Tận dụng cơ hội từ Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên

(BĐT) - Thêm một sự kiện quốc tế lớn được tổ chức tại Việt Nam cũng là thêm một cơ hội để Việt Nam quảng bá hình ảnh đất nước, con người gắn với các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, qua đó tăng cường hợp tác trong lĩnh vực kinh tế và thu hút đầu tư.
Khoảng 2.600 phóng viên nước ngoài đến Việt Nam là kênh tiếp thị hình ảnh Việt Nam đến với thế giới một cách nhanh chóng và hiệu quả. Ảnh: Lê Tiên
Khoảng 2.600 phóng viên nước ngoài đến Việt Nam là kênh tiếp thị hình ảnh Việt Nam đến với thế giới một cách nhanh chóng và hiệu quả. Ảnh: Lê Tiên

Tăng niềm tin về ổn định chính trị và kinh tế

Ngày 25/2, tại Họp báo quốc tế về công tác chuẩn bị Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần hai, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung cho biết, đây là sự kiện chính trị - ngoại giao quan trọng trong năm 2019 của Việt Nam, thu hút sự quan tâm đặc biệt của khu vực và quốc tế.

“Qua dịp này, Việt Nam muốn tăng cường vai trò không chỉ của Việt Nam mà còn của cộng đồng ASEAN trong đời sống quốc tế hiện nay. Việt Nam mong muốn giới thiệu về những thành tựu của quá trình đổi mới toàn diện trong nhiều thập kỷ qua, giới thiệu về đất nước, Thủ đô Hà Nội có nhiều năm văn hiến, đặc biệt năm nay đúng 20 năm được nhận danh hiệu Thành phố vì hoà bình của UNESCO”, Thứ trưởng Lê Hoài Trung nhấn mạnh.

Theo Thứ trưởng Lê Hoài Trung, dư luận đánh giá cao và cho rằng Hà Nội - Việt Nam được lựa chọn vì là một địa điểm thuận lợi và có ý nghĩa, vì khả năng của Việt Nam đã được thể hiện qua thực tế tổ chức những sự kiện quốc tế lớn và những chuyến thăm song phương của các nước.

Việt Nam cũng là mối quan tâm của quốc tế về thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, về hội nhập quốc tế trong nhiều năm qua, có quan hệ tốt với cộng đồng quốc tế, có quan hệ tốt với cả hai đối tác Triều Tiên và Hoa Kỳ. Năm 2020, Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đang ứng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc năm 2020.

Bình luận về việc Việt Nam được lựa chọn tổ chức sự kiện này, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, Việt Nam đã và đang được biết đến nhiều hơn trong cộng đồng quốc tế với sự hội nhập ngày càng sâu rộng, tốc độ phát triển kinh tế mạnh mẽ, sự ổn định chính trị - kinh tế và nhiều lần tổ chức thành công các sự kiện quốc tế lớn. 

Từ điểm tựa du lịch đến thu hút đầu tư

Xét về việc tận dụng cơ hội kinh tế từ sự kiện này, du lịch được coi là điểm khởi đầu để lan tỏa hình ảnh không chỉ của đất nước, con người mà cả nền kinh tế Việt Nam. 

Ngày 24/2, tại buổi làm việc với Văn phòng Chính phủ về công tác chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần hai, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải coi đây là cơ hội đặc biệt cho du lịch để quảng bá hình ảnh về đất nước Việt Nam thân thiện, hữu nghị, lịch thiệp, an toàn đối với du khách gần xa.

Từ góc độ doanh nghiệp, ông Vũ Tiến Lộc nhận xét: “Hưởng lợi trước hết là các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ. Khoảng 3.000 phóng viên, trong đó có 2.600 phóng viên nước ngoài đến Việt Nam là kênh tiếp thị mang hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến với thế giới một cách nhanh chóng và hiệu quả. Các doanh nghiệp nên liên kết với nhau để tận dụng cơ hội này nhằm quảng bá sản phẩm dịch vụ của mình”.

Cùng quan điểm này, ông Đinh Tuấn Minh, Giám đốc nghiên cứu Công ty Nghiên cứu thị trường VietAnalytics cho rằng, không chỉ doanh nghiệp du lịch, các lĩnh vực khác có các sản phẩm lợi thế của Việt Nam như nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ... cũng có thể tận dụng cơ hội này để quảng bá sản phẩm, sau đó có thể triển khai thành những cơ hội đầu tư tốt. “Quan trọng nhất vẫn là khả năng tận dụng cơ hội và khai thác thế mạnh của các lĩnh vực có liên quan”, ông Minh nói.

Nhìn nhận từ góc độ khác, TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp thuộc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF) cho rằng: “Có thể kỳ vọng sau sự kiện này, lượng du khách đến Việt Nam sẽ tăng lên. Dù vậy, để điều này được hiện thực hóa thành những con số cụ thể, ngành du lịch cần phát huy năng lực mạnh mẽ hơn nữa, trước hết từ việc tạo môi trường du lịch thuận tiện và văn minh. Đây mới là những yếu tố có tính quyết định nhiều hơn với sự phát triển của ngành công nghiệp không khói này”, ông Thắng nói.

Mặt khác, với sự kiện này, Việt Nam chứng tỏ nhiều hơn với thế giới về khả năng đảm bảo hòa bình, tạo niềm tin với các nước. “Đây là điểm tựa để kích thích niềm tin của các nhà đầu tư, qua đó, thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Đặc biệt, với các nhà đầu tư Hàn Quốc, việc Mỹ và Triều Tiên đạt được các điểm đồng thuận trong cuộc hội nghị này đồng nghĩa với việc hòa bình trên bán đảo Triều Tiên càng được đảm bảo. Nhờ đó, Việt Nam trở thành điểm đầu tư hấp dẫn hơn nhiều so với trước đó”, ông Thắng bình luận.

Chuyên đề