Tăng trưởng dựa trên những nền tảng bền vững

(BĐT) - Sau khi con số tăng trưởng GDP quý III được công bố với kết quả hết sức đáng mừng, một số ý kiến hoài nghi kết quả này đạt được từ đâu khi khai khoáng giảm, hay tăng trưởng chỉ nhờ tín dụng? 
Xuất khẩu đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng với kết quả 9 tháng đạt con số kỷ lục 154 tỷ USD và dự kiến năm nay đạt 202 tỷ USD. Ảnh: Lê Tiên
Xuất khẩu đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng với kết quả 9 tháng đạt con số kỷ lục 154 tỷ USD và dự kiến năm nay đạt 202 tỷ USD. Ảnh: Lê Tiên

Nhưng thực tế các chỉ số kinh tế cho thấy tăng trưởng quý III và 9 tháng của năm 2017 đạt được là từ những nền tảng bền vững, không phải chạy theo thành tích bằng mọi giá.

Nhiều yếu tố tích cực hỗ trợ tăng trưởng

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), GDP quý I tăng 5,15%, quý II tăng 6,28% và quý III có sự đột phá, tăng 7,46%. Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9 vừa diễn ra chiều tối 3/10, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã làm rõ những tác nhân nào đã tạo ra con số tăng trưởng tốt như vậy, trong khi sản lượng khai khoáng giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, đầu tiên phải kể đến sự đóng góp của lĩnh vực nông nghiệp. Nông nghiệp năm 2016 tăng trưởng dương 1,36%, ngay quý I năm 2017 đã đạt tăng trưởng dương 2,08% đến quý III đạt tăng trưởng dương 3,05% và 9 tháng đạt 2,75%. Dự báo cả năm nông nghiệp tăng trưởng dương 2,78%. Đây là kết quả rất tích cực của việc tập trung chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng theo chuỗi, ứng dụng công nghệ cao,…

Yếu tố thứ hai là sự tăng trưởng của công nghiệp chế biến, chế tạo, xây dựng. Các lĩnh vực sản xuất linh kiện điện thoại, linh kiện điện tử, sản xuất kim loại tăng trưởng mạnh. Riêng Samsung đóng góp rất lớn vào xuất khẩu, dự kiến năm nay kim ngạch xuất khẩu của Samsung đạt được trên 50 tỷ USD.

Mức tăng của nông nghiệp và công nghiệp xây dựng, chế biến, chế tạo đã bù đắp thiếu hụt của khai khoáng. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định, quan điểm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là tăng trưởng bền vững, không tăng sản lượng khai khoáng, đặt biệt là dầu khí. Dự kiến cả năm nay, khai khoáng giảm 6,19% so với năm 2016.

Bên cạnh đó, lĩnh vực dịch vụ, mua sắm bán lẻ đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng. Dịch vụ khách quốc tế đến Việt Nam tăng khá tốt. Dự kiến cả năm nay khách du lịch quốc tế đến Việt Nam sẽ đạt ít nhất 13 triệu lượt người; thương mại nội địa tăng tốt với sức mua tăng 10,5% trong 9 tháng.

Đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng cũng phải kể đến xuất khẩu, với kết quả 9 tháng đạt con số kỷ lục 154 tỷ USD và dự kiến năm nay đạt 202 tỷ USD. Cán cân thương mại chuyển biến tích cực. Đặc biệt, vốn FDI đăng ký mới và mở rộng đạt con số ấn tượng, tăng hơn 34% so với cùng kỳ năm 2016.

Từ những con số cụ thể này, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định, tăng trưởng 9 tháng của năm 2017 là kết quả của những nỗ lực không ngừng, sự quyết liệt, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Ngay từ đầu năm, trước nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ vẫn đặt quyết tâm không điều chỉnh giảm chỉ tiêu tăng trưởng, nhất quán thực hiện các giải pháp để đạt chỉ tiêu 6,7% đã được đề ra. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã điều hành sát sao, đặt chỉ tiêu rõ ràng cho từng ngành, lĩnh vực, giao nhiệm vụ và trách nhiệm cụ thể cho từng trưởng ngành, lãnh đạo địa phương.

Đặc biệt, Chính phủ đã tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, với rất nhiều hành động thiết thực, cắt giảm mạnh các thủ tục gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân. Lũy kế đến nay, đã cắt giảm trên 5.000 thủ tục hành chính, có bộ tuyên bố cắt giảm đến 600 - 700 thủ tục. Các bộ đều có nghị quyết, đề xuất Thủ tướng có nghị quyết cắt giảm các thủ tục hành chính. Lòng tin của thị trường, của doanh nghiệp tăng lên, không khí sản xuất kinh doanh, khởi nghiệp rất tích cực và đây chính là dư địa lớn cho tăng trưởng kinh tế thời gian tới.

Thực tế, kết quả phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam 9 tháng năm 2017 cũng rất trùng khớp với những đánh giá tích cực từ các tổ chức quốc tế. Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam do Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đánh giá tăng 5 bậc; Chỉ số nhà quản trị mua hàng do Nikkei vừa công bố thì Việt Nam đạt trên 53 điểm, cao nhất ASEAN. 

Còn nhiều nhiệm vụ nặng nề trong quý IV

Tại cuộc họp Chính phủ tháng 9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trước kết quả 9 tháng qua thì nhiều khả năng đây sẽ là năm đầu tiên sau nhiều năm hoàn thành tất cả 13 chỉ tiêu Quốc hội giao. Tuy nhiên, Thủ tướng yêu cầu, tuyệt đối không được chủ quan. Quý IV nếu không tích cực, tiếp tục thực hiện các giải pháp một cách quyết liệt hơn trên toàn diện các lĩnh vực thì sẽ không thể đạt được kết quả.

Người phát ngôn Chính phủ trong cuộc Họp báo cũng khẳng định lại tinh thần của Thủ tướng Chính phủ là tiếp tục yêu cầu thực hiện nghiêm những nhiệm vụ của Chính phủ giao cho các bộ, ngành, địa phương; thường xuyên tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công để không lãng phí nguồn vốn, kiên quyết cắt giảm vốn nếu không giải ngân được theo đúng quy định; tiếp tục tạo cơ chế thuận lợi thu hút nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước.

Chuyên đề