Tăng tốc cải thiện môi trường kinh doanh

(BĐT) - Niềm tin của doanh nghiệp (DN) vào thị trường ngày càng tăng lên trong mấy năm gần đây khi môi trường kinh doanh của Việt Nam liên tục tăng hạng trong bảng xếp hạng của Ngân hàng Thế giới. 
Ảnh: Lê Tiên
Ảnh: Lê Tiên

Tại Hội nghị quốc tế “Cải thiện vượt bậc môi trường kinh doanh nhằm nâng cao chất lượng và tốc độ tăng trưởng của Việt Nam”, nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực cải thiện vượt bậc môi trường kinh doanh để vượt qua thách thức, đón bắt những cơ hội mới đang mở ra.

Tăng tốc cải thiện môi trường kinh doanh ảnh 1
Chuyển động để cải thiện thực chất và toàn diện

Ông Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ

Việt Nam còn khoảng 40% lao động làm việc ở khu vực nông nghiệp, trong khi các nước phát triển chỉ là 5 - 10%. Để đạt được tỷ lệ này ở Việt Nam thì cần có thêm nhiều nhà máy, nhiều DN hơn nữa. Chính phủ đã đề ra mục tiêu đến năm 2020 phải có 1 triệu DN, tương đương với mức trung bình của ASEAN là 100 người dân có 1 DN. Làm sao để người dân, DN có thông tin tốt để khởi sự kinh doanh nhằm đạt mục tiêu này? Nhất thiết các bộ, ngành và địa phương phải cùng nhau vào cuộc để cải thiện thực chất và toàn diện môi trường kinh doanh.

Qua tổng kết mấy năm thực hiện Nghị quyết 19 giai đoạn 2014 - 2017 cho thấy, còn tình trạng “nóng”, “ấm” không đều. Một số bộ, ngành liên quan, một số chỉ tiêu chính thì “nóng” (công thương, tài chính), còn lại thì chưa “nóng”. Môi trường kinh doanh có tốt hơn nhưng vẫn còn nhiều chỉ số thấp hơn so với nhiều nước.

Do đó, “thách đố” đặt ra cho năm 2018 trong việc cải thiện môi trường kinh doanh là rất lớn. Năm 2018, việc thực hiện Nghị quyết 19 sẽ phải khắc phục tình trạng không đồng đều giữa các bộ, ngành, địa phương và “trên nóng, dưới lạnh” ở ngay trong một bộ, ngành. Trước đây, chúng ta chỉ tập trung cải thiện những chỉ số chính, nên những bộ, ngành nào liên quan thì có sức ép, động lực để thực hiện, nhưng năm nay, những bộ chưa được chú ý lắm cũng phải chuyển động mạnh hơn, nóng hơn.

Tăng tốc cải thiện môi trường kinh doanh ảnh 2
Tạo ra kết quả theo cấp số nhân, cấp lũy thừa

Ông Nguyễn Văn Trung, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chất lượng tăng trưởng là trọng tâm ưu tiên của Chính phủ trong những năm qua. Chính phủ đã triển khai nhiều hành động, trong đó đáng chú ý là việc liên tục ban hành các Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Năm 2018, Chính phủ vẫn tiếp tục đặt mục tiêu cao hơn, toàn diện hơn. Dự thảo Nghị quyết 19/2018 duy trì mục tiêu về cải thiện môi trường kinh doanh, nhấn mạnh cải cách điều kiện kinh doanh và quản lý chuyên ngành; bổ sung thêm mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh ngành logistics và ngành du lịch để hỗ trợ tái cơ cấu kinh tế nói chung và cơ cấu ngành nói riêng, thúc đẩy tăng năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Vì vậy, tôi hy vọng trong Hội nghị hôm nay, các đại biểu tham dự sẽ chia sẻ những thực tiễn tốt và chưa tốt, giải pháp và cách tiếp cận sáng tạo để tạo ra những kết quả theo cấp số nhân, lũy thừa trong cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Tăng tốc cải thiện môi trường kinh doanh ảnh 3
Phạt những công chức gây cản trở cho người dân và doanh nghiệp

Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế

Để cải thiện môi trường kinh doanh, tôi cho rằng phải tháo gỡ thực chất hơn cho DN bằng việc cắt bỏ các điều kiện kinh doanh thông qua một cách làm mới. Theo đó, đề nghị Chính phủ giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra danh mục các điều kiện kinh doanh và yêu cầu về tiến độ cắt giảm. Đến thời điểm yêu cầu mà bộ đó không cắt thì Thủ tướng ra quyết định cắt bỏ điều kiện đó chứ không chờ các bộ rà soát rồi kiến nghị như hiện nay. Chúng ta phải “nóng” theo cách đó thì ở dưới may ra mới chịu thay đổi. Hiện có nhiều công chức đang “lạnh tanh” với DN và “lạnh tanh” với sự phát triển của đất nước.

Tiếp đó, chúng ta cần phải có chế tài đối với những nơi, những cán bộ gây cản trở cho người dân và DN. Đối với những công chức, cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ, thậm chí còn gây khó khăn cho người dân, gây tốn kém cho đất nước thì không có lý gì mà người dân và DN cứ phải nộp thuế để nuôi họ.

Tăng tốc cải thiện môi trường kinh doanh ảnh 4
Thủ tướng “nóng”, nhưng còn bộ trưởng “lạnh”

Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương

Đúng là chúng ta đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh giai đoạn 2014 - 2017. Tuy nhiên, kết quả đạt được là không đều, có sự chênh lệch khá lớn giữa các chỉ số, giữa các bộ, ngành và địa phương. Ở những chỉ số, những lĩnh vực, địa phương mà bộ trưởng, chủ tịch UBND tỉnh thực sự vào cuộc, chỉ đạo tổ chức thực hiện quyết liệt, sát sao, bám sát Nghị quyết của Chính phủ, thì ở đó đạt được kết quả và có cải thiện rõ nét như: Bộ Tài chính với chỉ số nộp thuế, cải cách thủ tục hải quan; Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng bãi bỏ điều kiện kinh doanh… Chỉ mới có tiến bộ ở các chỉ số, các ngành, lĩnh vực có vấn đề nóng, vấn đề được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm; có phản biện, góp ý và yêu cầu mạnh mẽ từ phía DN, hiệp hội DN.

Tình trạng “trên nóng dưới lạnh” vẫn còn. Đáng kể nhất là thực tế Thủ tướng, Phó Thủ tướng “nóng”, nhưng một số bộ trưởng vẫn còn “lạnh”; nhiều chủ tịch tỉnh, thành phố còn chưa “nóng”... Gây áp lực để cải thiện những tồn tại này, trong Nghị quyết 19/2018, Chính phủ tiếp tục đặt mục tiêu cao, cụ thể nhất có thể; cải cách mạnh mẽ hơn, kết quả đồng đều hơn, tác động thực chất và toàn diện hơn.

Tăng tốc cải thiện môi trường kinh doanh ảnh 5
Tạo điều kiện cho khu vực tư nhân phát triển

Ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam

Việc phát triển một khu vực kinh tế có khả năng cạnh tranh là nhân tố chính tạo việc làm và thịnh vượng của một đất nước. Việc phát triển một khu vực tư nhân năng động phụ thuộc môi trường pháp quy có tốt hay không để giúp DN gia nhập thị trường thuận lợi nhất, nâng cao khả năng cạnh tranh tổng thể của đất nước cũng như khai thác tốt tiềm năng kinh tế.

 Nỗ lực cho vấn đề này, thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã rất quan tâm xây dựng và hoàn thiện pháp luật, trong đó đáng chú ý là Luật DN. Số lượng DN tư nhân đang hoạt động đã tăng 13 lần với con số 520.000 DN hoạt động trong năm 2017.

Tuy nhiên, tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam vẫn còn rất lớn, chưa được khai thác hiệu quả, nhất là khối DN tư nhân. Năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam vẫn còn kém vì một số thủ tục, trong khi đó, khả năng tiếp cận vốn, kỹ năng của DN còn nhiều hạn chế, chi phí không chính thức của DN vẫn chiếm đến 10%. Do đó, việc tăng hạng trong bảng xếp hạng cũng rất quan trọng, nhưng quan trọng hơn là triển khai thực thi hiệu quả.

Chuyên đề