Siết kỷ luật tài chính, đầu tư

(BĐT) - Rất nhiều giải pháp để siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong quản lý và điều hành tài chính, ngân sách nhà nước (NSNN) đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đưa vào Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2017. 
Bộ KH&ĐT đề nghị cắt giảm những khoản chi đã có trong dự toán nhưng không cần thiết, chậm triển khai. Ảnh: Lê Tiên
Bộ KH&ĐT đề nghị cắt giảm những khoản chi đã có trong dự toán nhưng không cần thiết, chậm triển khai. Ảnh: Lê Tiên

Đặc biệt, Dự thảo Nghị quyết đề nghị, bộ, ngành và địa phương nào triển khai giao vốn chậm phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ.

Giao vốn chậm phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ

Dự thảo Nghị quyết nhấn mạnh việc phải kịp thời, khẩn trương giao dự toán NSNN năm 2017, không để chậm trễ trong giao vốn đầu tư công.

Cụ thể, Bộ Tài chính chủ trì, hướng dẫn các bộ, ngành trung ương và địa phương khẩn trương giao dự toán NSNN năm 2017; tổ chức triển khai dự toán thu, chi NSNN năm 2017 ngay từ những ngày đầu năm. Thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính trong thu, chi NSNN, hạn chế tối đa việc ban hành các chính sách mới làm giảm thu hoặc tăng chi NSNN. Kiểm soát chặt chẽ dự toán chi thường xuyên theo tinh thần triệt để tiết kiệm, kiên quyết cắt giảm những khoản chi đã có trong dự toán nhưng không cần thiết, chậm triển khai. Trong quý II/2017, tổng kết mô hình khoán xe công, trình cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách nhân rộng mô hình khoán xe công ở các bộ, ngành trung ương và địa phương.

Dự thảo Nghị quyết cũng đặt nhiệm vụ cho các bộ, ngành trung ương và địa phương triển khai có hiệu quả dự toán NSNN năm 2017, kế hoạch đầu tư công năm 2017 ngay từ những ngày đầu năm. Kiên quyết không để tình trạng kéo dài việc giao vốn, chậm triển khai thực hiện và giải ngân kế hoạch năm 2017. Bộ, ngành trung ương và địa phương nào triển khai giao vốn chậm phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ và các cơ quan kiểm toán, thanh tra về việc giao vốn chậm.

Thực hiện tiết kiệm, tăng hiệu quả đầu tư trong từng dự án là giải pháp quan trọng tiếp theo. Các bộ, ngành, địa phương phải tập trung chỉ đạo chủ đầu tư đẩy nhanh việc đền bù, giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thi công công trình, nghiệm thu, quyết toán các dự án đã hoàn thành và đã bàn giao đi vào sử dụng để thanh toán dứt điểm khối lượng đã thực hiện. Yêu cầu chủ đầu tư chậm nhất sau 7 ngày khi có khối lượng nghiệm thu phải làm thủ tục thanh toán với Kho bạc Nhà nước. Nghiêm khắc kiểm điểm và làm rõ trách nhiệm các tổ chức và cá nhân gây chậm trễ việc thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2017 gây thất thoát, lãng phí nguồn lực của Nhà nước...

Dự thảo Nghị quyết nêu rõ, các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường công tác quản lý đấu thầu, có biện pháp cụ thể để khắc phục tình trạng tiêu cực trong đấu thầu, như thông thầu, đăng ký nộp hồ sơ rồi bán lại kiếm lời với danh nghĩa “rút hồ sơ đấu thầu”,... Kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật đối với các nhà thầu không đáp ứng được yêu cầu, vi phạm các điều khoản hợp đồng đã ký kết, kiên quyết loại ra các nhà thầu không có năng lực đã vi phạm. 

Báo cáo chính xác tổng nợ công trong quý I/2017

Theo Dự thảo Nghị quyết, các chỉ tiêu chủ yếu đề ra trong năm 2017 là: GDP tăng khoảng 6,7%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 6 - 7%; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 3,5%; tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 31,5% GDP; tỷ suất tiêu hao năng lượng trên một đơn vị GDP giảm 1,5%;...
Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ cũng đưa ra nhiều giải pháp để đảm bảo an toàn nợ công. Trước hết là đẩy mạnh cơ cấu lại thu, chi ngân sách, bảo đảm an toàn nợ công và tài chính quốc gia; kiểm soát chặt chẽ các chỉ tiêu nợ công trong giới hạn cho phép. Trong quý I/2017 báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ chính xác tổng nợ công, bao gồm đầy đủ tất cả các khoản tạm ứng, vay quỹ bảo hiểm xã hội, nợ đọng xây dựng cơ bản…

Cũng trong quý I/2017, Bộ Tài chính phải rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ tổng thể các dự án, các khoản vay bảo lãnh Chính phủ, vay về cho vay lại, vay của chính quyền địa phương; đề xuất lộ trình cụ thể để kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng các khoản vốn vay này; tăng cường kiểm tra, giám sát sử dụng vốn vay về cho vay lại, khắc phục tình trạng các khoản vay bị tăng chi phí do chậm tiến độ. Trong năm 2017 không cấp bảo lãnh của Chính phủ cho các khoản vay mới; kiểm soát chặt chẽ bội chi và nợ của chính quyền địa phương. Các khoản vay mới chỉ thực hiện sau khi đã đánh giá đầy đủ tác động lên quy mô nợ công và khả năng trả nợ trong trung hạn.

Các bộ, ngành trung ương và địa phương tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả vốn vay, chỉ vay trong khả năng trả nợ; kiểm soát chặt khoản vay của chính quyền địa phương, doanh nghiệp nhà nước.

Chuyên đề