Quốc hội xem xét dự án Luật Tố cáo (sửa đổi)

Trong phiên họp toàn thể tại hội trường sáng 8/11, Quốc hội đã nghe các báo cáo về dự án Luật Tố cáo (sửa đổi).
Đại biểu Quốc hội họp tại hội trường sáng 8/11. Ảnh: VGP
Đại biểu Quốc hội họp tại hội trường sáng 8/11. Ảnh: VGP

Cụ thể, Quốc hội nghe Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Tố cáo (sửa đổi).

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Tố cáo (sửa đổi).

Theo ông Lê Minh Khái, ngày 16/6, Quốc hội khóa XIV (kỳ họp thứ 3) đã họp phiên toàn thể tại hội trường cho ý kiến về dự án Luật Tố cáo (sửa đổi).

Về cơ bản, các đại biểu Quốc hội đã nhất trí với nhiều nội dung của dự thảo Luật, tuy nhiên, đại biểu Quốc hội còn có ý kiến vào một số vấn đề của dự thảo Luật.

Ngay sau khi kết thúc kỳ họp Quốc hội, Chính phủ đã giao cho cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật Tố cáo (sửa đổi) chủ trì phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, các bộ, ngành liên quan nghiên cứu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, rà soát lại các quy định pháp luật, tiến hành khảo sát tại một số địa phương, đối chiếu kết quả tổng kết thi hành luật để chỉnh lý dự thảo Luật nhằm bảo đảm tính đồng bộ với pháp luật hiện hành và tính khả thi trong thực tiễn.

Ngày 11/8, Chính phủ đã có Báo cáo số 338/BC-CP gửi xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về những nội dung tiếp thu, giải trình ý kiến Đại biểu Quốc hội. Ngày 17/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp phiên toàn thể lần thứ 13 cho ý kiến vào Dự thảo Luật đã được chỉnh lý. Trên cơ sở ý kiến của Đại biểu Quốc hội và kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật.

Theo đó, dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi) sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm 72 điều (tăng thêm 8 điều so với dự thảo Luật đã trình Quốc hội tháng 5/2017 và tăng thêm 22 điều so với Luật hiện hành).

Đồng thời, ông Lê Minh Khái đã báo cáo các nội dung giải trình, tiếp thu cụ thể của dự án Luật liên quan đến tên gọi và phạm vi điều chỉnh của Luật; hình thức tố cáo; đơn tố cáo nặc danh; thời hiệu tố cáo; nguyên tắc xác định thẩm quyền giải quyết tố cáo; thẩm quyền giải quyết tố cáo; trình tự thủ tục giải quyết tố cáo; bảo vệ người tố cáo; trách nhiệm phối hợp của cơ quan, tổ chức trong công tác giải quyết tố cáo; khen thưởng, xử lý vi phạm;...

Báo cáo thẩm tra dự án Luật của Ủy ban Pháp luật khẳng định, Chính phủ, Cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan đã tích cực nghiên cứu, tiếp thu nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật với nhiều nội dung quan trọng như: Làm rõ hơn khái niệm “tố cáo”, hình thức, thời hiệu tố cáo, tố cáo nặc danh, nguyên tắc xác định thẩm quyền giải quyết tố cáo, tạm đình chỉ, đình chỉ việc giải quyết tố cáo, giải quyết lại vụ việc tố cáo tiếp, điểm dừng trong tố cáo, bảo vệ người tố cáo, khen thưởng, xử lý vi phạm trong tố cáo và nhiều nội dung khác.

Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với nhiều nội dung trong dự thảo Luật và cho rằng, dự thảo Luật cơ bản đã cụ thể hóa được quy định mới của Hiến pháp về quyền con người, quyền cơ bản của công dân, góp phần thực hiện chủ trương của Đảng về nâng cao hiệu quả công tác giải quyết tố cáo trong giai đoạn hiện nay.

Bên cạnh những điểm tích cực của dự thảo Luật, nhiều ý kiến cho rằng, đây là dự án Luật quan trọng, có tính chất phức tạp nên cần được nghiên cứu sâu thêm, có lý giải thuyết phục để có thể giải quyết một cách hợp lý các vấn đề vướng mắc của thực tiễn đang đặt ra; cần chú trọng việc thực hiện cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện quyền tố cáo.

Những nội dung mới đã được chỉnh lý, hoàn thiện thêm một bước nhưng vẫn còn có ý kiến khác nhau cần phải được đánh giá, cân nhắc kỹ lưỡng, phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội nước ta hiện nay, bảo đảm tính khả thi để sau khi Luật ban hành việc tổ chức thực hiện đạt kết quả tốt.

Ủy ban Pháp luật đề nghị tiếp tục rà soát các quy định của dự thảo Luật với quy định của các văn bản pháp luật có liên quan (Bộ luật Tố tụng hình sự; Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Giao dịch điện tử; Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức…) để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Ngoài ra, trong dự thảo Luật có một số nội dung giao Chính phủ quy định chi tiết, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan hữu quan chuẩn bị dự thảo Nghị định trình đồng thời với dự án Luật để bảo đảm văn bản quy định chi tiết được ban hành có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của Luật.

Sau khi nghe 2 báo cáo nêu trên, Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ về dự án Luật Tố cáo (sửa đổi).

Chuyên đề