Quốc hội xem xét dự án Luật sửa đổi một số điều của Luật Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài

Chiều 26/10, Quốc hội đã xem xét về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện (CQĐD) nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Luật Cơ quan đại diện (CQĐD) nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài gồm 6 chương, 36 điều, được kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XII thông qua ngày 18/6/2009, có hiệu lực thi hành từ ngày 2/9/2009, bãi bỏ Pháp lệnh Cơ quan đại diện nước CHXHCN Việt Nam năm 1993 và Pháp lệnh Lãnh sự năm 1990.

Luật CQĐD khẳng định nguyên tắc thống nhất quản lý CQĐD; đề cao nguyên tắc thủ trưởng; phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của CQĐD cũng như cơ chế phối hợp công tác giữa các CQĐD trên cùng một địa bàn, giữa cơ quan trong nước và CQĐD. Luật CQĐD đã tạo hành lang pháp lý và điều kiện thuận lợi để các CQĐD thực hiện chức năng đại diện chính thức của Nhà nước Việt Nam tại quốc gia và tổ chức quốc tế tiếp nhận, triển khai thực hiện hiệu quả nhiệm vụ trên tất cả các lĩnh vực.

CQĐD thuộc các quy mô khác nhau được kiện toàn, tập trung nguồn lực. Hoạt động của CQĐD đã đóng góp quan trọng vào thành công trong việc thực hiện chủ trương, chính sách chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, nâng cao vị thế của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế, tăng cường quan hệ với các quốc gia, tổ chức quốc tế, đặc biệt là các đối tác quan trọng, tạo môi trường hòa bình và ổn định, đồng thời củng cố đoàn kết dân tộc, phát huy nội lực, thu hút ngoại lực cho công cuộc bảo vệ và phát triển đất nước.

Trong phiên họp toàn thể tại hội trường, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CQĐD nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài.

Theo Tờ trình, bên cạnh những kết quả đạt được, sau 7 năm thi hành Luật, đã phát sinh yêu cầu sửa đổi, bổ sung đối với một số điều khoản của Luật.

Cụ thể, Luật chưa thể chế hóa quy định mới của Hiến pháp năm 2013 về quy trình để Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm đại sứ đặc mệnh toàn quyền (khoản 12 Điều 74 và khoản 6 Điều 88 Hiến pháp). Luật chưa quy định các tiêu chuẩn bổ nhiệm đại sứ đặc mệnh toàn quyền, phục vụ việc xem xét bổ nhiệm, qua đó lựa chọn được các cán bộ có năng lực, đóng góp hiệu quả cho công tác đối ngoại.

Trong thời gian qua, các chế độ dành cho thành viên CQĐD và thành viên gia đình tuy đã được cải thiện so với trước, nhưng chủ yếu chỉ bảo đảm sinh hoạt tối thiểu. Để tạo điều kiện cho cán bộ yên tâm công tác, cần bổ sung một số chế độ đối với thành viên CQĐD và thành viên gia đình trên cơ sở cân đối ngân sách. Một số quy định của Luật CQĐD không còn tương thích với pháp luật hiện hành, không phù hợp với tình hình thực tế... Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CQĐD là cần thiết.

Dự án Luật được xây dựng trên quan điểm bảo đảm sự lãnh đạo thống nhất của Đảng, sự quản lý tập trung của Nhà nước đối với các hoạt động đối ngoại. Kế thừa các nội dung còn phù hợp của Luật CQĐD, xác định các vấn đề cần sửa đổi, bổ sung để triển khai thực hiện Hiến pháp năm 2013, bảo đảm phù hợp với các luật chuyên ngành có liên quan, khắc phục các vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện. Từ đó, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, nâng cao vị thế, uy tín của đất nước tại quốc gia, tổ chức quốc tế tiếp nhận.

Dự thảo Luật được bố cục thành 2 điều gồm: Điều 1 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CQĐD và Điều 2 về hiệu lực, trách nhiệm thi hành. Dự thảo Luật kế thừa phần lớn các quy định còn phù hợp của Luật CQĐD và chỉ sửa đổi, bổ sung một số khoản tại 11 trong tổng số 36 điều của Luật CQĐD, bãi bỏ 1 khoản.

Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CQĐD nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài do Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày khẳng định quan điểm nhất trí về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CQĐD theo Tờ trình của Chính phủ. Đồng thời làm rõ thêm các nội dung còn có ý kiến khác nhau liên quan đến phạm vi sửa đổi, bổ sung và đối tượng điều chỉnh của Luật; vị trí của CQĐD trong hệ thống cơ quan Nhà nước; quản lý các dự án đầu tư xây dựng của CQĐD; chế độ dành cho thành viên CQĐD; phối hợp công tác giữa đoàn được cử đi công tác nước ngoài và CQĐD...

Sau khi nghe các báo cáo nêu trên trong phiên họp toàn thể tại hội trường, Quốc hội đã thảo luận tổ về dự án Luật này.

Chuyên đề