Tạo lợi thế cạnh tranh vượt trội trong “sân chơi” toàn cầu

(BĐT) - Các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc đã được Đảng, Nhà nước cho phép thành lập. Các đơn vị này có gì khác biệt so với khu kinh tế thông thường và có tác động như thế nào đối với nền kinh tế đất nước? 

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã dành cho Báo Đấu thầu cuộc phỏng vấn xung quanh việc xây dựng chính sách, pháp luật cho các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Xin Bộ trưởng cho biết việc phát triển các mô hình khu kinh tế như khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao thời gian qua đã đạt được kết quả và có những khó khăn, hạn chế nào?

Tính đến tháng 11/2016, chúng ta đã xây dựng 16 khu kinh tế ven biển,  26 khu kinh tế cửa khẩu, 3 khu công nghệ cao và 324 khu công nghiệp, khu chế xuất. Các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất đã thu hút được 152 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký (chiếm gần 50% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam) và 1.511 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư trong nước đăng ký; đóng góp khoảng 45% giá trị sản xuất công nghiệp và khoảng 51% giá trị xuất khẩu của cả nước; thu hút hơn 3 triệu lao động.

Đến nay, việc phát triển và thu hút đầu tư của các khu kinh tế này đã chậm lại và gặp nhiều khó khăn do những hạn chế sau:

Một là, cơ chế, chính sách ưu đãi các khu kinh tế không còn đủ sức cạnh tranh trong khu vực.

Hai là, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy quản lý chưa cao, thủ tục hành chính chậm chạp, phiền hà, chưa thông thoáng.

Ba là, kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu; một số khu ở vị trí không thuận lợi; thu hút và triển khai các dự án động lực, các nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực, có công nghệ cao còn hạn chế; chưa tạo được sự liên kết và tương hỗ giữa các khu kinh tế làm cho sức cạnh tranh thấp.

Nguyên nhân chủ yếu là do:       

Thứ nhất, nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội của các khu kinh tế chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước, không đáp ứng đủ yêu cầu của nhà đầu tư.

Thứ hai, các khu kinh tế có mục tiêu phát triển ngành, lĩnh vực tương đối giống nhau, chưa định hướng thu hút các ngành, lĩnh vực có lợi thế so sánh nên dẫn tới tình trạng cạnh tranh không hiệu quả giữa các khu kinh tế.

Thứ ba, chưa tạo được những thể chế, chính sách đặc thù, đột phá và mang tính cạnh tranh quốc tế do bị khống chế bởi pháp luật chuyên ngành. 

So với các mô hình trên thế giới, cơ chế, chính sách phải vượt trội để đảm bảo sức cạnh tranh và quan trọng hơn là phải tham gia “sân chơi” toàn cầu, có nghĩa là các cơ chế, chính sách của ta đưa ra phải đáp ứng được yêu cầu của các tập đoàn, nhà đầu tư toàn cầu. Mục tiêu là đảm bảo đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt thực sự là môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, phát huy được tiềm năng thế mạnh và là nơi thử nghiệm các cơ chế, chính sách mới mà chưa có điều kiện áp dụng rộng rãi.
Bộ trưởng có thể cho biết sự cần thiết của việc xây dựng mô hình đơn vị hành chính kinh tế - đặc biệt hiện nay?

Qua hơn 13 năm phát triển, mô hình khu kinh tế ở nước ta không còn mới, trở nên kém linh hoạt, trong khi vẫn còn gặp phải nhiều khó khăn, hạn chế. Việc khai thác các tiềm năng tĩnh như tài nguyên thiên nhiên, lợi thế tự nhiên, lao động giá rẻ đã dần tới hạn, cần chuyển sang phát huy các tiềm năng động như cải cách thể chế, sức sáng tạo, tiềm năng trí tuệ của con người để tạo ra năng suất lao động, hiệu quả kinh tế cao hơn.

