Tài xế lần đầu dùng tiền lẻ, trạm BOT Sông Phan rối loạn

Chiều 14/1, nhiều tài xế dùng tiền lẻ 200 đồng mua vé qua trạm BOT Sông Phan (Bình Thuận) khiến quốc lộ 1 bị tê liệt.
Tài xế lần đầu dùng tiền lẻ mua vé qua trạm BOT Sông Phan.
Tài xế lần đầu dùng tiền lẻ mua vé qua trạm BOT Sông Phan.

15h30, hàng chục ôtô của người dân huyện Hàm Thuận Nam đã kéo nhau về trạm thu phí Sông Phan. Các tài xế vẫn chấp hành việc mua vé, nhưng hầu hết lại dùng tiền lẻ mệnh giá 200 đồng, tiền nhàu nát để trả phí. Các nhân viên trạm kiểm đếm từng tờ rất chậm.

Do xảy ra vào buổi chiều, nên lưu lượng xe ở hai đầu trạm ùn ứ càng lúc càng đông. Hai chiều từ Nam ra, từ Bắc vào, các phương tiện nối đuôi nhau xếp thành hàng dài. Quốc lộ 1 qua đoạn này bị tê liệt hoàn toàn.

So với ngày 13/1, hôm nay người dân địa phương tập trung tham gia phản đối việc thu phí của trạm BOT Sông Phan đông hơn, khiến cả khu vực hỗn loạn. "Một ngày chở hai đứa con đi học, sáng đứa, chiều đứa. Bốn lượt đi về, mất hết 140.000 đồng. Cộng lại một năm số tiền quá lớn. Chúng tôi không biết kêu ai, giờ chỉ có cách phản đối để mong được giảm phí", anh Nguyễn Văn Phúc, người dân có ôtô 7 chỗ sống gần trạm thu phí bức xúc.

Cảnh hỗn loạn ở trạm BOT Sông Phan chiều 14/1.

Anh Ngô Sơn chạy xe chở thanh long cho biết: "Chở hàng giá thấp, mà qua lại thường xuyên thu phí cao quá, đâu có doanh thu bao nhiêu đâu. Lỗ không à, trạm thu phí ăn hết. Một năm tới ba mươi mấy triệu, cộng với cước phí đường bộ nữa, tổng cộng gần 40 triệu. Tiền đâu mà chúng tôi sống".

Sau 45 phút, trước áp lực của tài xế và người dân địa phương, trạm BOT Sông Phan đã cho xả trạm. Do lượng xe ùn tắc quá đông trong chiều chủ nhật, nên sau khi xả trạm, các phương tiện di chuyển chậm chạp trên tuyến Bắc - Nam.

Đến hơn 17h, nhiều CSGT, cảnh sát cơ động có mặt hiện trường cùng các lực lượng chức năng phân luồng giao thông, ổn định tình hình.

BOT Sông Phan thu phí cải tạo nền, mặt đường quốc lộ 1 dài 113 km từ Đồng Nai đến TP Phan Thiết với kinh phí trên 2.000 tỷ đồng. Dự án do Tổng công ty 319 Bộ Quốc phòng làm chủ đầu tư. Trạm bắt đầu thu phí đầu năm 2015, giá vé 35.000 - 180.000 đồng, thời gian thu hơn 22 năm.

Hơn 6 tháng trước, tỉnh Bình Thuận đã kiến nghị giảm vé đối với các chủ ôtô tại địa phương vì họ chỉ đi vài km nhưng phải đóng phí cả tuyến là bất hợp lý.

Trong ngày và tối qua, nhiều tài xế cũng dàn ôtô, không chịu mua vé để phản đối trạm BOT Sông Phan, buộc chủ đầu tư phải liên tiếp xả trạm. Hồi tuần trước, lãnh đạo BOT Sông Phan đã đối thoại với người dân địa phương, hứa đề xuất với Bộ Giao thông giảm giá vé.

Hôm 9/1, Bộ đã đồng ý giảm 50% giá vé cho các chủ xe có hộ khẩu xã Hàm Minh và Hàm Cường (trong bán kính 5 km quanh trạm) không kinh doanh. Đối với những xe kinh doanh giảm 40%, riêng xe buýt được miễn phí. Tuy nhiên, người dân địa phương vẫn không đồng ý, họ muốn được miễn phí hoàn toàn.

Trước cảnh kẹt xe kéo dài, nhiều tài xế bỏ xe xuống đường chờ đợi.

Từ đầu tháng 1 đến nay, liên tiếp các trạm BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp, T1 và T2 trên Quốc lộ 91, Sóc Trăng... đã rơi vào tình trạng tê liệt, ùn tắc giao thông nghiêm trọng trước sự phản đối quyết liệt của các chủ xe địa phương. Nhiều trạm đã phải liên tục xả cửa, giảm phí nhưng tình trạng phản đối vẫn chưa "hạ nhiệt".

Chuyên đề