Tăng lương công chức có gây áp lực với lạm phát?

(BĐT) - Khoảng 2,5 triệu người thuộc biên chế nhà nước sẽ được tăng lương 7% mỗi năm từ nay đến năm 2020. Các con số nêu trên là không lớn, song tác động trực tiếp và gián tiếp của chính sách này với cả nền kinh tế nói chung và lạm phát nói riêng vẫn chưa được tính toán và công khai.
Vẫn chưa có các con số cụ thể để định lượng về tác động của việc tăng lương biên chế nhà nước đối với chỉ số giá tiêu dùng. Ảnh: Tiên Giang
Vẫn chưa có các con số cụ thể để định lượng về tác động của việc tăng lương biên chế nhà nước đối với chỉ số giá tiêu dùng. Ảnh: Tiên Giang

Những con số không quá lớn

Tại cuộc tiếp xúc cử tri tỉnh Hà Tĩnh ngày 8/10 vừa qua, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, từ nay tới năm 2020, Chính phủ sẽ bảo đảm mỗi năm mức lương cơ bản sẽ tăng 7%. Tới năm 2021, mức lương của công chức thấp nhất hệ thống (hệ số 1,8) sẽ ngang bằng tiền lương của khu vực doanh nghiệp.

Chính phủ cũng quyết tâm thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 18-NQ/TW 2017 về tinh gọn bộ máy và Nghị quyết số 19-NQ/TW 2017 về đổi mới hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập. Theo đó, trong 2 năm qua, cả nước đã giảm được 150.000 vị trí việc làm thuộc biên chế nhà nước. Mục tiêu tới năm 2021, số vị trí việc làm thuộc biên chế nhà nước sẽ giảm 10%, tương ứng với giảm 250.000 vị trí việc làm.

Trước ý kiến quan ngại về tác động của việc tăng lương này với lạm phát của năm nay và những năm tiếp theo, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính thuộc Học viện Tài chính cho rằng, về lý thuyết, tăng lương sẽ đẩy cung tiền trong nền kinh tế và gây áp lực với lạm phát, song tác động sẽ không lớn do số người thuộc biên chế nhà nước chỉ chiếm chưa đến 5% trong tổng số khoảng 55 triệu người trong độ tuổi lao động. Mặt khác, theo ông Độ, nền kinh tế đang đạt mức tăng trưởng khoảng 6 - 7% mỗi năm nên bước tăng lương đó là khá phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Các ước tính về con số nêu trên là không quá lớn nhưng nhiều ý kiến quan ngại khi khu vực công tăng lương thì các khu vực khác cũng có xu hướng đẩy mặt bằng lương tăng, từ đó, sức ép lạm phát sẽ lớn hơn.

Chia sẻ quan điểm về điều này, ông Độ nói: “Mỗi doanh nghiệp đều có lộ trình tăng lương theo năm và quyết định này cũng không dễ dàng thực hiện, mà còn phải cân đối nhiều điều kiện khác nhau và tùy thuộc chiến lược phát triển doanh nghiệp theo từng thời kỳ. Hay nói cách khác, muốn tăng lương cho người lao động thì doanh nghiệp cũng phải có tiền và xét thấy cần thiết”. 

Nhưng vẫn cần tính toán cụ thể

Xem xét động thái tăng lương cho biên chế nhà nước từ góc độ cung - cầu của nền kinh tế, PGS. TS. Ngô Trí Long cho rằng, tăng lương là một trong các yếu tố làm tăng tổng cầu nên chắc chắn ảnh hưởng đến lạm phát dù mức ảnh hưởng là chưa được tính toán cụ thể.

Do đó, theo vị chuyên gia này, để đưa ra quyết định tăng lương cho biên chế nhà nước, điều đầu tiên cần xem xét là cân đối ngân sách nhà nước và ảnh hưởng với mặt bằng giá cả hàng hóa do cán cân cung - cầu lệch về phía cầu. Mặt khác, theo ông Long, lương biên chế nhà nước tăng thì chắc chắn người lao động ở các khu vực khác cũng sẽ đòi tăng lương dù không hẳn là tất cả.

Trong khi giới chuyên gia có những quan điểm trái chiều về vấn đề này, các cơ quan chức năng của Nhà nước vẫn chưa đưa ra các con số cụ thể để định lượng về tác động của quyết định tăng lương biên chế nhà nước với chỉ số giá tiêu dùng. “Điều này là không hợp lý, một quyết định như vậy cần nêu rõ các căn cứ cụ thể về khả năng đáp ứng của nguồn thu ngân sách, tác động trực tiếp và gián tiếp đến lạm phát và các yếu tố khác của nền kinh tế”, ông Long nói.

Thực tế, tăng lương cho biên chế nhà nước là bài toán được đặt ra liên tục nhiều năm qua và thường gặp phải lực cản từ nguồn ngân sách eo hẹp, sự bất đồng ý kiến với quan điểm là nhiều công chức làm việc không hiệu quả. Ở chiều ngược lại, với mức lương thấp, khu vực nhà nước khó có thể tuyển dụng được nguồn lao động giỏi.

Nhìn nhận thực tế này, ông Long nói: “Đúng là có sự mâu thuẫn giữa việc muốn tuyển dụng nhân tài cho khu vực nhà nước, song không đủ khả năng chi trả. Kết quả là, không tuyển dụng được người giỏi và việc tăng lương cũng khó thuyết phục. Do đó, bài toán này cần giải từ gốc chứ không phải từ ngọn như cách làm trong những năm gần đây”.

Từ phân tích đó, vị chuyên gia này đề xuất, trước hết cần một cuộc cải cách mạnh mẽ theo hướng tính toán chi tiết xem khu vực nhà nước thực tế cần bao nhiêu người, năng suất cần thiết với người lao động, từ đó mới tính ra được số lượng công chức, viên chức cần tinh giản và thay thế. “Không phải cứ giảm một số có tính áng chừng. Thay vào đó, nên giải quyết một cách triệt để hơn, thậm chí cho thôi việc những người lao động không đáp ứng được yêu cầu. Tuy nhiên, điều này liên quan sát sườn đến vấn đề an sinh xã hội nên cần thận trọng trong từng quyết định. Bất kỳ giải pháp nào cũng có ưu điểm và nhược điểm, điều đầu tiên cần làm là phải có người lao động đủ năng lực làm tốt công việc. Nếu không, chất lượng và năng suất lao động khu vực này vẫn èo uột mà ngân sách nhà nước vẫn phải gánh khoản lương nặng nề”, ông Long nói.

Chuyên đề