Tập trung kéo giảm chi phí logistics

(BĐT) - Chi phí logistics ở nước ta còn cao, thậm chí là rất cao. Do đó, một trong những điểm mới đáng chú ý tại Dự thảo mới nhất của Nghị quyết số 19/2018/NQ-CP đề cập đến các giải pháp thiết thực kéo giảm chi phí logistics.

Việc tăng tỷ lệ vận tải hai chiều sẽ giúp giảm đáng kể chi phí logistics. Ảnh: Lê Gia Khoa

Giảm chi phí logistics xuống khoảng 18% GDP

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), một trong những vấn đề nổi cộm nhất của dịch vụ logistics tại Việt Nam hiện nay là chi phí ở mức cao, tương đương khoảng 20,9% GDP, trong đó chi phí vận tải chiếm tới 59%.

Số liệu của Bộ Giao thông vận tải công bố mới đây cũng cho thấy, gánh nặng chi phí, nhất là chi phí logistics, đang là một rào cản lớn đối với doanh nghiệp (DN) Việt Nam hiện nay. Mức chi phí này phân theo từng chuyên ngành vận tải là rất đáng kể. Đơn cử như trong chi phí vận tải đường bộ thì chi phí xăng dầu chiếm tới 30 - 40%, phí cầu đường (BOT) bình quân 10 - 15%. Trên nhiều tuyến vận tải đường thủy ở Đồng bằng sông Cửu Long, chi phí xếp dỡ chiếm tới 35 - 40% tổng chi phí vận tải trọn gói, thời gian vận tải bằng đường thủy nội địa cao hơn 5 lần và tính ổn định thấp hơn so với đường bộ...

Rà soát điều kiện kinh doanh của một số hoạt động cung cấp dịch vụ logistics, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ rõ, còn tồn tại nhiều bất cập, vướng mắc, mặc dù thời gian qua đã có nhiều cải cách.

Bà Trần Thị Lan Anh, Phó Tổng Thư ký VCCI lên tiếng: “Còn một số điều kiện kinh doanh có tính chất cản trở các DN gia nhập vào thị trường cung cấp dịch vụ logistics”. Chẳng hạn như trong vận tải biển, dịch vụ đại lý tàu biển, lai dắt tàu biển vẫn có quy định DN phải có “bộ phận quản lý hoạt động kinh doanh, khai thác vận tải biển”... Yêu cầu này can thiệp vào quyền tự chủ trong tổ chức bộ máy nội bộ - một quyền được Luật DN bảo hộ. Hơn nữa, dưới góc độ mục tiêu quản lý nhà nước thì điều kiện này không nhằm hướng tới bảo đảm lợi ích công cộng nào.

Trước “nút thắt” chi phí logistics cao, một trong những nội dung mới nhất của Dự thảo Nghị quyết 19/2018/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện trình Thủ tướng ký ban hành đã đặt mục tiêu từng bước giảm chi phí logistics trong nền kinh tế xuống mức bằng khoảng 18% GDP, đặc biệt là cải thiện Chỉ số hiệu quả logistics thêm khoảng 10 bậc (hiện xếp thứ 64/160 nước).

Về lý do Nghị quyết lựa chọn nâng cao năng lực cạnh tranh ngành dịch vụ logistics, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Ban Môi trường kinh doanh thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho biết, đây là ngành đóng góp trực tiếp tới hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Giảm được chi phí logistics, DN có thêm nhiều cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh. Hơn nữa, mục tiêu giảm chi phí chúng ta hoàn toàn có khả năng thực hiện được chứ không hề quá khó khăn hoặc tốn kém.

3 giải pháp “không để một rò rỉ nhỏ nhấn chìm con tàu lớn”

Kiên quyết cắt giảm chi phí logistics để nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN, tại một hội nghị bàn về giải pháp giảm chi phí logistics diễn ra mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cảnh báo, hãy coi chừng các khoản chi phí nhỏ, một rò rỉ nhỏ cũng sẽ nhấn chìm một con tàu lớn. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện các giải pháp kéo giảm chi phí này.

Thủ tướng đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP đạt 8 - 10%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ đạt 15 - 20%, đặc biệt là chi phí logistics giảm xuống tương đương 16 - 20% GDP, xếp hạng theo Chỉ số năng lực quốc gia về logistics trên thế giới đạt thứ hạng 50 trở lên.

Để đạt mục tiêu năm 2018 giảm chi phí logistics xuống khoảng 18% GDP, Dự thảo Nghị quyết 19/2018/NQ-CP nhấn mạnh 3 giải pháp trọng tâm mà Bộ Giao thông vận tải cần phối hợp với các đơn vị thực hiện.

Đầu tiên là thực hiện các giải pháp thiết thực, giảm chi phí logistics bằng việc rà soát, giảm chi phí cầu, đường, nhất là phí BOT; chuyển vị trí các trạm BOT có vị trí không còn phù hợp; thực hiện thu phí BOT tự động, không dừng; giảm ách tắc ở các cảng biển, cảng hàng không, nhất là cảng Cát Lái, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất… để giảm chi phí xăng dầu, tăng quay vòng đầu xe. Bộ này cũng cần tiến hành nghiên cứu, hoàn thiện quy hoạch xây dựng cảng cạn (ICD) trên cả nước theo hướng cân đối giữa các vùng, cân đối hàng xuất khẩu và nhập khẩu, tăng tỷ lệ vận chuyển hai chiều... để hỗ trợ các chủ hàng giảm chi phí vận tải, giảm chi phí thông quan hàng hóa. Đồng thời, chỉ đạo áp dụng giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, hiệu quả kinh doanh đối với các đơn vị quản lý cảng biển, qua đó giảm chi phí logistics cho các chủ hàng cũng như hỗ trợ kết nối, chia sẻ thông tin giữa các chủ hàng, đơn vị vận tải giúp tăng tỷ lệ vận tải hai chiều, nâng cao hiệu quả của các đơn vị vận tải.

Thứ hai là thực hiện các giải pháp phát triển kết cấu hạ tầng logistics như: Nghiên cứu phát triển vận tải thủy nội địa; xây dựng các cảng thủy nội địa có trang thiết bị hiện đại; hiện đại hóa hệ thống đường sắt, nâng cao năng lực vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt, giảm thời gian, tăng độ tin cậy và chất lượng dịch vụ; phát triển sàn giao dịch logistics nhằm tối ưu hóa vận tải hai chiều hàng hóa, container.

Tiếp đó là thực hiện các giải pháp hỗ trợ DN logistics và nâng cao chất lượng dịch vụ logistics. Khuyến khích một số khu công nghiệp, khu chế xuất cung cấp dịch vụ logistics khép kín nhằm hỗ trợ DN rút ngắn thời gian, chi phí giao nhận nguyên vật liệu và sản phẩm...

Chuyên đề