Sức sống Trường Sa

(BĐT) - Là nơi tiền tiêu Tổ quốc, quanh năm đối diện bão táp phong ba nhưng dưới bàn tay người lính biển, sức sống ở quần đảo Trường Sa vẫn trỗi lên mạnh mẽ. Như những cây bàng vuông trước phong ba, càng khó khăn, gian khổ càng làm cho những người lính ở đây thêm mạnh mẽ, kiên cường. Mỗi mùa Xuân về, dường như sức mạnh đó lại được nhân lên.
Kéo xuồng đưa đón các đoàn công tác ra thăm đảo. Ảnh: Lê Tiên
Kéo xuồng đưa đón các đoàn công tác ra thăm đảo. Ảnh: Lê Tiên

Vượt sóng, vượt gió

Trong hành trình đi đến các đảo phía Nam quần đảo Trường Sa, một trong những lo lắng thường trực của chúng tôi là việc tổ chức lên đảo An Bang. Đây là đảo khó vận chuyển người và hàng vào nhất tại quần đảo Trường Sa do nằm trên dòng hải lưu chảy mạnh và đặc điểm địa chất nên nơi đây quanh năm sóng to, gió lớn. Những con sóng bạc đầu dồn thẳng vào đảo khiến xuồng có thể bị lật bất cứ lúc nào.

Nếu ở những đảo khác, xuồng máy có thể đưa hàng và người từ tàu lớn vào tận đảo thì ở đây không thể. Để vận chuyển, người và hàng sẽ lên một chiếc xuồng chuyển tải không có động cơ. Một xuồng máy khác sẽ kéo chiếc xuồng chuyển tải vào gần đảo để lực lượng trên bờ dùng dây kéo vào. Đại úy Hoàng Hưng Hiếu, Phó Chủ nhiệm Hậu cần Lữ đoàn 146 cho biết: "Một năm chỉ có vài lần thời tiết thuận lợi như thế này để vào đảo An Bang. Nhiều khi tàu đến đây rồi nhưng không chuyển người và hàng vào đảo được. Có đợt phải thả neo cả tuần trời chờ đợi hoặc lại phải đi các đảo khác trước rồi quay lại mới có thể vào An Bang".

Chiếc xuồng máy kéo chúng tôi hơn một cây số từ tàu vào đảo. Sóng kéo lên rồi lại dìm xuống như thể muốn nuốt chửng chiếc xuồng chuyển tải. Hai đồng chí làm nhiệm vụ đưa đoàn liên tục thét lớn: "Ngồi yên! Ngồi yên! Bình tĩnh! Bình tĩnh!". Ở phía đảo, hàng chục chiến sĩ đang chờ sẵn để đón đoàn. Khi chạy đến gần bãi cát trên đảo chừng hơn chục mét, chiếc xuồng máy phía trước bất ngờ tháo dây nối rồi bẻ lái chạy rẽ sang một bên. Chiếc xuồng chuyển tải theo quán tính và sóng xô hướng thẳng vào đảo. Lúc này, hai người trên xuồng cầm dây mồi ở hai đầu ném về phía các chiến sĩ đứng trên đảo. Ngay lập tức, hàng chục người cầm dây đồng thanh hô rồi kéo chiếc xuồng vào bờ. Sóng vẫn đánh vào thành xuồng, có khi còn trùm cả lên đầu, làm ướt sũng những người ngồi bên trong. Khi các chiến sĩ đã chắc chắn dùng sức cố định được chiếc xuồng chúng tôi mới có thể đứng lên, xuống đảo.

Dưới bàn tay người lính, đảo Trường Sa Đông phủ một màu xanh mướt

Đặt chân lên đảo, chúng tôi gặp hết bất ngờ này đến bất ngờ khác. Ở một nơi thời tiết khắc nghiệt nhất trên biển Đông nhưng những chậu hoa, luống rau ở đây lại xanh tốt đến lạ kỳ. Đưa chúng tôi ra thăm vườn rau của đơn vị, Thượng úy Nguyễn Ngọc Uyên, quê ở Hải Dương, vừa cười vừa nói: "Chăm rau ở đây còn tỉ mỉ hơn chăm cây cảnh trong đất liền chú ạ. Vì hơi mặn nhiều nên ngày nào anh em cũng phải tưới hai lần để rửa rau. Đêm đến, những người không trực phải tập trung lọ mọ soi đèn bắt sâu. Đến thu hoạch cũng phải đúng thời điểm. Rau thiếu nhưng nếu ăn không kịp cũng khổ vì để quá ngày là nó lại quăn tít hết vào".

Một trong những thứ khiến những chiến sĩ ở An Bang lúc nào cũng phải cảnh giác, đó là những cơn gió độc từ biển. Sóng gió ở đây mạnh đến nỗi hằng năm bãi cát quanh đảo có thể quay đúng một vòng tròn. Nhìn bãi cát mà người ta có thể biết đang là thời điểm nào trong năm nên An Bang còn có tên gọi khác là đảo Đồng Hồ. Sau một đêm, gió ở đây có thể khiến những con lợn khỏe mạnh lăn đùng ra chết. Gió cũng có thể làm cho cả vườn rau bao ngày chăm sóc kỹ lưỡng héo quắt. Vì vậy, để nuôi trồng được, các chiến sĩ phải cắt cử người che chắn vườn chuồng theo từng mùa, từng tháng, thậm chí từng ngày. Mỗi năm hai lần, vườn rau lại được chuyển đến các phía khác nhau của đảo để tránh gió. Mỗi vụ thu hoạch xong, đất lại được phơi khô rửa mặn, bón phân để trồng gối thêm loạt mới.

