiết bị và đồ dùng gia đình. 4 nhóm hàng hóa giảm đó là: giao thông; bưu chính viễn thông; hàng ăn và dịch vụ ăn uống; văn hóa, giải trí và du lịch.

Theo TCTK, dịch vụ y tế điều chỉnh tăng theo 2 bước, chỉ số giá nhóm lương thực,nhu cầu sửa chữa nhà cửa tăng, giá gas tăng… là những nguyên nhân khiến CPI của tháng cuối cùng trong năm tăng. Tuy nhiên, giá điện sinh hoạt giảm, giá thịt lợn giảm là những nguyên nhân khiến CPI tháng 12 giảm.

Đại diện TCTK đánh giá, năm 2016 được coi là năm thành công trong việc kiểm soát lạm phát trong điều kiện giá một số mặt hàng thiết yếu tăng trở lại nhưng vẫn tạo điều kiện để điều chỉnh giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý tiệm cận dần theo thị trường. Thống kê cho thấy, năm 2016 bình quân mỗi tháng CPI tăng 0,4%; CPI tháng 12/2016 tăng 4,74% so với tháng 12/2015, thấp hơn so với mục tiêu 5% mà Quốc hội đặt ra.

Để kiểm soát lạm phát năm 2017 với mục tiêu tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4% của Quốc hội, TCTK đề xuất, Bộ Tài chính, KH&ĐT, Ngân hàng Nhà nước cần chủ động phối hợp chặt chẽ trong đánh giá tình hình giá cả, xây dựng các phương án điều hành giá, lãi suất và tỷ giá để chủ động kiểm soát lạm phát. Trước khi điều chỉnh giá của các loại hàng hóa và dịch vụ trên cần tính toán, thống nhất và báo cáo Chính phủ.

Đối với mặt hàng xăng dầu và mặt hàng điện, Bộ Công thương và Bộ Tài chính theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu phù hợp để hạn chế mức tăng giá mặt hàng này đến CPI chung. Bộ Công thương chủ động đưa ra các phương án tăng giá điện để tính toán các mức độ ảnh hưởng đến chỉ số CPI, chỉ số giá sản xuất và tăng trưởng GDP.

TCTK cũng đề nghị thực hiện các đợt điều chỉnh giá các mặt hàng dịch vụ y tế, giáo dục trùng với các thời điểm đã điều chỉnh trong năm 2016 để chỉ số bình quân năm hạn chế tăng cao. Đề nghị thời gian thực hiện điều chỉnh giá các loại mặt hàng nhà nước quản lý tách ra các tháng khác nhau để giảm thiểu sự tác động lan tỏa lên chỉ số CPI.

Chuyên đề