Tăng trưởng không còn phụ thuộc vào khai khoáng

(BĐT) - Đầu năm, mục tiêu tăng trưởng năm 2017 của Việt Nam đứng trước rất nhiều thách thức khi lĩnh vực khai khoáng sụt giảm mạnh. Tuy nhiên, với sự đột phá của các ngành dịch vụ và công nghiệp chế biến, chế tạo, áp lực tăng trưởng kinh tế đã được giải tỏa đáng kể.
Trong 9 tháng đầu năm, công nghiệp khai khoáng giảm 8,08%. Ảnh: Dương Đại
Trong 9 tháng đầu năm, công nghiệp khai khoáng giảm 8,08%. Ảnh: Dương Đại

Khai khoáng liên tục giảm sâu

Chỉ còn 1 tháng nữa là năm 2017 sẽ qua đi. Kết quả của tăng trưởng kinh tế đã dần khả quan hơn với các dự báo ngày càng rõ ràng với toàn bộ 13/13 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của năm sẽ hoàn thành, trong đó có cả mục tiêu tăng trưởng GDP.

Tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 6,41%, cả năm ước đạt 6,7%.

Đạt được kết quả tăng trưởng 3 quý vừa qua, theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, là nhờ cả 3 khu vực tăng trưởng khá đồng đều: nông nghiệp tăng 2,78% (gấp hơn 4 lần cùng kỳ 2016), trong đó thủy sản tăng 5,42%; xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước cả năm đạt 35 tỷ USD; công nghiệp và xây dựng tăng 7,17%, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 12,8%; khu vực dịch vụ tăng 7,25%, cao nhất kể từ năm 2008. Thu hút khách du lịch đạt kỷ lục, khách quốc tế đạt 9,45 triệu lượt, ước cả năm 13 triệu lượt, tăng 30%; khách trong nước đạt 57,9 triệu lượt, ước cả năm 75 triệu lượt, tăng 12%.

Cũng tại Phiên họp tổ của Kỳ họp này, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã khẳng định quan điểm rằng, tăng trưởng kinh tế Việt Nam không thể dựa vào khai khoáng và vốn như trước. Thực tế cho thấy, từ năm 2016 đến 2017, Việt Nam bắt đầu đối mặt với thực tế công nghiệp khai khoáng liên tục giảm sâu. Các mặt hàng quan trọng là dầu thô và than đá đều sụt giảm do khó khăn trong khai thác, chi phí lên cao… Các số liệu của năm 2017 cho thấy, trong 9 tháng đầu năm, công nghiệp khai khoáng giảm 8,08%.

Riêng với dầu thô, kế hoạch khai thác năm 2017 chỉ là 13,28 triệu tấn, giảm 3 triệu tấn so với năm 2016 và giảm 4,54 triệu tấn so với năm 2015. Theo tính toán, cứ mỗi 1 triệu tấn dầu thô giảm đi thì GDP giảm 0,25%. Theo đó, năm 2017, sản lượng giảm 3 triệu tấn khiến GDP giảm 0,75%.

Bệ phóng cho tăng trưởng nhờ đâu?

Thực tế cho thấy, từ năm 2016 đến 2017, Việt Nam bắt đầu đối mặt với thực tế công nghiệp khai khoáng liên tục giảm sâu. Các mặt hàng quan trọng là dầu thô và than đá đều sụt giảm do khó khăn trong khai thác, chi phí lên cao… Các số liệu của năm 2017 cho thấy, trong 9 tháng đầu năm, công nghiệp khai khoáng giảm 8,08%.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), mục tiêu tăng trưởng năm 2017 là khả quan nếu các ngành, lĩnh vực tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng tốt trong quý còn lại; các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng đề ra đạt hiệu quả tích cực.

Theo tính toán của Bộ KH&ĐT, năm 2017, nếu giả định ngành khai khoáng không giảm (tăng trưởng 0%), thì tăng trưởng GDP của cả nền kinh tế đạt tới 7,24%. Song, ước tăng trưởng ngành khai khoáng năm 2017 giảm (âm) 5,9% sẽ ảnh hưởng đáng kể đến tăng trưởng chung của cả nền kinh tế.

“Trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng, giảm dần việc dựa vào khai thác tài nguyên, nhất là dầu thô, và chuyển hướng sang lấy công nghiệp chế biến - chế tạo và dịch vụ làm nòng cốt thì việc chúng ta phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% trong khi các chỉ tiêu khác đều đạt và vượt mục tiêu đã đề ra là một cố gắng lớn”, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng khẳng định, tăng trưởng của Việt Nam hiện nay phần lớn là dựa vào công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo. Tăng trưởng dịch vụ và du lịch đóng góp quan trọng vào tăng trưởng GDP cả nước, hoàn toàn có thể bù đắp thiếu hụt về khai thác dầu thô.

Thời gian qua, sản xuất công nghiệp của nhiều tỉnh, thành phố cũng tăng. Nếu tình hình tiếp tục diễn ra như vậy thì công nghiệp chế biến, chế tạo dự kiến đạt mức tăng trưởng 13 - 13,5%, mức tăng cao nhất từ năm 2010 trở lại đây, không chỉ bù đắp cho công nghiệp khai khoáng, mà còn là động lực để tăng trưởng, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực khai khoáng đang gặp khó khăn, kéo theo mức tăng trưởng sản xuất công nghiệp giảm. Nhưng đây là điều cần thiết vì Việt Nam đang hướng tới phát triển bền vững hơn, chế biến, chế tạo những sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn.

Chuyên đề