Trung úy Trần Văn Tình, phụ trách hậu cần đảo An Bang hồ hởi chia sẻ: "Ở đây việc trồng, chăm sóc rau cũng là một tiêu chí đánh giá thi đua của các đơn vị. Nhờ sự chung sức, đồng lòng mà bây giờ chúng tôi có thể tự túc được rau ăn hằng ngày. Có thời điểm còn có thể hỗ trợ được ngư dân và các đoàn công tác đi ngang qua". Bữa cơm trưa mà các cán bộ, chiến sĩ trên đảo thết đãi chúng tôi có nhiều thứ là đặc sản nơi biển xa, đó là rau tươi, đậu phụ và giá đỗ... Dường như vượt qua phong ba, bão táp thì mầm sống ở đây lại càng tươi xanh hơn.

Người lính biển vận chuyển cây xanh lên đảo Đá Tây C

Khu vườn giữa biển

Cũng như đảo An Bang và các đảo khác ở Trường Sa, thời tiết, điều kiện tự nhiên ở đảo Trường Sa Đông luôn bất trắc, không thuận lợi cho cây cối phát triển. Nhưng từ năm này qua năm khác, từng tấc đất, cây giống ở đất liền chuyển ra cùng với bao mồ hôi, công sức của các thế hệ người lính đã phủ xanh hòn đảo cằn cỗi. Đưa chúng tôi tản bộ quanh những con đường rợp bóng mát, Trung tá Trần Minh Đức, Chính trị viên đảo Trường Sa Đông cho biết: “Thứ Bảy hằng tuần, chúng tôi đều tổ chức cho Đoàn Thanh niên xung kích chăm sóc cây xanh. Xây dựng cảnh quan môi trường đảo xanh, sạch, đẹp là tiêu chí quan trọng của đơn vị. Đảo được phủ xanh vừa làm giảm đi sự khắc nghiệt của thời tiết, vừa giúp cán bộ, chiến sĩ có cảm giác gần gũi như ở nơi quê nhà”.

Hằng năm, đảo Trường Sa Đông hứng chịu nhiều cơn bão lớn và thời tiết cực đoan. Để những hàng cây có thể trụ vững, trước khi có bão đến các cán bộ, chiến sĩ cùng nhau chặt tỉa cành, ngắt lá cho bớt gió, chằng chống chúng lại với nhau. Mỗi cây ở đảo đều được ghi tên, đánh số cẩn thận để giao cho từng đơn vị trên đảo chăm sóc, vun trồng. Nhiều năm nay Trường Sa Đông như một vườn ươm của cả quần đảo. Những cây tốt nhất ở đây đều được lính đảo chiết, ươm giống để cung cấp cho các đảo khác trồng.

Vườn mùng tơi xanh ngắt của người lính biển trên đảo An Bang

Binh nhất Lê Văn Thông, quê ở Nghệ An, vừa hái những cọng mùng tơi non mơn mởn vừa hồ hởi tiếp chuyện khách đến thăm. Thông cho biết không phải loại rau nào cũng sống và phát triển tốt được ở đây. Và phải mất rất nhiều thời gian thử nghiệm thì mới có thể chọn được những giống rau phù hợp. “Đất từ đất liền chuyển ra phải mất nhiều công cải tạo mới trồng rau được. Chúng tôi thường trồng các loại rau “dễ tính” trước rồi mới trồng những cây khó phát triển. Những cành lá khô ở đảo cũng được mọi người thu gom cẩn thận và tận dụng để chôn ủ làm phân hữu cơ bón cho rau”, anh Thông nói. 

Ở đảo xa, rau xanh thường được người lính ví như thuốc và còn quý hơn cả cơm thịt. Chúng tôi đến thăm những “vườn thuốc” của người lính ở Trường Sa mà không khỏi ngỡ ngàng và cảm phục. Vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách của thời tiết, ở đảo nổi hay đảo chìm đều có những giàn mướp, giàn bí sai trĩu quả đung đưa theo gió biển. Mùa nào thức ấy, người lính luôn có đủ các loại rau, không khác nhiều so với đất liền. Nhiều năm nay, một số đảo ở Trường Sa không chỉ tự đáp ứng được nhu cầu rau xanh mà còn cung cấp cho các đảo xung quanh và hỗ trợ ngư dân khi tránh trú bão. Người trước truyền kinh nghiệm cho người sau, từng hàng cây, luống rau được gieo trồng bởi biết bao tâm huyết, công sức của những người lính Trường Sa vẫn căng tràn sức sống, vươn lên trong bão gió biển khơi. 

Giàn mướp sai trĩu quả trên đảo Trường Sa Đông

Được đồng hành ít ngày trên biển giúp chúng tôi phần nào hiểu được những gian khổ, vất vả mà người lính Trường Sa phải vượt qua. Điều đó càng khiến mọi người thêm cảm phục và trân trọng những hy sinh, đóng góp của người lính biển. Nhiều chiến sỹ đã dành tuổi thanh xuân để tiếp lên sức sống cho Trường Sa. Năm qua năm, từng thế hệ người lính đã, đang và sẽ nối bước, cùng nhau canh giữ biển trời để Trường Sa trường tồn cùng Tổ quốc.

Chuyên đề