Quyết tâm tái cơ cấu mạnh mẽ hơn

(BĐT) - Huy động thêm nguồn lực là cần thiết, nhưng mục tiêu của Kế hoạch tái cơ cấu không phải là tập trung vào việc làm thế nào để huy động thêm nguồn lực, mà cần tập trung các giải pháp tái cơ cấu, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế...
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng trình bày tại Quốc hội ngày 3/11. Ảnh: Việt Dũng
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng trình bày tại Quốc hội ngày 3/11. Ảnh: Việt Dũng

Trước hết là hiệu quả của đầu tư, từ đó sẽ tạo ra cơ hội, niềm tin để khu vực tư nhân, khu vực FDI tự tham gia mở rộng đầu tư, làm cho tổng vốn đầu tư tăng lên.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh như vậy trong phiên thảo luận tại Quốc hội ngày 3/11. 

Một năm vượt khó

Đánh giá tình hình kinh tế năm 2016, nhiều đại biểu cho rằng, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh với sự vào cuộc quyết liệt để tháo gỡ khó khăn, khẳng định vai trò tiên phong của doanh nghiệp. Tuy nhiên, một số ý kiến cũng đề nghị Chính phủ làm rõ về hai chỉ tiêu kinh tế quan trọng không đạt kế hoạch năm 2016 là tăng trưởng GDP và xuất khẩu.

Làm rõ về 2 chỉ tiêu này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, tốc độ tăng trưởng GDP 9 tháng qua của Việt Nam chịu tác động rất lớn từ những khó khăn trong nước và thế giới. Các tổ chức quốc tế đều hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu so với đầu năm, với nguyên nhân chính do tổng cầu của thế giới giảm. Cùng với đó, những khó khăn trong nước về thời tiết, biến đổi khí hậu, sự cố môi trường được đánh giá là chưa từng có trong nhiều năm qua.

Tuy vậy, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, các chuyên gia trong nước và thế giới nhận định, tốc độ tăng trưởng GDP 9 tháng Việt Nam đạt được là tích cực.

Ước thực hiện GDP cả năm 2016 khoảng 6,3 - 6,5%, muốn đạt được thì quý IV phải đạt 7,09 - 7,71%. Lý do để đưa ra tính toán này, theo Bộ trưởng Dũng, trước hết là trên cơ sở nguồn lực, thể hiện ở số lượng doanh nghiệp đăng ký mới, quay trở lại hoạt động tăng mạnh; thực hiện hiệu quả Nghị quyết 60 của Chính phủ về thúc đẩy, giải ngân vốn đầu tư công, nếu giải ngân hết sẽ đóng góp đáng kể vào tăng trưởng GDP; dư nợ tín dụng các tháng cuối năm sẽ tăng cao hơn, dự báo cả năm tăng 18%, cũng đóng góp vào tăng trưởng kinh tế. 

Về chỉ tiêu xuất khẩu, 9 tháng tăng 7% so với cùng kỳ 2015, 10 tháng tăng 7,2%, dự kiến cả năm 2016 tăng 7 - 8%, tuy thấp hơn chỉ tiêu Quốc hội đề ra, nhưng theo nhiều đánh giá vẫn là kết quả khả quan trong điều kiện thương mại toàn cầu suy giảm. Bộ trưởng Dũng làm rõ thêm, nguyên nhân chính là do giá các mặt hàng xuất khẩu chính giảm, đặc biệt là giá dầu thô, nếu loại trừ yếu tố giá giảm, tổng kim ngạch xuất khẩu 10 tháng qua tăng hơn 10,2%... 

Mục tiêu cao sẽ tạo động lực, thúc ép cải cách

Thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế nếu chỉ dựa vào số lượng nguồn lực là chưa đủ, mà điều quan trọng là phải sử dụng hiệu quả nguồn lực, trước hết là nguồn lực của Nhà nước.
Một số đại biểu Quốc hội bày tỏ sự băn khoăn về những chỉ tiêu, mục tiêu Chính phủ đặt ra cho Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2017 và Kế hoạch tái cơ cấu có quá cao, quá tham vọng, có thể dẫn đến những hệ lụy?

Theo Bộ trưởng Dũng, có lý do để phấn đấu cho những mục tiêu được cho là cao này. Về tăng trưởng kinh tế, mục tiêu năm 2017 phấn đấu đạt 6,7%, được cho là cao nhưng có cơ sở cho dự báo và phấn đấu. Đó là, kết quả của năm 2016, là những giải pháp căn cơ của Chính phủ để ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, khởi nghiệp. Công nghiệp chế biến, chế tạo phục hồi sẽ có đóng góp tốt hơn vào GDP, hay số lượng doanh nghiệp đăng ký mới và quay trở lại hoạt động tăng mạnh cũng là căn cứ cho mục tiêu này.

Nói về Đề án tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhắc lại, đây không phải là một đề án mới, mà là bước tiếp nối, thực hiện đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế 2013 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Kế hoạch tập trung vào những nhiệm vụ để đẩy nhanh hơn tái cơ cấu trong giai đoạn tới. 

Về nguồn lực thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, Bộ trưởng Dũng giải thích, nguồn lực dự kiến thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế không phải là nguồn lực riêng, mà đặt trong khuôn khổ tổng thể nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, mức dự kiến 10,5 triệu tỷ đồng là mục tiêu cần đạt được để tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt 6,5 - 7%/năm, trong đó, nguồn lực từ ngân sách nhà nước dự kiến là 2 triệu tỷ đồng.

Bộ trưởng Dũng giải thích thêm, để đạt tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm đạt 6,5 - 7% với hệ số ICOR dự kiến là 5 - 5,5 thì cần tổng vốn đầu tư toàn xã hội chiếm 32 - 34% GDP, tương đương 9 - 10 triệu tỷ đồng. Như vậy, đặt mục tiêu phấn đấu 10,5 triệu tỷ đồng là để quyết tâm thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế mạnh mẽ, quyết liệt hơn.

Tuy nhiên, Bộ trưởng nhấn mạnh, thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế nếu chỉ dựa vào số lượng nguồn lực là chưa đủ, mà điều quan trọng là phải sử dụng hiệu quả nguồn lực, trước hết là nguồn lực của Nhà nước. Nếu làm tốt tái cơ cấu, thì tổng vốn đầu tư toàn xã hội có thể còn tăng cao hơn mục tiêu đặt ra.

Chuyên đề