Quyết liệt thúc đẩy tổng cầu kinh tế

(BĐT) - Để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% năm 2017, Chính phủ đã đưa ra các kịch bản tăng trưởng kinh tế trong 3 quý còn lại. Theo đó, Chính phủ tập trung các giải pháp quyết liệt cả về phía cung (tăng trưởng ngành, lĩnh vực) và phía cầu (tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu ròng) để đạt mục tiêu tăng trưởng này.
Nhập siêu trong 4 tháng đầu năm nay lên đến 2,74 tỷ USD. Ảnh: Tường Lâm
Nhập siêu trong 4 tháng đầu năm nay lên đến 2,74 tỷ USD. Ảnh: Tường Lâm

Tăng trưởng tín dụng tích cực hơn

Thông tin tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4 diễn ra chiều ngày 4/5, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2017, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, tốc độ tăng trưởng đảm bảo. Theo ông Dũng, điểm nổi bật là trong 4 tháng, tín dụng tăng cao nhất trong 6 năm gần đây. Tính đến ngày 20/4, tín dụng đối với nền kinh tế tăng 4,86% so với tháng 12/2016 (cùng kỳ tăng 2,99%). Bên cạnh đó, tổng phương thanh toán tăng 3,78% so với tháng 12/2016 (cùng kỳ tăng 4,54%). Tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng tăng 3,39% so với cuối năm 2016. Trong tháng 4, thị trường chứng khoán diễn biến tích cực. Nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường tiếp tục tăng.

Về cân đối thu chi nhà nước, ông Dũng cho hay, tổng thu ngân sách nhà nước lũy kế 4 tháng đầu năm 2017 ước đạt gần 396,47 nghìn tỷ đồng, bằng 32,7% dự toán, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm 2016. Vốn FDI đăng ký mới, góp cổ phần và đăng ký bổ sung tăng cao (đạt 10,6 tỷ USD, tăng 40,5%).

Tuy nhiên, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh, tại Phiên họp, Thủ tướng cho rằng, trong 4 tháng, một số ngành kinh tế tiếp tục gặp khó khăn, nhất là khu vực công nghiệp, lĩnh vực khai khoáng và trồng trọt, chăn nuôi. Tổng cầu phục hồi chậm.

Để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm là 6,7%, Bộ trưởng Dũng cho hay, Chính phủ cũng đặt ra các kịch bản tăng trưởng thực hiện mục tiêu này. Cụ thể là tăng trưởng quý II phấn đấu đạt khoảng 6,26%; quý III là 7,29%; quý IV là 7,49 %. Theo đó, Chính phủ tập trung giải pháp quyết liệt cả về phía cung và phía cầu để đạt mục tiêu tăng trưởng.

Trong số các giải pháp, đáng chú ý là Thủ tướng giao Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện các nhiệm vụ như: khai thác dầu thô, xử lý dứt điểm 12 dự án thua lỗ kém hiệu quả cũng như đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm. “Ngay cả quan điểm xử lý 12 dự án thua lỗ kém hiệu quả cũng phải xử lý theo hướng kinh tế thị trường”, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh. 

Nhập siêu chưa đáng ngại

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước 4 tháng so với kế hoạch được Quốc hội thông qua là 19,2%, cao hơn cùng kỳ năm 2016 (18%). Trong đó, các bộ, ngành trung ương giải ngân được 15,9 nghìn tỷ đồng, đạt 22,2%, cao hơn cùng kỳ năm 2016 (17,7%); các địa phương giải ngân được 52,65 nghìn tỷ đồng, đạt 22,7%, cao hơn mức cùng kỳ năm 2016.
Đề cập về con số nhập siêu cao trong 4 tháng đầu năm là 2,74 tỷ USD, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là nhóm nhiên liệu, vật liệu, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất và xuất khẩu. Mặt khác, giá dầu tăng cao hơn so với cùng kỳ năm trước, kéo theo đó là tăng giá của nhiều mặt hàng nguyên liệu, nhiên liệu phục vụ cho ngành công nghiệp lại phụ thuộc lớn vào giá dầu thô. Ông Hải cho biết, xét về xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước trong 4 tháng cũng đạt kết quả tích cực, nhiều mặt hàng có tốc độ tăng trưởng khá.

“Việc chúng ta nhập khẩu nhiều mặt hàng phục vụ sản xuất và xuất khẩu trong 4 tháng cũng là dấu hiệu tích cực trong hoạt động sản xuất kinh doanh chứ không đáng ngại”, ông Hải nói. Theo ông Hải, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành và doanh nghiệp làm tốt hơn nữa khâu sản xuất sản phẩm để chúng ta đỡ phải nhập khẩu, bên cạnh đó đẩy mạnh cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam để giảm bớt lượng hàng nhập khẩu.

Vị lãnh đạo Bộ Công Thương cũng cho rằng, thời gian qua, nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam chưa xuất khẩu được là do chất lượng nông sản chưa đạt yêu cầu. Do đó, trong thời gian tới, các mặt hàng xuất khẩu, trong đó có các mặt hàng nông sản cần chú trọng nâng cao chất lượng hàng hóa để tiến tới đẩy mạnh xuất khẩu.             

Chuyên đề