Môi trường đầu tư của Việt Nam đang bị cạnh tranh mạnh từ các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Tại một số quốc gia lân cận đã hình thành và phát triển có hiệu quả các mô hình như: “đặc khu kinh tế”, “đặc khu hành chính”, “thành phố tự do”, “thành phố công nghiệp - công nghệ cao thông minh”… như các đặc khu kinh tế Thẩm Quyến, Chu Hải (Trung Quốc), Incheon (Hàn Quốc). Gần đây, các quốc gia này tiếp tục hoàn thiện các mô hình này theo hướng tạo cơ chế, chính sách đầu tư, thương mại thuận lợi hơn. Các quốc gia khác như Thái Lan, Nga, Myanmar, Campuchia cũng đã xây dựng các mô hình tương tự để cạnh tranh thu hút đầu tư.  

Chính vì vậy, để cạnh tranh tốt hơn, đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn, việc xây dựng mô hình đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt với các cơ chế, chính sách về hành chính và kinh tế đột phá, vượt trội, cạnh tranh với quốc tế để tạo động lực phát triển mới, có tác động lan tỏa tích cực ở Việt Nam là hết sức cần thiết, cấp bách trong giai đoạn hiện nay. Để cụ thể hóa mô hình này, tại Thông báo số 21-TB/TW ngày 22/3/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về các Đề án xây dựng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) và Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), Bộ Chính trị đã cho phép thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) và Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) và giao Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Đây là chỉ đạo quan trọng để hiện thực hóa chủ trương của Hiến pháp năm 2013, Văn kiện Đại hội XII của Đảng tháng 1/2016, Nghị quyết số 142/2016/QH13 ngày 12/4/2016 của Quốc hội về xây dựng mô hình đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt tại Việt Nam.

Sự phát triển của Phú Quốc sẽ tạo sự lan tỏa, thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước phát triển. Ảnh: Lâm Thanh Sơn

Mô hình đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt tuy còn mới mẻ với Việt Nam nhưng lại không còn mới với một số nước trên thế giới. Mô hình đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt của Việt Nam cần có những đặc điểm gì để đảm bảo sức cạnh tranh với các mô hình khác trên thế giới, thưa Bộ trưởng?

Mô hình đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt phải đảm bảo đáp ứng được sức cạnh tranh với các mô hình trên thế giới nhưng cũng phải phù hợp với thể chế chính trị, Hiến pháp của Việt Nam và đáp ứng được các yêu cầu cụ thể về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn tới. Chủ trương của Đảng, Nhà nước đối với xây dựng mô hình đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt là có các cơ chế, chính sách về hành chính và kinh tế đột phá, vượt trội và cạnh tranh với quốc tế. Điều này có thể hiểu là, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt của Việt Nam được áp dụng các cơ chế, chính sách mới, thuận lợi hơn so với quy định của pháp luật hiện hành cả về hành chính như bộ máy cơ quan quản lý, phương thức quản lý và về kinh tế như ưu đãi thuế, đất đai... So với các mô hình trên thế giới, cơ chế, chính sách phải vượt trội để đảm bảo sức cạnh tranh và quan trọng hơn là phải tham gia “sân chơi” toàn cầu, có nghĩa là các cơ chế, chính sách của ta đưa ra phải đáp ứng được yêu cầu của các tập đoàn, nhà đầu tư toàn cầu. Mục tiêu là đảm bảo đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt thực sự là môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, phát huy được tiềm năng, thế mạnh và là nơi thử nghiệm các cơ chế, chính sách mới mà chưa có điều kiện áp dụng rộng rãi.

Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với các bộ, ngành và địa phương nghiên cứu xây dựng Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt để Chính phủ sớm trình Quốc hội thông qua, trong đó, sẽ cụ thể hóa các chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và Bộ Chính trị thành những quy định chính sách cụ thể.

Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Quảng Ninh đã gấp rút thu hút đầu tư vào kết cấu hạ tầng để sẵn sàng cho việc thành lập Khu hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn. Ảnh: Lê Tiên

Tiềm năng và lợi thế về vị trí địa lý của Bắc Vân Phong được nhiều nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao. Ảnh: Nhã Chi

Chuyên đề