Thách thức mục tiêu tăng trưởng kinh tế

(BĐT) - Mặc dù kinh tế 6 tháng đầu năm đã đạt được những kết quả tích cực, tuy nhiên, tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6, nhiều thành viên Chính phủ cho rằng vẫn còn nhiều thách thức để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% như Quốc hội đề ra.
Đã qua nửa năm nhưng giải ngân vốn đầu tư công 2016 vẫn thấp so với kế hoạch được giao. Ảnh: Quang Hiếu
Đã qua nửa năm nhưng giải ngân vốn đầu tư công 2016 vẫn thấp so với kế hoạch được giao. Ảnh: Quang Hiếu

Tốc độ tăng trưởng chững lại

Bắt đầu từ chiều ngày 30/6, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ đã tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 6 theo hình thức trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trên cả nước về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và bàn giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm. Trước đó, sáng cùng ngày, Chính phủ đã có phiên họp về xây dựng thể chế.

Mở đầu Phiên họp buổi chiều, báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2016, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: “Trong 6 tháng đầu năm, kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, thách thức. Nền kinh tế phục hồi chậm, tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng trưởng âm, để lại hậu quả nặng nề cho các mùa vụ sau”. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phân tích: “Tốc độ tăng GDP quý II/2016 ước đạt 5,55%, cao hơn mức tăng 5,48% của quý I. Tính chung 6 tháng đầu năm, GDP tăng 5,52%, thấp hơn nhiều so với mức tăng GDP cùng kỳ năm 2015”.

Đáng quan ngại hơn, theo dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), tốc độ tăng GDP suy giảm sẽ tác động đến các chỉ tiêu kinh tế. Nợ công đến cuối năm 2016 có thể vượt mức trần cho phép. Để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% như Quốc hội đề ra, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, 6 tháng cuối năm, GDP phải đạt mức tăng trưởng 7,6%. “Đây là mức tăng trưởng khá cao, đặc biệt là trong bối cảnh dư địa cho tăng trưởng không còn nhiều” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định.

Ngày 30/6, Văn phòng Chính phủ đã ra thông cáo báo chí về việc ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành pháp luật, trong đó có Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp.

Theo đó, 6 tháng đầu năm 2016 đã ban hành tổng số 91/101 văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh; đặc biệt, các bộ, ngành đã tập trung hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành 50/50 nghị định quy định điều kiện đầu tư kinh doanh, có hiệu lực từ ngày 1/7/2016.

Những kết quả quan trọng nêu trên là bước đột phá trong xây dựng và hoàn thiện thể chế của Chính phủ. Chỉ trong một thời gian ngắn, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành đã tập trung soạn thảo, ban hành số lượng lớn văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành pháp luật, bảo đảm đúng tiến độ và các yêu cầu về chất lượng theo quy định.

Chính phủ xác định, trong 6 tháng cuối năm 2016, nhiệm vụ xây dựng, ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản còn rất nặng nề với 59 văn bản thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và 98 thông tư cần phải ban hành.

Mặc dù vậy, Báo cáo của Bộ KH&ĐT cũng chỉ ra rằng, kinh tế vẫn có những “điểm sáng” như: Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) 6 tháng đầu năm cao hơn nhiều so với năm trước; phát triển doanh nghiệp có bước chuyển mạnh mẽ nhờ tác động của việc thực thi Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư (sửa đổi) và các nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Hơn nữa, trong 6 tháng đầu năm, khu vực dịch vụ, tăng trưởng ngành xây dựng đạt tốc độ cao nhất trong 6 năm qua (8,8%); cùng với sự phục hồi của công nghiệp chế biến, chế tạo… Đây là những yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế để có thể đạt mục tiêu đề ra.

Giải ngân vốn đầu tư công chậm

Theo các chuyên gia kinh tế, đến thời điểm này dù đã qua nửa năm, nhưng giải ngân vốn đầu tư công vẫn thấp so với kế hoạch được giao. Trong số các đơn vị có tỷ lệ giải ngân thấp, Bộ Giao thông vận tải mới đạt 6,2%, TP. Hà Nội gần 16%. Nếu không có các giải pháp cấp bách để thúc đẩy tiến độ giải ngân, tăng trưởng của nền kinh tế sẽ bị đe dọa, trong khi tỷ lệ và nghĩa vụ vay trả nợ công ngày càng có nguy cơ tăng cao.

Đề cập về tình hình giải ngân vốn đầu tư công 5 tháng đầu năm 2016, tại Phiên họp, Báo cáo của Bộ KH&ĐT cho biết, tính đến ngày 29/6/2016, Bộ KH&ĐT đã nhận được các báo cáo của các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành trên cả nước về vấn đề này. Tổng hợp từ các báo cáo nhận được cho thấy, trong 5 tháng đầu năm, vốn ngân sách nhà nước đã giải ngân chỉ đạt hơn 33% kế hoạch năm.

Về vốn trái phiếu chính phủ, theo báo cáo của 4 bộ và 51 địa phương thì trong 5 tháng đầu năm, cả nước đã giải ngân được 6.955 tỷ đồng, đạt 18% so kế hoạch; trong đó các bộ, ngành giải ngân được 12,8%, còn địa phương giải ngân đạt trên 24% so kế hoạch. Tình hình giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài chưa đạt như mong đợi.

Nguyên nhân giải ngân vốn chậm là do một số bộ, ngành và địa phương chậm thông báo và giao chi tiết kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2016; vướng mắc trong thủ tục chi và thanh toán theo hướng dẫn của Bộ Tài chính; lúng túng trong triển khai các thủ tục của Bộ Xây dựng; khó khăn giải phóng mặt bằng; năng lực yếu kém của nhà thầu…

Bổ sung thêm nguyên nhân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, trong 6 tháng đầu năm, cả nước tập trung cho hoạt động bầu cử, nên một số địa phương “đi chậm, nói khẽ” trong công tác này.

Chuyên đề