Tăng tốc thực hiện Nghị quyết 19

(BĐT) - “Nếu chúng ta không cải cách để thay đổi thì sẽ thụt lùi; và nếu cải cách chậm thì chúng ta cũng thụt lùi bởi các nước bên cạnh đang tiến nhanh hơn chúng ta rất nhiều…”, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương nhận định.
Thời gian tới, chúng ta cần tạo ra động lực và áp lực để tăng tốc cải cách môi trường kinh doanh. Ảnh: Lê Tiên
Thời gian tới, chúng ta cần tạo ra động lực và áp lực để tăng tốc cải cách môi trường kinh doanh. Ảnh: Lê Tiên

Bởi vậy, Dự thảo Nghị quyết số 19 (NQ19) năm 2019 vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ đã nhấn mạnh yêu cầu vào cuộc mạnh mẽ và tăng tốc hơn nữa của các bộ, ngành, địa phương trong công tác triển khai thực hiện Nghị quyết.   

Cải cách không đồng đều và còn chậm

Nhìn lại 5 năm thực hiện NQ19, Dự thảo Nghị quyết số 19 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021 (Dự thảo NQ19-2019) nêu rõ nhiều kết quả đạt được. Tuy vậy, thứ hạng môi trường kinh doanh của nước ta vẫn còn thấp trong khu vực. Bên cạnh đó, một số chỉ số không những không được cải thiện mà còn liên tục bị tụt hạng. Sau 5 năm, chỉ số Phá sản doanh nghiệp giảm 29 bậc, ở vị trí cuối bảng xếp hạng; chỉ số Giải quyết tranh chấp hợp đồng giảm 15 bậc; chỉ số Đăng ký tài sản giảm 27 bậc. Các chỉ số về đổi mới sáng tạo còn ở mức thấp cả về thứ hạng và giảm chất lượng trên các bảng xếp hạng về năng lực cạnh tranh.

Cách thức quản lý nhà nước ở các bộ, ngành và địa phương có sự thay đổi, cải cách, nhưng không đồng đều và còn chậm. Không ít quy định pháp luật vẫn chưa cụ thể, thiếu nhất quán, chưa tiên liệu được; hiệu lực thực thi thấp. Không ít cán bộ, công chức vẫn cố tình gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp. Rủi ro đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh vẫn còn cao; chi phí phi chính thức vẫn còn lớn, gây thêm tốn kém về thời gian, tiền bạc và làm mất cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp.

Trong khi đó, trên thế giới, các nền kinh tế chú trọng và tăng tốc thực hiện cải cách về môi trường kinh doanh, đổi mới sáng tạo, nhấn mạnh các yếu tố thúc đẩy tăng trưởng trong dài hạn. Từ đó, mục tiêu đạt vị thế trong ASEAN 4 của nước ta ngày càng trở nên thách thức hơn. Để nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện năng suất lao động và mức sống của người dân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, những nỗ lực cải cách cần tiếp tục được phát huy. Thực hiện NQ19 cần sự vào cuộc mạnh mẽ và tăng tốc hơn nữa của các bộ, ngành, địa phương, cũng như sự chia sẻ thông tin và hợp tác từ phía cộng đồng doanh nghiệp, cơ quan truyền thông và các bên liên quan khác.

Ông Nguyễn Đình Cung nhìn nhận, thực hiện NQ19 thời gian qua đã tạo nên đà cải cách cải thiện môi trường kinh doanh nhưng kết quả vẫn chưa được như mong đợi. Thời gian tới, chúng ta cần phải tăng tốc cải cách để không bị thụt lùi so với các nước. Bởi vậy, chúng ta cần tạo ra động lực và áp lực để tăng tốc cải cách. 

Nâng cao trách nhiệm của các bộ, ngành

Nhìn vào mục tiêu Dự thảo NQ19-2019 có thể thấy, so với năm 2018, Việt Nam phải tăng 15 - 20 bậc trong xếp hạng môi trường kinh doanh (của Ngân hàng Thế giới); tăng 5 - 10 bậc trong xếp hạng năng lực cạnh tranh (của Diễn đàn Kinh tế thế giới)… Các chuyên gia kinh tế cho rằng, đây là mục tiêu cao, song nếu chúng ta cải cách mạnh mẽ thì hoàn toàn có thể đạt được, thậm chí còn cao hơn mục tiêu đặt ra nếu có sự tăng tốc vào cuộc của các bộ, ngành.

Theo ông Cung, mỗi chỉ số đánh giá môi trường kinh doanh đều gắn trách nhiệm của từng bộ, ngành. Do vậy, các bộ, ngành phải xem việc cải cách thực hiện NQ19 là việc của mình để tiên phong dẫn dắt, thúc đẩy, tạo áp lực cho các cơ quan khác thay đổi. Còn nếu các bộ, ngành thấy cải cách cứ nằm ở đâu đó chứ không phải việc của mình thì sẽ không thể thay đổi.

Nhấn mạnh trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc thực hiện giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019, Dự thảo NQ19-2019 nêu rõ nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu. Cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao chủ trì, chịu trách nhiệm đối với 2 chỉ số: Khởi sự kinh doanh và Bảo vệ nhà đầu tư. Bộ Tài chính chủ trì, chịu trách nhiệm đối với các chỉ số: Nộp thuế, Giao dịch thương mại qua biên giới, Vốn hóa thị trường chứng khoán, Chất lượng các quy định về giải quyết xung đột lợi ích trong công ty…

Về giải pháp, Dự thảo NQ19-2019 quán triệt các bộ, ngành trong việc tiếp tục bãi bỏ, đơn giản hóa các quy định về điều kiện kinh doanh; thực thi đầy đủ, triệt để những cải cách về điều kiện kinh doanh đã thực hiện trong năm 2018 với lộ trình cụ thể.

Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo dõi, chỉ đạo các sở, ngành, UBND quận, huyện đảm bảo thực thi đầy đủ việc bãi bỏ điều kiện kinh doanh và những nội dung được đơn giản hóa; loại bỏ, thay thế những cán bộ, công chức vẫn tiếp tục thực hiện các quy định cũ, hoặc không thực hiện đúng, đầy đủ các quy định mới về điều kiện kinh doanh.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành tiếp tục cải cách toàn diện quản lý, kiểm tra chuyên ngành; tạo điều kiện hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp công nghệ.

Chuyên đề