Sửa Luật Đầu tư công: Đảm bảo quyền lực Quốc hội và linh hoạt trong thực thi

(BĐT) - “Tôi không coi đây là tranh luận căng thẳng giữa quyền lực Quốc hội và Chính phủ, mà tôi nhận thức đây là những đóng góp sâu sắc để làm sao thiết kế được một bộ luật phù hợp, đúng với quy định Hiến pháp, phù hợp với các luật liên quan, theo tinh thần cải cách hành chính, phân cấp nhiều hơn, nâng cao hiệu quả của nguồn vốn đầu tư công”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng giải trình tại phiên thảo luận ngày 28/5/2019 của Quốc hội về Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi).
Nhiều dự án đầu tư công đòi hỏi phải có sự điều chỉnh kịp thời, nếu đợi đến kỳ họp Quốc hội sẽ kéo dài thời gian thực hiện dự án. Ảnh: Lê Tiên
Nhiều dự án đầu tư công đòi hỏi phải có sự điều chỉnh kịp thời, nếu đợi đến kỳ họp Quốc hội sẽ kéo dài thời gian thực hiện dự án. Ảnh: Lê Tiên

Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), một trong những vấn đề còn ý kiến khác nhau là quy định về thẩm quyền quyết định danh mục dự án kế hoạch đầu tư công trung hạn (KHĐTCTH) thể hiện ở Điều 59 Dự thảo Luật. UBTVQH xin ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) theo 2 phương án.

Phương án 1, Quốc hội quyết định KHĐTCTH bao gồm tổng mức đầu tư, tiêu chí, danh mục và mức vốn bố trí cho từng dự án chi đầu tư từ ngân sách trung ương theo đúng tinh thần của Hiến pháp. Đồng thời, bổ sung thêm quy định trong trường hợp cần thiết, căn cứ vào tình hình thực tiễn, Quốc hội có thể giao UBTVQH xem xét, quyết định, điều chỉnh danh mục, mức vốn của từng chương trình, dự án đầu tư công thuộc ngân sách trung ương trong KHĐTCTH như đã thực hiện trong giai đoạn 2016 - 2020 và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Phương án 2, Chính phủ và một số ĐBQH đề nghị quy định Quốc hội quyết định tổng mức đầu tư, giao Chính phủ quyết định, điều chỉnh danh mục dự án theo đúng khung KHĐTCTH được Quốc hội thông qua.

Giải trình về cơ sở đề xuất của Chính phủ theo phương án 2, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT khẳng định lại tinh thần Dự thảo Luật quy định thẩm quyền quyết định KHĐTCTH thuộc về Quốc hội vì Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, quyết định tất cả những vấn đề quan trọng của đất nước, trong đó có vấn đề ngân sách và vấn đề đầu tư.

Tuy nhiên, từ thực tiễn thực hiện KHĐTCTH giai đoạn 2016 - 2020, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, nhiệm kỳ 2016 - 2020, Quốc hội quyết định, phê duyệt và giao kế hoạch ngân sách cho từng dự án theo ngân sách hàng năm cho 9.600 dự án. Trong khi đó, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật có quy định cấp nào quyết định thì cấp đó điều chỉnh. Trong gần 10.000 dự án này, thực tế triển khai nếu phát sinh điều chỉnh như đấu thầu thừa ra khoảng 10 tỷ đồng hay điều chỉnh một chút tên của dự án… đều phải báo cáo lại Quốc hội. Mỗi một điều chỉnh có thể khiến dự án kéo dài thêm vài năm. Nếu nhiệm kỳ tới số lượng dự án tương tự thì việc Quốc hội phê duyệt, điều chỉnh danh mục, mức vốn cho từng dự án cụ thể là khối lượng công việc nặng nề, không sát thực tế.

“Danh mục dự án giao cho Chính phủ thực hiện và Chính phủ phải làm, Chính phủ phải chịu trách nhiệm. Quốc hội vẫn đảm bảo quyền năng của mình là cơ quan quyết định cao nhất, quyết định tổng mức đầu tư của 5 năm, cơ cấu đầu tư, tiêu chí, nguyên tắc, thứ tự ưu tiên ra sao. Chính phủ phải điều hành trong khung mà Quốc hội đã quyết, chứ Chính phủ không thể ra ngoài, Quốc hội làm chức năng giám sát”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng làm rõ.

Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, quy định theo phương án 2, Chính phủ điều hành sẽ thuận lợi hơn, bảo đảm linh hoạt, hiệu quả, sát thực tế trong điều hành KHĐTCTH, nhưng vẫn đảm bảo nguyên tắc Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước sẽ quyết định tổng thể, giám sát.

Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh (Bình Phước)

Cần đảm bảo quan điểm khi xây dựng Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) là phân cấp, phân quyền mạnh, gắn với quy định rõ trách nhiệm, đảm bảo điều hành thực hiện kế hoạch đầu tư công linh hoạt, hiệu quả, sát thực tế, phù hợp với quy định của pháp luật.

Nếu quy định phương án 1, với số lượng khoảng 9.000 dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương, ĐBQH trong thời gian ngắn xem xét số lượng dự án lớn có thể không đáp ứng được chất lượng, và trên thực tế Quốc hội cũng không đủ thời gian, nguồn lực để thẩm định nội dung điều chỉnh dự án. Mặt khác, Quốc hội mỗi năm họp 2 kỳ, nhiều dự án đầu tư công đòi hỏi phải có sự điều chỉnh kịp thời. Nếu đợi đến kỳ họp Quốc hội hoặc giao UBTVQH điều chỉnh sẽ kéo dài thời gian thực hiện dự án và phát sinh nhiều thủ tục hành chính. Thực tế, UBTVQH xem xét cũng khó đánh giá trọn vẹn những tác động về điều chỉnh sự án.

Nếu chọn phương án 2 giao cho Chính phủ ban hành danh mục ĐTCTH thì quy định Chính phủ cũng phải đảm bảo tuân thủ theo khung quy định do Quốc hội quyết định. Chính phủ chịu trách nhiệm với quyết định của mình, Quốc hội thực hiện giám sát tối cao.

Đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh)

Quyền tập trung của Quốc hội là thông qua các chủ trương, chính sách, chiến lược chứ không phải từng danh mục dự án. Việc xem xét danh mục cụ thể có thể khó sâu sát và kém linh hoạt.

Quốc hội quyết định KHĐTCTH bao gồm những nội dung trọng yếu, đồng thời phân công Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội chịu trách nhiệm hậu kiểm, giám sát chặt chẽ các danh mục dự án. Hậu kiểm, giám sát cũng là một trong những cách để công khai, minh bạch, không phải Chính phủ làm là không công khai, minh bạch.

Chuyên đề