Siết chặt quản lý hoạt động luật sư

Bộ Tư pháp đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2013/NĐ-CP ngày 14/10/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật luật sư.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bộ Tư pháp cho biết, ngày 20/11/2012, Quốc hội khóa XIII kỳ họp thứ 4 đã ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư (Luật luật sư năm 2012) với nhiều điểm sửa đổi, bổ sung, trong đó có việc chuyển giao một số nhiệm vụ quản lý nhà nước sang cho các tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư. Sau khi Luật luật sư năm 2012 được ban hành, ngày 14/10/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 123/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật luật sư (Nghị định số 123/2013/NĐ-CP).

Sau hơn 3 năm triển khai thi hành Nghị định số 123/2013/NĐ-CP, hiện nay trong cả nước đã có 63 Đoàn luật sư thành lập tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương với hơn 11.800 luật sư, hơn 5.000 người tập sự hành nghề luật sư tại hơn 3.700 tổ chức hành nghề luật sư. Hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài được duy trì tương đối ổn định với hơn 80 tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài được cấp phép hoạt động tại Việt Nam. Hoạt động luật sư trong thời gian qua đã đáp ứng một bước nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý của cá nhân, tổ chức, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo và các đương sự khác; đồng thời, tạo lập môi trường pháp lý thuận lợi và tin cậy cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh, thương mại trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Tuy nhiên, qua công tác quản lý nhà nước về luật sư, hành nghề luật sư, thực tiễn hoạt động luật sư và báo cáo về việc triển khai thi hành Nghị định số 123/2013/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thi hành cho thấy, tổ chức và hoạt động của luật sư còn có những vướng mắc. Cụ thể: Thứ nhất, tiêu chuẩn, chất lượng đầu vào của đội ngũ luật sư chưa đồng đều, nhất là tiêu chuẩn liên quan đến ý thức tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và tiêu chuẩn có phẩm chất đạo đức tốt. Do đó, trên thực tế, có một số trường hợp đã từng có hành vi vi phạm pháp luật và bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm nhiều lần, thậm chí bị tước quân hàm, quân hiệu, cách chức chức danh thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên do vi phạm nghiêm trọng quy định của ngành, vi phạm có tính chất hệ thống quy định của pháp luật nhưng vẫn có thể trở thành luật sư. Nếu không quy định cụ thể về vấn đề này thì sẽ dẫn đến việc hiểu và áp dụng pháp luật không thống nhất, những trường hợp này khi trở thành luật sư sẽ làm giảm sút chất lượng đội ngũ luật sư.

Thêm vào đó, thời gian gần đây, một số luật sư đã có những hành vi ứng xử, đạo đức nghề nghiệp chưa đúng nguyên tắc hành nghề luật sư. Hiện tượng luật sư vi phạm pháp luật, Điều lệ Liên đoàn luật sư và Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư có chiều hướng gia tăng làm làm giảm sút hình ảnh, uy tín của nghề luật sư trong xã hội.

Thứ hai, một số các tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam, tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam còn chưa tuân thủ nghiêm các quy định của Luật luật sư, tuy nhiên, căn cứ theo quy định của pháp luật hiện hành lại thiếu các biện pháp xử lý đối với các vấn đề phát sinh trên thực tế hoặc biện pháp xử lý chưa đủ mạnh để răn đe các tổ chức hành nghề luật sư thực hiện nghiêm quy định của Luật luật sư.

Thứ ba, hoạt động của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp luật sư bước đầu đã đạt được một số kết quả cụ thể, tuy nhiên, có lúc, có nơi tổ chức xã hội - nghề nghiệp luật sư chưa thực hiện đúng, đầy đủ các quy định của Luật luật sư như chưa thực hiện tốt trách nhiệm báo cáo, chưa tuân thủ yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước, chưa chủ động phối hợp giải quyết những vấn đề của tổ chức, chưa giám sát chặt chẽ hoạt động của các thành viên của tổ chức xã hội - nghề nghiệp... Bên cạnh đó, một số quy định của Nghị định số 123/2013/NĐ-CP về tổ chức Đại hội bất thường chưa rõ ràng dẫn đến cách hiểu và áp dụng không thống nhất trong phạm vi toàn quốc.

Những hạn chế, vướng mắc nêu trên có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do Nghị định số 123/2013/NĐ-CP còn thiếu các quy định cụ thể về tiêu chuẩn trở thành luật sư theo quy định tại Điều 10 của Luật luật sư, nhất là tiêu chuẩn về tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và có phẩm chất đạo đức tốt, đồng thời cũng thiếu quy định điều chỉnh các hành vi ứng xử, phát ngôn của luật sư để xây dựng hình ảnh, uy tín của luật sư; đối với hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam và tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam, còn thiếu cơ sở pháp lý để xử lý nghiêm các trường hợp không thực hiện đúng quy định của Luật luật sư; hướng dẫn về việc tổ chức Đại hội của tổ chức xã hội nghề nghiệp luật sư chưa rõ ràng tạo ra cách hiểu khác nhau trong áp dụng pháp luật; thiếu hướng dẫn cụ thể về nội dung báo cáo, thiếu cơ sở pháp lý, cách thức xử lý đối với trường hợp tổ chức xã hội nghề nghiệp của luật sư không thực hiện đúng, đầy đủ các quy định của Luật luật sư, không chấp hành yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước...

Trước yêu cầu của thực tiễn nêu trên, trong khi chưa sửa đổi, bổ sung Luật luật sư thì trước mắt cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2013/NĐ-CP để giải quyết một bước các tồn tại nêu trên, siết chặt thêm một bước việc quản lý hoạt động luật sư đảm bảo thực hiện nghiêm quy định của Luật luật sư. Vì vậy, phạm vi sửa đổi, bổ sung Nghị định số 123/2013/NĐ-CP chỉ tập trung vào một số điều để bảo đảm phù hợp với quy định của Luật luật sư mà không thể giải quyết được hết các vấn đề tồn tại trên thực tế hiện nay.

Chuyên đề