Tăng tốc cải cách Chỉ số khởi sự kinh doanh

(BĐT) - Mặc dù rất nỗ lực trong việc cải thiện Chỉ số khởi sự kinh doanh, nhưng Báo cáo Doing Business 2020 vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố cho thấy, thứ hạng của Việt Nam có bước lùi so với các nền kinh tế khác.
Để thực hiện toàn diện cải cách Chỉ số khởi sự kinh doanh, đòi hỏi không chỉ sửa Luật Doanh nghiệp mà cả pháp luật có liên quan về thuế, lao động. Ảnh: Minh Khuê
Để thực hiện toàn diện cải cách Chỉ số khởi sự kinh doanh, đòi hỏi không chỉ sửa Luật Doanh nghiệp mà cả pháp luật có liên quan về thuế, lao động. Ảnh: Minh Khuê

Bởi vậy, ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhấn mạnh, Việt Nam phải thực hiện quyết liệt các giải pháp để cải cách triệt để chỉ số này, tạo thuận lợi tối đa cho việc gia nhập thị trường của doanh nghiệp (DN).

Chưa có bước tiến đáng kể

Theo Doing Business 2020, Chỉ số khởi sự kinh doanh của Việt Nam năm nay dù được ghi nhận tăng điểm (nhờ giảm 1 ngày thực hiện thủ tục), nhưng lại tụt tới 11 bậc (từ vị trí 104 năm 2019 xuống vị trí 115 năm 2020).

Lý giải về sự chững lại của chỉ số này, bà Nguyễn Thị Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, thời gian qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã làm nhiều việc trong phạm vi quản lý nhà nước của mình để cải thiện chỉ số này. Cụ thể, để giảm các bước trong đăng ký kinh doanh, Dự thảo Luật DN (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp này đề xuất cắt bỏ một số thủ tục không cần thiết cho DN. “Tuy nhiên, theo dự kiến thì kỳ họp tới (năm 2020), Quốc hội mới thông qua nên trước mắt những thủ tục này chưa được cắt bỏ như đề xuất”, bà Việt Anh nói.

Liên quan đến cắt giảm chi phí cho DN gia nhập thị trường, từ tháng 3/2019, cơ quan quản lý về đăng ký kinh doanh đã kiến nghị Bộ Tài chính giảm lệ phí đăng ký thành lập DN xuống 50% cũng như kiến nghị giảm phí môn bài. Và tháng 8/2019, Bộ Tài chính đã ban hành thông tư sửa đổi giảm 50% lệ phí đăng ký thành lập DN. Tuy nhiên, WB chỉ ghi nhận những cải cách đạt được trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 5 hàng năm. Vì vậy, những cải cách liên quan đến cắt giảm chi phí, tạo thuận lợi cho DN gia nhập thị trường chưa được WB ghi nhận trong kỳ đánh giá này…

Nhìn vào thực trạng của Chỉ số khởi sự kinh doanh, ông Nguyễn Đình Cung đánh giá: 20 năm qua, kể từ khi Luật DN được ban hành, Chỉ số khởi sự kinh doanh đã có sự cải thiện vượt bậc, nhưng đó là so sánh “ta với ta”. So với các nước trong khu vực, thực sự đây vẫn là chỉ số thua kém nhiều.

Đồng tình với ý kiến này, một số chuyên gia cho rằng, thủ tục thành lập DN và khởi sự kinh doanh của nước ta còn phức tạp, tốn kém về thời gian và chi phí. 

Tiếp tục đơn giản hóa thủ tục gia nhập thị trường

Chỉ số khởi sự kinh doanh theo đánh giá của WB gồm 8 bước, bao gồm: Đăng ký thành lập DN với cơ quan đăng ký kinh doanh và công bố nội dung đăng ký DN; khắc dấu; thông báo mẫu dấu; mở tài khoản ngân hàng; mua hoặc tự in hóa đơn VAT; nộp thuế môn bài; đăng ký lao động với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; đăng ký bảo hiểm với cơ quan bảo hiểm.
Ông Cung nhấn mạnh: “Sự trồi sụt của Chỉ số đặt ra yêu cầu Việt Nam cần tăng tốc, quyết liệt cải cách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh”.

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM, thành viên Ban soạn thảo Luật DN (sửa đổi), cho rằng, thực tế này đòi hỏi cần cải cách mạnh mẽ trong cắt giảm các thủ tục không cần thiết nhằm cắt giảm thời gian và chi phí cho DN. Theo ông Hiếu, trong Dự thảo Luật DN (sửa đổi) cũng sẽ sửa đổi cơ bản, dự kiến bãi bỏ các thủ tục không cần thiết như: Thủ tục thông báo mẫu dấu (Điều 44), thủ tục báo cáo thay đổi thông tin người quản lý DN (Điều 12)… Đồng thời bổ sung quy định về đăng ký DN qua mạng thông tin điện tử. Theo đó, người thành lập DN có thể thực hiện đăng ký DN qua mạng với bộ hồ sơ điện tử mà không phải nộp bộ hồ sơ giấy như hiện nay.

Tuy nhiên, ông Hiếu nhấn mạnh: “Để thực hiện toàn diện cải cách này đòi hỏi không chỉ sửa Luật DN mà cả pháp luật có liên quan về thuế, lao động”.

Bên cạnh đó, bà Việt Anh cho biết, hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Nghị định 139/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về lệ phí môn bài để cắt giảm thủ tục kê khai lệ phí môn bài. “Hiện nay, đăng ký DN, thuế liên thông nên chỉ cần dựa vào thông tin trên Hệ thống thông tin đăng ký DN quốc gia, cơ quan thuế hoàn toàn có thể nắm bắt đối tượng DN nào thuộc diện phải nộp lệ phí môn bài theo quy định. Do đó, đề nghị không cần thiết phải có một bước về kê khai lệ phí môn bài. Nếu được tiếp thu sửa đổi, chúng ta sẽ cắt thêm được một bước thủ tục”…

Chuyên đề