Tập trung gỡ vướng trong thực hiện cơ chế một cửa quốc gia

(BĐT) - Sáng ngày 19/2/2019, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Chủ tịch Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về cơ chế một cửa ASEAN, cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại đã chủ trì Phiên họp lần thứ 4 nhằm kiểm điểm kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2018 và phương hướng triển khai năm 2019.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ chủ trì Phiên họp thứ 4 của Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về cơ chế một cửa ASEAN, cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ chủ trì Phiên họp thứ 4 của Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về cơ chế một cửa ASEAN, cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại

Theo kết quả tổng hợp, trong năm 2018, cả nước có 13 bộ, ngành hoàn thành 173 thủ tục hành chính kết nối với cơ chế một cửa quốc gia (đạt 97% so với mục tiêu của Nghị quyết số 19/2018/NQ-CP), giải quyết 1,9 triệu hồ sơ của khoảng 27.000 doanh nghiệp.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, trong năm 2018, nhìn chung các bộ, ngành đã có chuyển biến tích cực trong thực hiện cơ chế một cửa, tạo ra đột phá khi trong 5 tháng cuối năm đã triển khai thêm 100 thủ tục mới, tiếp tục mang lại lợi ích cho người dân và doanh nghiệp.

Phát biểu tại Phiên họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá, các bộ, ngành đã đạt được mục tiêu đặt ra trong năm 2018 là có chuyển biến căn bản trong thực hiện cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều tồn tại vướng mắc trong khâu thực hiện cơ chế một cửa quốc gia như: số lượng thủ tục hành chính triển khai mới chưa đáp ứng được yêu cầu, cần phải tập trung khắc phục để góp phần đưa đất nước bứt phá, phát triển toàn diện trong năm 2019. Việc phối hợp giữa các đơn vị từ khâu thống nhất quy trình chỉ tiêu thông tin phát triển phần mềm và kết nối hệ thống thông tin giữa một cửa quốc gia với các bộ, ngành còn hạn chế. Bên cạnh đó, tiến độ phát triển nâng cấp hạ tầng mạng, thiết bị không theo kịp tốc độ triển khai, dẫn đến một số thời điểm hệ thống quá tải, không đáp ứng kịp với giao dịch phát sinh.

Chuyên đề